Chính trị - Xã hội

Phòng chống cháy rừng mùa nắng nóng

08:51, 16/06/2022 (GMT+7)

Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, ngành kiểm lâm và các địa phương chủ động triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài nguyên rừng khi có sự cố, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.

Lực lượng kiểm lâm Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn kiểm tra các phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: VĂN HOÀNG
Lực lượng kiểm lâm Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn kiểm tra các phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: VĂN HOÀNG

Nguy cơ cháy rừng cao

Chiều 3-6, Công an quận Sơn Trà nhận được tin báo về việc xảy ra đám cháy ở khu vực Bãi Trẹm (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Ngay lập tức, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Sơn Trà cùng sự tiếp ứng của lực lượng kiểm lâm triển khai dập lửa. Sau hơn 1 giờ, đám cháy đã được khống chế, không lan ra các khu vực rừng khác trên bán đảo Sơn Trà. Nguyên nhân được xác định do một người dân vứt tàn thuốc xuống bãi cỏ, gây cháy với diện tích khoảng 400m2.

Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn Trần Thắng, qua tuần tra trên bán đảo Sơn Trà, lực lượng chức năng phát hiện không ít vật dụng dễ cháy như: bếp lò, vỉ nướng, than… của một số người dân và du khách đến tổ chức cắm trại, dã ngoại. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn, dễ dàng bùng phát nếu có tàn lửa. Các lực lượng kiểm lâm và địa phương đã nhắc nhở nhiều trường hợp; thông báo, hướng dẫn cho các chủ rừng, người dân thực hiện đúng các quy định PCCCR, không đốt thực bì…

Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng Phan Minh Hải cho biết, bước vào mùa du lịch, xu hướng tham quan bán đảo Sơn Trà của du khách tăng lên. Nhiều người tự do tham quan, mang thức ăn cho động vật hoang dã gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông và xâm nhập vào rừng trái phép; đặc biệt, việc tổ chức ăn uống, cắm trại qua đêm, đốt lửa ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và khiến nguy cơ cháy rừng xảy ra, ảnh hưởng đến sự tồn tại và sinh trưởng của hệ sinh thái trên bán đảo.

“Khu vực Hồ Xanh và bãi trực thăng, dù bay là hai địa điểm thường xuyên có du khách, người dân cắm trại. Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý đã phát hiện và phối hợp các  lực lượng chức năng xử lý 70 trường hợp tổ chức dã ngoại, cắm trại trên bán đảo Sơn Trà”, ông Hải thông tin.

Kiểm tra, rà soát các khu vực để xử lý kịp thời

Ông Trần Thắng cho hay, để triển khai kế hoạch bảo vệ rừng, PCCCR trong mùa nắng nóng, năm 2022, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn phối hợp UBND phường Thọ Quang, Đồn Biên phòng Sơn Trà, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tổ chức các đợt tuần tra, đặc biệt vào ban đêm trên các tuyến đường trên bán đảo Sơn Trà; thực hiện chốt chặn tại khu vực Miếu Đôi, Bãi Cháy để ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, kết hợp nhắc nhở hàng ngàn lượt du khách trong công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng, giữ gìn an ninh trật tự.

Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tăng cường bố trí lực lượng túc trực tại các điểm dừng chân, cắm các biển báo quy định để tuyên truyền cho du khách và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; UBND các phường trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền để người dân khi tham quan trên bán đảo Sơn Trà không được cư trú qua đêm trong rừng, không sử dụng lửa tại khu vực gần rừng…

Tại huyện Hòa Vang, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng là 58.405,39ha; trong đó: diện tích đất có rừng là 55.938,47ha. Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, bổ sung, điều chỉnh phương án PCCCR; thành lập 42 tổ đội quần chúng PCCCR trên địa bàn các xã có rừng. Các xã có rừng và Hạt Kiểm lâm Hòa Vang đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về bảo vệ rừng và PCCCR để nâng cao nhận thức của người dân; triển khai rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; thành lập các tổ lưu động trực chốt ở các vị trí dễ phát lửa để kịp thời phát hiện, dập tắt ngay từ ban đầu, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.

“Huyện đã chỉ đạo các xã phối hợp các lực lượng tăng cường vai trò lực lượng kiểm lâm trong việc kiểm tra, quản lý, hướng dẫn người dân xử lý thực bì đúng quy trình. Đặc biệt, các đơn vị tuyệt đối không cấp phép cho các chủ rừng dùng lửa đốt, xử lý thực bì khi có dự báo cháy rừng từ cấp 3 trở lên và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh cho hay.

Theo Chi cục Kiểm lâm thành phố, từ đầu năm, đơn vị đã triển khai thực hiện rà soát, phân vùng những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, cập nhật, bổ sung cho phương án bảo vệ rừng và PCCCR cấp thành phố. Qua đó, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn trên địa bàn. Các hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng chấp hành nghiêm việc kiểm tra, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng; giám sát, kiểm tra các chủ rừng trong việc chấp hành các quy định; phối hợp ban quản lý các khu du lịch sinh thái giám sát, nhắc nhở du khách lưu ý vấn đề an toàn trong sử dụng lửa khi tham quan, du lịch tại rừng...

“Trước diễn biến bất thường của thời tiết, chúng tôi quán triệt các lực lượng tuyệt đối không lơ là, chủ quan, chú trọng công tác trực chốt, chủ động phòng ngừa để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy rừng xảy ra. Tính từ đầu năm đến nay, trên toàn địa bàn thành phố chưa xảy ra vụ cháy lan, cháy lớn nào”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Phan Thế Dũng thông tin.

Thành lập Đội phản ứng nhanh
Tháng 4-2022, Chi cục Kiểm lâm thành phố thành lập Đội phản ứng nhanh PCCCR trên địa bàn với 30 thành viên, bố trí hoạt động tại 3 khu vực trọng điểm gồm: Khu rừng bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và các khu rừng trên địa bàn huyện Hòa Vang. Đây là lực lượng thường xuyên được thành lập, gồm cán bộ thuộc chi cục và người dân địa phương. Hằng năm, chi cục thường xuyên tổ chức tập huấn, trang bị bảo hộ lao động và các trang, thiết bị phòng cháy, chữa cháy. 

VĂN HOÀNG

.