Người chăm lo, giữ gìn Nghĩa trủng Phước Ninh

.

Ngay tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Thúc Kháng, công viên và Nhà bia nghĩa trủng Phước Ninh, nơi tưởng niệm các anh hùng, nghĩa sĩ đã ngã xuống trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược năm 1858, luôn sạch sẽ, cây cối xanh tốt. Nơi đây trở thành điểm tham quan của người dân và du khách, nhất là từ sau khi cầu Rồng và tuyến đường Nguyễn Văn Linh kéo dài đến chân cầu Rồng hình thành.

Hằng ngày, ông Nguyễn Phi quét dọn, chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên Di tích Nghĩa trủng Phước Ninh. Ảnh: H.N
Hằng ngày, ông Nguyễn Phi quét dọn, chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên Di tích Nghĩa trủng Phước Ninh. Ảnh: H.N

Hằng ngày, mưa cũng như nắng, ông Nguyễn Phi và vợ (số 45 Huỳnh Thúc Kháng, phường Nam Dương, quận Hải Châu) chăm chỉ quét dọn, tưới cây, dọn cỏ. Theo ông Phi, cây bồ đề trong khuôn viên nhà bia tuổi đời chắc trăm năm có lẻ, ngày nào hoa, quả cũng rụng khắp mặt sân, đến mùa thay lá ông quét ngày hai lượt cũng không xuể.

Ông Phi còn đảm nhiệm việc chuẩn bị hoa trái thắp hương trong ngày mồng 1, ngày rằm hằng tháng rất chu đáo, có khách đến thăm thì hướng dẫn khách thắp hương. Tất cả mọi việc ông Phi làm đều tỉ mỉ, chu tất với tất cả tấm lòng tri ân thành kính. Nhờ đó, dù di tích chỉ còn nhà bia, hài cốt các nghĩa sĩ đã di dời từ lâu nhưng trong ý niệm của người dân trong khu vực, nơi đây vẫn là nơi linh thiêng, cần tôn tạo, bảo vệ.

Có đợt học sinh các trường tiểu học, THCS đến tham quan di tích, vì không có hướng dẫn viên, nên ông Phi kiêm luôn người hướng dẫn, giới thiệu về lịch sử khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Nghĩa trủng Phước Ninh. Đó là những thông tin chung nhất về di tích, là nơi quy tập hài cốt của hơn 1.500 nghĩa sĩ, đồng bào Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Trị Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định đã hy sinh tại mặt trận chống Pháp xâm lược giai đoạn 1858-1860, họ đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc.

Ông Phi cũng nhớ tên khu mộ hai vị tướng Nguyễn Thượng Chất, Nguyễn Việt Thứ được dời lên Nghĩa trủng Hòa Vang ở Khuê Trung, khi đường Nguyễn Văn Linh mở thêm. Ông cũng đề nghị du khách và các em học sinh tự tìm hiểu thêm về khu di tích qua thông tin về văn bia đã được dịch và thông tin khái lược về di tích. 

Ông Nguyễn Phi năm nay 62 tuổi, vốn là thợ cơ khí nhưng một lần bị tai nạn lao động, ông giải nghề luôn. Trong hơn 10 năm qua, ông còn đảm nhiệm công việc của tổ trưởng tổ dân phố số 6 phường Nam Dương; 5 năm nay làm bảo vệ cho Trường Mầm non Ngọc Lan ở cạnh nhà, trên đường Huỳnh Thúc Kháng.

Ông bảo: “Mình không làm được gì nhiều, nên góp phần giữ gìn cảnh quan di tích sạch đẹp và tôn nghiêm. Đó cũng là việc làm thiết thực, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh - những người đã hy sinh xương máu để mang lại cuộc sống hòa bình hôm nay”.

Ông Phi đi cà nhắc do căn bệnh xương khớp, bàn tay không được nguyên vẹn, nhưng có hề gì, mỗi ngày ông vẫn chăm chút từng bát hương, từng bồn hoa cây cảnh, giúp cho Di tích nghĩa trủng Phước Ninh đẹp đẽ, khang trang, tạo thành điểm nhấn giữa lòng thành phố.

Ông Phi là một hình ảnh rất đời thường, bình dị nhưng cho thấy tinh thần trách nhiệm của lớp con cháu đối với cha ông đã hy sinh vì mảnh đất này, để làm gạch nối giữa quá khứ và hiện tại trong lịch sử phát triển của Đà Nẵng.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.