Chính trị - Xã hội
Nhớ mãi Mặt trận 44 Quảng Đà
Ngày 15-7, tại Đà Nẵng, Ban Liên lạc truyền thống Mặt trận 44 Quảng Đà tổ chức gặp mặt kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Mặt trận 44 Quảng Đà (1-7-1967 – 1-7-2022). 250 đồng chí tham dự buổi gặp mặt đại diện cho hơn 5.000 cựu chiến binh (CCB) Mặt trận 44 Quảng Đà đang sinh sống trên mọi miền đất nước.
CCB Mặt trận 44 Quảng Đà kể chuyện truyền thống tại Bia chiến tích Giáng Đông, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang năm 2021. Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Thường vụ Khu ủy Khu 5 và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã thành lập Mặt trận 44 Quảng Đà với 4 trung đoàn bộ binh (Trung đoàn 38, Trung đoàn 36, Trung đoàn 141, Trung đoàn 31) và 19 tiểu đoàn trực thuộc. Tiếp đó, cấp trên bổ sung Trung đoàn pháo binh 575, Trung đoàn pháo binh 577. Đến tháng 10-1967, Khu ủy Khu 5 quyết định sáp nhập Tỉnh ủy Quảng Đà và Thành ủy Đà Nẵng thành Đặc khu ủy Quảng Đà.
Chiến trường Quảng Đà rất ác liệt. Địch càn quét, đánh phá, cày ủi 352 thôn trong tổng số 441 thôn trên địa bàn Quảng Đà. Chúng ném bom rải thảm, hủy diệt vùng Gò Nổi, Điện Bàn, vùng căn cứ 2 huyện Hiên và Giằng. 2/3 ruộng đồng bị bỏ hoang. Cuộc sống nhân dân hết sức khó khăn, gian khổ.
Trên chiến trường Quảng Đà có biết bao tấm gương anh hùng, luôn nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng. Tiêu biểu như nhân dân các xã Điện Tiến, Hòa Tiến cải trang chuyển hàng trăm quả đạn ĐKB cho Trung đoàn pháo binh 575 pháo kích sân bay Đà Nẵng. Trong trận đánh tiêu diệt tiểu đoàn biệt kích Nùng tại Non Nước, đồng chí Phan Hành Sơn đã nằm trên hàng rào dây thép gai tại cửa mở để đồng đội vượt qua, xông lên đánh chiếm mục tiêu. Đồng chí Alăng Bờ Lờ, Huyện đội trưởng huyện Đông Giang leo lên cành cây cao làm ổ quạ để cho trinh sát ẩn núp, quan sát tổ chức tấn công tiêu diệt tổ biệt kích địch. Trong khi đó, chiến sĩ A Lăng Bin (huyện Nam Giang) bí mật phục kích trên rẫy cao, bắn cháy máy bay trinh sát Mỹ…
Trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Mặt trận 44 Quảng Đà đã đánh vào thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An, thị trấn Vĩnh Điện, các huyện lỵ, tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, góp phần cùng cả nước làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Paris (Pháp).
Năm 1969, các lực lượng vũ trang Mặt trận 44 Quảng Đà đẩy mạnh hoạt động, tiêu diệt và làm bị thương 16.500 tên địch, phá hủy 346 máy bay, 147 xe quân sự, 64 khẩu pháo, thiêu hủy hàng triệu lít xăng dầu của địch. Đồng thời, đồng bào đô thị xuống đường đấu tranh đòi dân sinh dân chủ.
Đặc biệt, ngày Quốc tế lao động 1-5-1971, gần 10.000 người dân Đà Nẵng đã tham gia mít tinh, tố cáo tội ác của Mỹ, ngụy. Năm 1972, Mặt trận 44 Quảng Đà hợp đồng chiến đấu với chủ lực Quân khu 5, tiến công dồn dập và nổi dậy rộng khắp, đánh bại âm mưu bình định nông thôn của địch, góp phần làm phá sản chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Từ cuối năm 1973, Mặt trận 44 Quảng Đà phát triển mạnh. Ta mở Chiến dịch Hè 1974 với trọng điểm là các vùng Trung và Đông huyện Duy Xuyên, vùng A-B huyện Điện Bàn, giữ vững vùng B Đại Lộc, diệt ác phá kèm trong thành phố, cắt đứt các cầu trên Quốc lộ 1A. Tiểu đoàn Công binh Hải Vân đánh nhào một đoàn tàu trên đèo Hải Vân. Trong Chiến dịch Nông Sơn-Trung Phước và Thượng Đức năm 1974, Đặc khu ủy Quảng Đà cử hai đồng chí Phạm Đức Nam (Phó Bí thư Đặc khu ủy) và Nguyễn Bá Phước (Phó Tư lệnh Mặt trận 44 Quảng Đà) cùng 3 tiểu đoàn bộ binh tham gia. Ngày 8-8-1974, quân ta giải phóng hoàn toàn quận lỵ Thượng Đức.
Trong mùa Xuân đại thắng 1975, hai trung đoàn 96 và 97 của Mặt trận 44 Quảng Đà cùng với Trung đoàn 38 (Sư đoàn 2) đánh chiếm sân bay Nước Mặn; Tiểu đoàn 1 (R20) cùng với lực lượng Đặc công - Biệt động Đà Nẵng nhanh chóng thọc sâu, đánh chiếm các mục tiêu trong trung tâm thành phố. 11 giờ 30 ngày 29-3-1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng.
Trở về với đời thường, CCB Mặt trận 44 Quảng Đà sinh sống trên mọi miền đất nước và luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới. Trong 5 năm 2017-2022, Ban Liên lạc truyền thống Mặt trận 44 Quảng Đà phối hợp với các Ban liên lạc thành viên vận động kinh phí xây dựng 48 nhà đồng đội, đồng thời hỗ trợ sửa chữa nhà cho 71 hội viên; tổ chức xây dựng 12 bia chiến tích với tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng; tiến hành nhiều chương trình về nguồn, thăm và tặng quà cho nhân dân vùng căn cứ kháng chiến; tích cực tham gia giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Đặc biệt, cán bộ, hội viên Ban Liên lạc đã trở về những chiến trường xưa tìm kiếm được 227 hài cốt liệt sĩ và tận tình giúp cơ quan chức năng đưa vào cải táng tại các nghĩa trang liệt sĩ. Theo Trưởng ban Thái Thanh Hùng, thời gian đến, Ban Liên lạc truyền thống Mặt trận 44 Quảng Đà tăng cường các hoạt động kết nối thông tin hội viên, dìu dắt thế hệ trẻ phấn đấu trưởng thành, vận động con cháu hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
LÊ VĂN THƠM
(Nguồn: Tư liệu về Mặt trận 44 Quảng Đà, do Ban Liên lạc truyền thống Mặt trận 44 Quảng Đà cung cấp)