Chính trị - Xã hội

Nghĩa tình Đà Nẵng - Nam Trung Lào

Bài 2: Tăng cường hợp tác giáo dục, thương mại, đầu tư

06:32, 21/07/2022 (GMT+7)

Thành phố Đà Nẵng không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị với các tỉnh Nam Trung Lào với những chương trình hợp tác, hỗ trợ thiết thực trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thương mại, đầu tư. Thông qua các chương trình này, Đà Nẵng đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh bạn.

Những năm qua, thành phố Đà Nẵng tăng cường hợp tác, hỗ trợ các tỉnh Nam Trung Lào trên nhiều lĩnh vực. TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (thứ 3, phải sang) tham quan gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp Đà Nẵng tại hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng với doanh nghiệp các tỉnh Nam Trung Lào do Sở Công Thương thành phố tổ chức. Ảnh: NGỌC PHÚ
Những năm qua, thành phố Đà Nẵng tăng cường hợp tác, hỗ trợ các tỉnh Nam Trung Lào trên nhiều lĩnh vực. TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (thứ 3, phải sang) tham quan gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp Đà Nẵng tại hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng với doanh nghiệp các tỉnh Nam Trung Lào do Sở Công Thương thành phố tổ chức. Ảnh: NGỌC PHÚ

Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực

Chiều 4-7, Trường Hữu nghị tỉnh Sê Kông (Lào) cờ hoa rực rỡ, giáo viên, học sinh đứng hai hàng cầm cờ Việt Nam và cờ Lào vẫy chào đón đoàn công tác cấp cao thành phố Đà Nẵng đến dự khánh thành và bàn giao công trình nâng cấp Trường Tiểu học Hữu nghị lên thành Trường Trung học Hữu nghị. Theo Sở Ngoại vụ thành phố, trong chương trình hợp tác với tỉnh Sê Kông, năm 2009, thành phố hỗ trợ Hội Việt kiều tỉnh Sê Kông 50.000 USD xây dựng trường tiểu học. Để phục vụ việc học cho con em cộng đồng người Việt cũng như người Lào tại tỉnh Sê Kông, năm 2020, thành phố Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ 9 tỷ đồng để nâng cấp trường tiểu học lên thành THPT. Dù dịch bệnh song hai địa phương đã chỉ đạo xây dựng và hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng tháng 6-2021.

Phó tỉnh trưởng Sê Kông Khanti Silavongsa bày tỏ niềm vui, cảm kích trước tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Đà Nẵng đối với tỉnh: “Công trình đã đáp ứng nhu cầu học tập đối với bà con địa phương cũng như con em người Việt, tạo điều kiện để giáo viên, học sinh thi đua dạy và học. Chúng tôi sẽ chỉ đạo ngành giáo dục tỉnh sử dụng hiệu quả, xứng đáng với tình cảm mà thành phố Đà Nẵng dành cho ngành giáo dục địa phương”.

Vongviengxay Thongdam, cựu lưu học sinh Lào tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015-2019, hiện là Phó văn phòng Đài Truyền hình tỉnh Salavane, không sao quên được tình nghĩa của người Đà Nẵng dành cho mình. Sau khi được tuyển dụng vào Đài Truyền hình tỉnh Salavane, năm 2015, Vongviengxay Thongdam được cử sang Đà Nẵng học ngành báo chí tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) theo chương trình học bổng toàn phần do thành phố Đà Nẵng tài trợ. Tốt nghiệp cử nhân báo chí, Vongviengxay Thongdam về lại Salavane công tác và sau được bổ nhiệm làm Phó văn phòng Đài Truyền hình tỉnh.

Giai đoạn 2002-2022, Đà Nẵng đã cấp học bổng cho hơn 1.000 lưu học sinh Lào từ các tỉnh Champasak, Sê Kông, Savannakhet, Salavan, Attapeu, Khammuon, Bolikhamxay thuộc Đại học quốc gia Lào theo học tiếng Việt, đại học và sau đại học tại thành phố Đà Nẵng. Với việc ký kết bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho Lào vào năm 2020, mỗi năm, thành phố Đà Nẵng cam kết tuyển sinh và tài trợ học bổng, sinh hoạt phí cho khoảng 100-120 sinh viên Lào theo học các ngành, chương trình đào tạo tại Đại học Đà Nẵng. Hiện nay, có khoảng 254 lưu học sinh Lào thuộc diện nhận học bổng của UBND thành phố đang theo học tại Đại học Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Lào thành phố Đà Nẵng cho biết, nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào, trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm đến việc tăng cường hợp tác với các địa phương Lào. Nổi bật là hợp tác lĩnh vực giáo dục; ngoài việc hỗ trợ học bổng hằng năm cho cán bộ, học sinh, sinh viên sang Đà Nẵng học tập, nghiên cứu còn hỗ trợ xây dựng trường học cho các tỉnh, xem đây là lĩnh vực quan trọng nhằm đào tạo nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. “Các công trình trường học là minh chứng sinh động cho tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa thành phố Đà Nẵng với các địa phương Nam Trung Lào. Thành phố mong muốn các trường học được sử dụng phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân địa phương, góp phần củng cố, tăng cường tình đoàn kết giữa Đà Nẵng và các tỉnh bạn”, Phó Chủ tịch Thường trực Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

