Chính trị - Xã hội
Khắc phục tình trạng cản trở thoát lũ
Nhằm giảm ngập lụt ở khu vực thượng lưu, hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra, các đơn vị, địa phương đang tiến hành khắc phục những vị trí gây cản trở thoát lũ tại huyện Hòa Vang.
Sông Tây Tịnh đoạn hạ lưu tuyến đường Hòa Phước - Hòa Khương đã được nạo vét để bảo đảm thoát lũ. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Trong những trận lũ xảy ra năm 2020, 2021 và đầu năm 2022, tuyến kênh thủy lợi giữa cánh đồng thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) làm mực nước ở thượng lưu và hạ lưu chênh nhau đến 1,2m, gây ngập lụt sâu khu vực thượng lưu và gây nhiều thiệt hại cho người dân ở thôn Cẩm Nê.
Trước tình hình đó, người dân đã kiến nghị UBND huyện Hòa Vang xử lý tình trạng này để lũ thoát nhanh. Các đơn vị chức năng của huyện Hòa Vang đã đề xuất phương án xử lý ngập úng tại khu vực theo hướng đầu tư xây dựng 2 cầu máng bê-tông cốt thép qua kênh thủy lợi tại 2 vị trí cách nhau khoảng 280m ở khu vực có cao trình nền ruộng thấp để bảo đảm thoát lũ với chiều dài mỗi cầu máng là 18m, hố thu và thoát nước rộng 10m mỗi bên (về phía thượng lưu và hạ lưu)...
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng cho rằng: “Để nhanh chóng khắc phục tình trạng cản trở thoát lũ, UBND huyện Hòa Vang đã thi công cải tạo khẩn cấp 2 vị trí trên tuyến kênh thành cầu máng để thoát lũ”.
Những năm qua, người dân ở các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong nhiều lần kiến nghị huyện Hòa Vang và thành phố rà soát, mở rộng hoặc bổ sung thêm các cầu, cống qua các tuyến đường như: Hòa Phước - Hòa Khương, ĐH409, ADB5... vì gây ngập lụt cục bộ dài ngày tại nhiều thôn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Các sở, ban, ngành, địa phương đã kiểm tra, đề xuất các giải pháp khắc phục.
Theo đó, khi triển khai thiết kế để cải tạo, nâng cấp tuyến đường ĐH409 đoạn qua xã Hòa Tiến, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng đã bám theo hiện trạng, không thay đổi nhiều về cao trình so với hiện trạng để tránh gây cản trở thoát lũ và khảo sát để bổ sung mới, thay thế và tăng khẩu độ các cống cũ để tăng khả năng thoát lũ.
Cụ thể, thay thế cống cũ có khẩu độ 780cm x 315cm thành cống 3 cửa có khẩu độ 3m x 3m; thay thế tuyến cống tròn có đường kính 75cm thành cống hộp có khẩu độ 80cm x 80cm; thay thế cống hộp có khẩu độ 77cm x 88cm thành cống hộp có khẩu độ 1m x 1m.
Cùng với đó, UBND huyện Hòa Vang cũng đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng tăng khẩu độ cống và bổ sung cống tại một số vị trí trên tuyến đường ĐH409. Hiện nay, đã hoàn thành thi công tuyến đường ĐH409, trong đó, đã bổ sung thêm cống, mở rộng khẩu độ các cống.
Trước đó, năm 2018, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng đã thi công bổ sung 2 cống thoát nước có khẩu độ 3,5m x 2,5m qua tuyến đường ADB5.
Tuy nhiên, trong các đợt lũ xảy ra vào năm 2020, 2021 và đầu năm 2022, vẫn còn hiện tượng chênh lệch mực nước giữa thượng lưu và hạ lưu tuyến đường, gây ngập lụt, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. UBND huyện Hòa Vang đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của huyện tiếp tục theo dõi và đề xuất, kiến nghị thành phố tiếp tục bổ sung thêm cống qua tuyến đường trong thời gian đến.
Ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho hay: “Mặc dù đã thi công mở rộng và bổ sung thêm cống qua tuyến đường ADB5 (từ xã Hòa Tiến đi Hòa Phong) nhưng vẫn chưa bảo đảm thoát nước nhanh. Địa phương đang tiếp tục đề xuất thành phố mở rộng, bổ sung thêm cống thoát lũ qua tuyến đường này cũng như một số tuyến đường khác đang có dấu hiệu cản trở thoát lũ”.
Ngoài ra, những năm qua, nhiều người dân ở các xã, nhất là xã Hòa Tiến liên tục đề nghị huyện và thành phố triển khai nạo vét sông Tây Tịnh (dài 7km) và sông Gai (dài 1,5km) để tăng khả năng thoát lũ về hạ du.
Đến nay, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng đã hoàn thành nạo vét sông Tây Tịnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã báo cáo, đề xuất UBND thành phố có chủ trương xây dựng đề án Nghiên cứu tổng thể chỉnh trị, phục hồi dòng chảy sông Tây Tịnh nhưng đến nay tuyến sông Gai hiện chưa được nạo vét.
Ông Lê Đình Ca thông tin thêm: “UBND huyện Hòa Vang đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với UBND xã Hòa Tiến rà soát các đoạn sông cần thiết nạo vét sớm để triển khai nạo vét tạm từ nguồn sự nghiệp môi trường của huyện nhằm tăng khả năng thoát lũ; đồng thời tiếp tục đề nghị UBND thành phố bố trí kinh phí để nạo vét toàn sông”.
HOÀNG HIỆP