Tiếp tục cải thiện thứ hạng chỉ số cải cách hành chính

.

Theo kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2021 (PAR INDEX 2021), Đà Nẵng đã trở lại ấn tượng trong tốp 5 địa phương dẫn đầu, xếp thứ 3/63 địa phương cấp tỉnh. Kết quả này phản ánh nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo thành phố nhằm nâng cao chất lượng cải cách hành chính (CCHC).

Thành phố đang tập trung các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính.  trong ảnh: Người dân đến giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY
Thành phố đang tập trung các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính. TRONG ẢNH: Người dân đến giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY

Không thỏa mãn với kết quả đạt được, PAR INDEX 2021 tiếp tục được các cơ quan chức năng thành phố phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu nhằm tiếp tục cải thiện vị thứ xếp hạng của năm 2022.

Kết quả từ hành trình nỗ lực liên tục

Sau 5 năm đánh giá xếp hạng dẫn đầu liên tiếp, năm 2017 và năm 2018, thành phố xuống vị trí thứ tư, năm 2019 và 2020 thậm chí xếp vị trí thứ sáu; năm 2021, thành phố đã có sự trở lại trong tốp các địa phương dẫn đầu. Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng nhìn nhận, sự trở lại này cho thấy quyết tâm của lãnh đạo thành phố, nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đáp ứng các yêu cầu phát triển thành phố trong tình hình mới.

Ở góc độ doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công của thành phố, ông Lê Phi Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ, tư vấn  Hải Nam đánh giá, những năm qua, Đà Nẵng luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về CCHC. Từ các sở, ngành cho đến các địa phương đều áp dụng mô hình một cửa giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

“Nhìn chung, công tác CCHC của Đà Nẵng đã đạt được nhiều tiến bộ, tạo được sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Dù vậy, vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng với nhu cầu phát triển của thành phố trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Hải nói.

Theo bà Trần Thái Bảo Hân, công dân phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), nhìn chung cách tiếp đón, hướng dẫn và giải quyết TTHC của cán bộ tại bộ phận “Một cửa” nhiệt tình, chu đáo. Song thẳng thắn nhìn nhận, việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân thông qua tra cứu, bấm nút trên máy tính đặt tại bộ phận “Một cửa” hiện nay còn bất cập do phải qua nhiều thao tác, thậm chí nhiều nơi máy tính bị hư hỏng, không sử dụng được, kể cả ở bộ phận “Một cửa” cấp quận.

Tập trung khắc phục các điểm yếu

Theo ông Võ Ngọc Đồng, qua phân tích kết quả PAR INDEX 2021 của thành phố, đối với điểm thẩm định, từ kết quả tự đánh giá (UBND thành phố tự đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của thành phố và cơ quan, đơn vị trực thuộc theo các tiêu chí được quy định trong chỉ số CCHC cấp tỉnh và hướng dẫn của Bộ Nội vụ), sau đó Bộ Nội vụ thẩm định, cho thấy điểm thẩm định của thành phố năm 2021 thấp hơn so với năm 2020. Đối với điểm điều tra xã hội học, thực hiện ở 2 nhóm gồm điều tra đại biểu HĐND, lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo phòng, ban thuộc sở; lãnh đạo UBND các quận, huyện được lựa chọn và điều tra khảo sát mức độ hài lòng của các tổ chức, công dân, doanh nghiệp đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công tại một số sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã (chỉ số SIPAS).

Ông Đồng đánh giá, qua kết quả khảo sát về điều tra đại biểu HĐND, lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo phòng, ban thuộc sở và lãnh đạo UBND các quận, huyện, một số phản ánh đúng, trùng khớp với kết quả thẩm định, cần tiếp tục phát huy trong thời gian đến như: kết quả khảo sát về cải cách đến quản lý tài chính công, kết quả khảo sát về tiếp cận dịch vụ, kết quả khảo sát về thủ tục hành chính...

Bên cạnh đó, một số kết quả khảo sát chưa phù hợp với kết quả điểm thẩm định và xếp hạng trên một số lĩnh vực, như về hiện đại hóa nền hành chính (ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, về dịch vụ bưu chính công ích, mức độ cung cấp thông tin và ISO trên địa bàn thành phố). Theo ông Đồng, trong những năm qua, thành phố nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, được các bộ, ngành Trung ương ghi nhận như: nhiều năm dẫn đầu chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Index) 12 năm liên tiếp; Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam; Giải thưởng thành phố thông minh... Hoặc kết quả về cải cách thể chế, điểm thẩm định của Bộ Nội vụ trong năm 2019, 2020, 2021 đều đạt 100% - tối đa điểm.

Đối với chỉ số SIPAS, có thể thấy kết quả phản ánh hài lòng của người dân, tổ chức đã phần nào phản ánh đúng thực tế việc đầu tư trang thiết bị hiện nay, đặc biệt là tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trên địa bàn thành phố. Việc đầu tư trang thiết bị còn hạn chế. Một số máy móc sau thời gian sử dụng đã bị hư hỏng, tuy nhiên việc thay thế, sửa chữa chưa kịp thời. Đáng chú ý, Bộ Nội vụ cũng tiến hành khảo sát những tiêu chí riêng để làm cơ sở tính toán tính logic trong quá trình trả lời phiếu khảo sát. Kết quả khảo sát ở Đà Nẵng cho thấy, 8,96% người dân, tổ chức trả lời phải di chuyển tối thiểu 4 lần để giải quyết TTHC. Ngoài ra, có 0,63% trả lời công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong việc tiếp nhận và trả kết quả…

Để CCHC tiếp tục đi vào chiều sâu, khắc phục những tồn tại, hạn chế, cải thiện vị trí PAR INDEX trong thời gian đến, theo ông Võ Ngọc Đồng, thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố, chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã phải xác định rõ mục tiêu “CCHC phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Các ngành, địa phương cần chủ động bám sát nội dung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số để triển khai phù hợp tại ngành, địa phương mình; nghiên cứu các giải pháp mới phù hợp với điều kiện thực tế của ngành, địa phương để xây dựng kế hoạch CCHC. Đồng thời, các địa phương, đơn vị chủ động rà soát, phân tích cụ thể, phát huy kết quả đạt được và có giải pháp khắc phục ngay nội dung còn bất cập, chưa đạt yêu cầu, những tiêu chí mất điểm qua các năm; nghiêm túc thực hiện việc ban hành văn bản xin lỗi kèm theo kết quả giải quyết hồ sơ khi trả kết quả trễ hẹn; xử lý nghiêm công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn và chậm trả kết quả trong giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân…

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.