Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng vừa ra mắt mô hình chắn “Phụ nữ tự quản” tại tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc, Km785+323 tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Mô hình đã góp phần bảo đảm an toàn, trật tự tại các tuyến đường có đường sắt cắt ngang trên địa bàn.
Nữ công nhân Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ tại gác chắn tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc (quận Liên Chiểu). Ảnh: H.T |
Ý tưởng mô hình chắn “Phụ nữ tự quản” của Ban Nữ công Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đề xuất nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Đồng thời, để thực hiện mục tiêu của ngành đường sắt "Xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động không ngừng nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa".
Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ tịch phụ trách Công đoàn Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cho hay: “Tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc có mật độ giao thông cao, thường xuyên có nhiều phương tiện vận tải lớn lưu thông, nhân viên gác chắn luôn phải hết sức tập trung thực hiện nhiệm vụ để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tàu chạy qua. Xác định vai trò đó, Ban Nữ công công ty đã lên kế hoạch thành lập những chắn có trên 65% phụ nữ làm việc tại chắn”.
Công ty đã xây dựng hoàn thiện 3 trên tổng 6 chắn đường ngang mang tên “Chắn phụ nữ tự quản” trên địa bàn thành phố. Chắn tại tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc là chắn lớn nhất gồm 9 nữ công nhân lao động thuộc Cung chắn Đà Nẵng 2, Đội duy tu cầu đường Đà Nẵng quản lý. Đánh giá về nhân lực của mô hình này, ông Tùng cho rằng, chính những đức tính tỉ mỉ, chu đáo, chịu khó… của phụ nữ rất phù hợp với các tiêu chí của công việc này.
Điều khác biệt giữa chắn “Phụ nữ tự quản” với những chắn khác là tất cả phương tiện, dụng cụ và thao tác liên quan của cán bộ tại chắn đều đạt chuẩn chính quy, văn hóa, an toàn, trong đó môi trường làm việc, các khu vực xung quanh rào chắn, vườn hoa, cây cảnh… được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ. Ngoài ra, các chị cũng đăng ký từ 1 đến 2 kilomet đường tự quản, đảm bảo tiêu chí văn hóa mặt đường tại các chắn đường sắt.
Xác định vai trò và ý nghĩa của chắn “Phụ nữ tự quản”, hầu hết công nhân nữ tại Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng viết đơn tự nguyện tham gia tổ quản lý chắn. Chị Trần Thị Cảnh - nhân viên gác chắn tại tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc chia sẻ: “Gác chắn là một công việc khó khăn và nguy hiểm, có những đêm phải thức trắng vì tàu qua lại liên tục, đèn hiệu báo nhiều lần, bữa cơm nhiều khi ăn dở. Nhưng vì trách nhiệm với nghề, trách nhiệm với tính mạng người dân, mình phải cố gắng tập trung và giữ cho tinh thần được tỉnh táo mọi lúc để có thể điều phối công việc tốt nhất. Nghề gác chắn cũng như “làm dâu trăm họ”, phải tính toán làm sao để kéo chắn trước khi tàu qua nhưng không được kéo chắn quá sớm, để người dân chờ lâu người ta cũng nói, mà kéo trễ thì không bảo đảm an toàn”.
Từ khi có chắn “Phụ nữ tự quản”, tuyến đường sắt giao với đường Nguyễn Sinh Sắc an toàn và văn minh hơn. Chị Đào Thị Út Diệu (K58/61 Ngô Thì Nhậm, Hòa Khánh Nam) cho biết: “Từ khi có "Chắn phụ nữ tự quản", người dân sống gần đường ray an tâm hơn. Các chị nhân viên gác chắn rất ân cần trong việc nhắc nhở người dân cũng như phương tiện qua lại mỗi khi có tàu chuẩn bị qua. Mấy đứa trẻ hay chơi gần đường ray cũng được các chị quan tâm chú ý, nhắc nhở nhiều”.
Chắn đường sắt “Phụ nữ tự quản” là mô hình thiết thực, mang lại hiệu quả tích cực cho cộng đồng, thể hiện sự chủ động, sáng tạo của phụ nữ trong các đơn vị, tổ chức. Qua đó, khẳng định vai trò của người phụ nữ trong công cuộc đổi mới, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.
Hiện tại Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã hoàn thành 3 trong 6 chắn “Phụ nữ tự quản” gồm: chắn Nguyễn Sinh Sắc, Km785+323; chắn Trung Nghĩa, Km787+187; chắn Nghi An, Km797+486. Dự kiến, trong thời gian tới công ty sẽ tiếp tục hoàn thành 3 chắn còn lại là: chắn Nông Sơn, Km814+012; chắn Liên Chiểu, Km775+527 và chắn Nguyễn Tất Thành, Km799+230. |
HUỲNH TRANG