Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ (9-7-1912 - 9-7-2022): Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng

.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912 trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống khoa bảng (ở làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), là hậu duệ đời thứ 17 của đại thi hào - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (1912 - 1941). (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (1912 - 1941). (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Đóng góp to lớn cho Cách mạng Việt Nam

Năm 1927, đồng chí tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, được cử là Bí thư đặc khu Hòn Gai - Uông Bí. Tháng 3-1938, tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Giữa lúc phong trào cách mạng của dân tộc đang bước vào thời kỳ mới, ngày 18-1-1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt và bị kết án tử hình. Ngày 28-8-1941, đồng chí anh dũng hy sinh tại trường bắn Ngã Ba Giồng, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, thành phố Sài Gòn. Với 29 tuổi đời, hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn hai năm làm Tổng Bí thư của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Khi nguy cơ chiến tranh thế giới đang đến gần, nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã sớm đặt vấn đề thay đổi chiến lược của Đảng.
Ngày 6-11-1939, hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định), đã phân tích sâu sắc tính chất chiến tranh thế giới thứ hai, những chính sách của đế quốc Pháp, thái độ các giai cấp, tầng lớp xã hội và vạch ra đường lối chính trị của cách mạng Việt Nam trước tình hình mới.

Hội nghị nhận định: chiến tranh sẽ gieo đau thương cho nhân loại, nhưng cuối cùng sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít; lúc này ở Việt Nam và Đông Dương, sự thống trị của đế quốc Pháp đã trở thành một chế độ phát xít thuộc địa, thỏa hiệp đầu hàng phát xít Nhật. Do đó, giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc, dù là Pháp hay Nhật, trở thành nhiệm vụ cấp bách nhất và là mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng Việt Nam.

Quyết định thay đổi chiến lược và thay đổi phương pháp cách mạng trong tình hình mới của Hội nghị Trung ương 6 là rất đúng đắn, sáng suốt, thể hiện tư duy chính trị nhạy bén, năng lực sáng tạo lớn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Nhờ đó, phong trào cách mạng Việt Nam có bước phát triển mới mạnh mẽ, tiến tới giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.

Nhà lý luận xuất sắc của Đảng

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là người có khả năng lý luận sâu sắc và uyên bác. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, các vấn đề lý luận và thực tiễn được giải quyết một cách sáng tạo, nhuần nhuyễn, phù hợp với quy luật vận động khách quan.

Với sáng kiến thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất Đông Dương đã cho thấy đồng chí là người nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin và quan điểm chỉ đạo của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Từ sự phân tích khoa học, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Đảng ta quyết định không áp dụng mô hình Mặt trận bình dân (kiểu Pháp), cũng không rập khuôn mô hình Mặt trận dân tộc phản đế (của Trung Quốc) mà thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất. Chỉ có như vậy mới vừa đoàn kết được giai cấp công nhân, nông dân; vừa thu hút được trí thức và các lực lượng theo xu hướng cải cách dân chủ khác.

Để làm rõ và thống nhất trong toàn Đảng về quan điểm nêu trên, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương”. Trong tác phẩm này, đồng chí đã đưa ra và giải thích những khái niệm và phạm trù mang tính lý luận như: “Thế nào gọi là tự do dân chủ”, “Tự do dân chủ với dân tộc”, “Tự do dân chủ với giai cấp tư sản”, “Tự do dân chủ với  giai cấp vô sản”…

Với bút danh Trí Cường, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết và cho in cuốn “Tự chỉ trích”, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tác phẩm “Tự chỉ trích” thể hiện tính minh triết trong tư duy chính trị của một lãnh tụ trẻ tuổi có chiều sâu trong tư duy; phản ánh sự sáng suốt của một tài năng lỗi lạc, dấu ấn đặc biệt của một người cộng sản dù mới chỉ được học tập lý luận chủ yếu trong lao tù đế quốc, nhưng bằng những hoạt động thực tiễn của mình đã khái quát được những vấn đề lý luận cách mạng hết sức sâu sắc, mang tính thời đại và còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí là một tấm gương mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản. Trước hết, phẩm chất cao quý ấy thể hiện ở tinh thần say sưa học tập, rèn luyện và vươn lên không ngừng. Từ lúc bắt đầu hoạt động cách mạng cho đến khi bị thực dân Pháp xử bắn, dù chưa được học ở trường lớp lý luận nào nhưng bằng niềm tin và nghị lực, đồng chí đã trang bị cho mình những hiểu biết sâu rộng về khoa học chính trị và trở thành lãnh tụ cao nhất của Đảng.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, trong bối cảnh toàn Đảng đang nỗ lực thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW của hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đây là dịp để chúng ta học tập tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đó là, không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, luôn có niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng cao đẹp, yêu thương, gần gũi, hòa mình với giai cấp công nhân và nhân dân lao động; không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, nỗ lực học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phát huy vai trò tiên phong của Đảng.

S.TRUNG (Tổng hợp theo đề cương của Ban Tuyên giáo Trung ương)

;
;
.
.
.
.
.