Chính trị - Xã hội
Đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng
Một số bất cập liên quan đến nhà sinh hoạt cộng đồng (NSHCĐ) diễn ra từ nhiều năm nay, cử tri đã phản ánh đến HĐND thành phố. Tuy nhiên, đến nay bài toán quy hoạch mạng lưới NSHCĐ vẫn chưa có đáp án cuối cùng.
Người dân mong muốn có nhà sinh hoạt cộng đồng để phục vụ nhu cầu họp tổ dân phố và các hoạt động cộng đồng. TRONG ẢNH: Nhà sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư 21A và 21B, phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: TRỌNG HUY |
Thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng
Ông Trịnh Phú Thanh, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư (KDC) Quang Thành 4B2 phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) cho biết, hiện 3 KDC Quang Thành 4B1, 2, 3 sử dụng chung một NSHCĐ, nhưng trên thực tế, chỉ có KDC Quang Thành 4B1 sử dụng. 2 KDC còn lại do vị trí không phù hợp, xa, trái đường nên người dân không tập trung mỗi lần có hội họp. Từ đó, các cuộc họp tổ dân phố, chi hội, đoàn thể của KDC chỉ tổ chức bên lề đường, hoặc mượn nhà dân, vừa mất tập trung và hiệu quả không cao, chưa kể không thể họp khi trời mưa. “Lãnh đạo thành phố cần có giải pháp quy hoạch, phân kỳ đầu tư xây dựng NSHCĐ cho các KDC để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trong thời gian đến”, ông Thanh nói.
Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Đình Khánh Vân, hiện nay một số KDC có địa điểm sinh hoạt cộng đồng hoặc có nhưng vị trí chưa phù hợp nên tổ dân phố mượn nhà dân hoặc sinh hoạt trên vỉa hè. Việc xây dựng đề án quy hoạch NSHCĐ của các quận, huyện được triển khai rất chậm.
Chánh văn phòng UBND quận Thanh Khê Tào Hùng đánh giá, mạng lưới NSHCĐ trên địa bàn quận còn thiếu so với nhu cầu thực tế, nhiều khu vực dân cư đến nay vẫn chưa có địa điểm để bố trí làm NSHCĐ. Bên cạnh đó, các NSHCĐ về pháp lý là do UBND các phường quản lý, tuy nhiên trên thực tế, chủ yếu được bàn giao cho các chi bộ, khu vực dân cư, tổ dân phố trực tiếp quản lý, sử dụng và chỉ được dùng định kỳ vài lần trong một năm hoặc phục vụ một số nhu cầu đột xuất. Trong quá trình sử dụng thiếu sự bảo quản và duy tu thường xuyên dẫn đến tình trạng xuống cấp hoặc hư hỏng sau thời gian ngắn. Vì vậy, việc bố trí sử dụng NSHCĐ phần lớn hiệu quả không cao.
Tại quận Ngũ Hành Sơn, do hạn chế về quỹ đất nên một số NSHCĐ trên địa bàn quận có diện tích nhỏ (11 nhà có diện tích dưới 100m2), chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của KDC. Một số vị trí đã quy hoạch NSHCĐ thuộc các dự án đầu tư phát triển sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhưng chậm triển khai đầu tư xây dựng do chưa xác định được trách nhiệm đầu tư là Nhà nước hay các chủ đầu tư dự án. Tại quận Hải Châu, NSHCĐ chưa được bố trí đều tại một số khu vực; nhiều hạng mục NSHCĐ hư hỏng, xuống cấp, công tác duy tu, bảo dưỡng hàng năm chiếm nguồn kinh phí đáng kể.
Theo quy hoạch giai đoạn 2021-2025, thành phố xây dựng khoảng 463 NSHCĐ, phân chia đều trên các quận, huyện. Hiện HĐND thành phố đang chỉ đạo UBND thành phố cần ưu tiên, quan tâm rà soát, tính toán quỹ đất công, đất rẻo chưa khai thác để bố trí xây dựng NSHCĐ đáp ứng nhu cầu sử dụng phù hợp của người dân.
Tập trung công tác quy hoạch mạng lưới nhà sinh hoạt cộng đồng
Tại quận Ngũ Hành Sơn, Quyết định số 3542/QĐ-UBND ngày 26-6-2017 của UBND thành phố phê duyệt quy hoạch mạng lưới NSHCĐ trên địa bàn quận có 91 vị trí, trong đó có 48 vị trí hiện trạng, 15 vị trí đã được phê duyệt quy hoạch nhưng chưa xây dựng, 28 vị trí đề xuất quy hoạch mới. Đến nay, trên địa bàn quận đã có 60 NSHCĐ được đầu tư xây dựng, cải tạo. “Trong năm 2022, quận dự kiến xây dựng 2 NSHCĐ đã được phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật”, Chánh văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn Huỳnh Đức Vinh nói.
Trong khi đó, quận Liên Chiểu kiến nghị thành phố sớm phê duyệt đề án mạng lưới 41 NSHCĐ mới, bổ sung vốn để triển khai đầu tư theo mạng lưới đề án đến trước năm 2025.
Ông Cao Hoàng Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Sơn Trà cho biết, theo quy hoạch quận Sơn Trà sẽ có 144 NSHCĐ, trong đó có 78 vị trí đã được đầu tư, 66 vị trí chưa đầu tư (24 vị trí đã có chủ trương, 42 vị trí đề xuất mới). Tuy vậy, việc quy hoạch, bố trí NSHCĐ trên địa bàn quận vẫn chưa đồng đều. Toàn quận có khoảng 38 ngàn hộ dân chia cho 144 NSHCĐ, bình quân có gần 300 hộ/1 nhà họp/1 lần sinh hoạt là khá cao, chưa kể một số nhà họp có diện tích khoảng 30-60m2 rất khó đáp ứng nhu cầu sinh hoạt.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong, trước đây Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt các quy hoạch mạng lưới NSHCĐ của quận Ngũ Hành Sơn và quận Cẩm Lệ. Ngày 13-11-2020, UBND thành phố có Công văn số 7484/UBND-ĐTĐT về Quy hoạch mạng lưới NSHCĐ/nhà họp tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố. Công văn yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu ở những nơi có điều kiện có thể tích hợp công năng của NSHCĐ /nhà họp tổ dân phố, thôn với thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch đầu tư xây dựng NSHCĐ/nhà họp tổ dân phố, thôn theo từng giai đoạn, bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện. Sở Xây dựng đã có công văn hướng dẫn UBND các quận, huyện triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền. Quận Cẩm Lệ đang tiến hành phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển Quỹ đất và các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất quỹ đất, bổ sung thêm các vị trí NSHCĐ để giải quyết kiến nghị cử tri và tích hợp các vị trí trên vào Đề án mạng lưới NSHCĐ của quận. Quận Hải Châu đã phối hợp Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng lập Đề án NSHCĐ trên địa bàn quận Hải Châu. Quận Thanh Khê đã giao đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát, rà soát, đề xuất lập Đề án mạng lưới NSHCĐ trên địa bàn quận. Các quận, huyện còn lại đang triển khai thực hiện theo nhiệm vụ cụ thể.
Câu chuyện quy hoạch mạng lưới NSHCĐ được đề cập từ nhiều năm nay, là vấn đề cử tri quan tâm nhất tại mỗi kỳ họp HĐND thành phố. Song đến nay các địa phương, các cơ quan chức năng vẫn chưa hoàn thành dứt điểm.
TRỌNG HUY