Tăng cường xúc tiến đầu tư, phát triển thương mại

Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ Thiên Định (Đà Nẵng) những năm qua đã đầu tư nông nghiệp hữu cơ tại các tỉnh Nam Trung Lào. Ông Nguyễn Văn Giảng, Giám đốc công ty cho biết, Lào là vùng đất còn nhiều lợi thế cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, vì vậy, ngay từ năm 2006, ông đã mạnh dạn đầu tư sang các tỉnh Nam Trung Lào và được chính quyền các địa phương ủng hộ.

Đến nay, ông Giảng đã có hàng trăm héc-ta đất làm nông nghiệp hữu cơ tại địa phương bạn với mặt hàng chủ yếu là dưa lưới, dưa chuột, các loại cà, chuối, rau, được người tiêu dùng ưa chuộng. “Hiện tại, Chính phủ Lào đã đồng ý giao 500ha đất tại xứ lạnh của tỉnh Champasak cho công ty. Chúng tôi sẽ cử 20 chuyên gia nông nghiệp mang giống sang để trồng và tôi tin tưởng sẽ mở rộng thị trường, thương hiệu không chỉ trên đất Lào mà trên cả thế giới”, ông Giảng nói.

Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương cho biết, trong những năm qua, ngành công thương thành phố tích cực phối hợp với ngành công thương các tỉnh Nam Trung Lào đẩy mạnh xúc tiến hợp tác thương mại. Đặc biệt, trong tháng 7-2022, Sở Công Thương thành phố tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ Thương mại Sê Kông và tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng với doanh nghiệp các tỉnh Nam Trung Lào tại tỉnh Champasak.

Tại các sự kiện đã có 30 doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng tham gia trưng bày hoặc gửi sản phẩm nhằm quảng bá, giới thiệu nhiều sản phẩm đặc trưng địa phương, sản phẩm OCOP-Việt Nam đến với người dân tỉnh bạn. Tại hội nghị kết nối đã có hơn 100 doanh nghiệp của các tỉnh Nam Trung Lào tham dự với các sản phẩm ODOP-Laos, có 4 cặp doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng và các địa phương Lào ký kết bản ghi nhớ hợp tác.

Bên cạnh đó, đoàn công tác đã tổ chức khảo sát thị trường, hỗ trợ kết nối, tìm kiếm nhà phân phối cho doanh nghiệp. “Bước đầu, Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh  Phương Nguyên đã có đơn đặt hàng sản phẩm cà phê hòa tan và trà gừng của các thương nhân Việt kiều, Công ty TNHH Mỹ Phương Food và doanh nghiệp tư nhân Mỹ Gia Thạnh cũng đã tìm được các đại lý phân phối tại Champasak”, bà Phương nói. Đặc biệt, Sở Công Thương thành phố đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Sở Công Thương 5 tỉnh Nam Trung Lào, hợp tác trên các lĩnh vực xúc tiến thương mại, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, hợp tác phát triển dịch vụ logistics, dịch vụ hầu cần logistics nhằm thúc đẩy kết nối và phát triển tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây…

Tại các buổi làm việc với các tỉnh Nam Trung Lào trong chuyến công tác đầu tháng 7 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng đề nghị ngành công thương hai địa phương phối hợp, kết nối doanh nghiệp để thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại hai chiều. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nêu ví dụ, các tỉnh Nam Trung Lào có lợi thế nông sản, trong khi Đà Nẵng có thị trường tiêu thụ tốt, do đó các tỉnh cần đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường thành phố. Ngược lại, thành phố Đà Nẵng có hải sản tươi sống, cần đẩy mạnh xuất khẩu sang các tỉnh bạn để phục vụ người dân. “Không chỉ quan tâm doanh nghiệp của Đà Nẵng mở rộng thị trường ở tỉnh bạn mà cần tạo cơ chế, điều kiện để các doanh nghiệp Nam Trung Lào đầu tư sang Đà Nẵng, thời điểm này là cơ hội thuận lợi”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

NGỌC PHÚ

.