Thiếu hụt lao động đi biển

.

Hoạt động đánh bắt chưa hiệu quả dẫn đến nhiều chủ tàu không đủ sức để giữ chân lao động. Bên cạnh đó, nguồn lao động tại địa phương hạn chế, tình trạng “già hóa” lao động do người trẻ không mặn mà bám biển… là những nguyên nhân khiến ngành khai thác hải sản địa phương đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.

Hoạt động đánh bắt chưa hiệu quả dẫn đến nhiều chủ tàu không đủ sức để giữ chân lao động. TRONG ẢNH: Ngư dân đang vận chuyển cá lên chợ đầu mối Thủy sản Thọ Quang sáng 14-7. Ảnh: VĂN HOÀNG
Hoạt động đánh bắt chưa hiệu quả dẫn đến nhiều chủ tàu không đủ sức để giữ chân lao động. TRONG ẢNH: Ngư dân đang vận chuyển cá lên chợ đầu mối Thủy sản Thọ Quang sáng 14-7. Ảnh: VĂN HOÀNG

Khó khăn về nguồn nhân lực

Sở hữu 3 tàu đánh bắt, khai thác thủy sản, với mỗi chuyến đi biển, ông Nguyễn Văn Tiếng (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) phải tìm đủ 20 lao động. Số lao động trên đa phần đến từ tỉnh Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế. Theo ông Tiếng, lợi nhuận sau mỗi chuyến đi biển được chia theo tỷ lệ 50:50, tức là chủ tàu được chia 50%, toàn bộ nhân công trên tàu được chia 50%.

Từ đầu năm đến nay, số tàu của ông đã thực hiện 4 chuyến vươn khơi đánh bắt, đa phần đều huề vốn. Cả chủ tàu lẫn người lao động đi biển đều không có thu nhập do việc đánh bắt không hiệu quả, sản lượng thấp, giá xăng dầu, vật tư tăng cao... “Đa số lao động trên tàu đều gắn bó lâu năm nên không tìm tàu khác để đi biển. Nhưng nếu tiếp tục đánh bắt, chủ tàu sẽ lỗ vốn, người lao động không có thu nhập”, ông Tiếng than thở. Với khó khăn đó, ông Tiếng lo số lao động sẽ khó trụ lại với nghề.

Trong khi đó, anh Lê Văn Kháng, ngư dân trú phường Thuận Phước (quận Hải Châu) cho hay, gia đình anh có 6 tàu hậu cần (công suất trên 800CV) với khoảng 60 lao động. Trong đó, có khoảng 80% lao động đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế, còn lại là dân địa phương. Mỗi tháng, anh Kháng phải bù lỗ từ 300-400 triệu đồng do chi phí xăng dầu tăng và khai thác không hiệu quả. Trước đây, mỗi tàu của gia đình anh có khoảng 10 lao động nhưng nay chỉ còn khoảng 6 lao động/tàu. So với các tàu khác, lao động trên tàu của anh được trả lương theo tháng. Tuy nhiên, mức lương được trao đổi trực tiếp giữa chủ tàu với người lao động chứ không có hợp đồng lao động.

Ông Cao Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho rằng, nguồn lao động tại địa phương thiếu hụt dẫn đến các chủ tàu phải tuyển lao động địa phương các nơi. Mặt khác, nhiều chuyến vươn khơi không hiệu quả nên thu nhập của các bạn tàu bị ảnh hưởng; giữa chủ tàu và người lao động không có ràng buộc nên dễ nhảy việc sang tàu khác, dẫn đến việc tìm lao động đi biển gặp khó khăn. “Nghề khai thác, đánh bắt đang bị thiếu hụt lao động trầm trọng do người trẻ không theo nghề biển. Hoạt động đánh bắt đa phần là do những người theo nghề lâu năm thực hiện. Nếu không có chiến lược phát triển, đào tạo phù hợp, chúng tôi sợ rằng nguồn nhân lực sẽ càng khó khăn và hạn chế”, ông Minh trăn trở.

Ngư dân kiểm tra ngư, lưới cụ chuẩn bị cho chuyến vươn khơi tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Ảnh: VĂN HOÀNG
Ngư dân kiểm tra ngư, lưới cụ chuẩn bị cho chuyến vươn khơi tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Ảnh: VĂN HOÀNG

Cần chiến lược phát triển nguồn nhân lực

Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản, nguồn lao động khai thác hải sản của Đà Nẵng hiện nay đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu, số còn lại đến từ các địa phương khác. Tính đến tháng 7-2022, tổng số lao động khai thác thủy sản trên địa bàn thành phố ước khoảng 6.815 lao động/1.222 tàu cá, trong đó: tàu cá có chiều dài dưới 12m là 325 chiếc khai thác ở ven bờ; tàu cá có chiều dài 12-15m là 320 chiếc, khai thác ở vùng lộng; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 577 chiếc, tập trung khai thác ở vùng khơi.

Để phát triển nghề khai thác, đánh bắt hải sản, nhiều năm qua, thành phố đã và đang triển khai nhiều chính sách của Trung ương và địa phương, cụ thể như: các chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá khai thác xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP, Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND; chính sách về hỗ trợ giảm phương tiện khai thác ven bờ theo Quyết định số 4991/QĐ-UBND ngày 26-7-2016 của UBND thành phố; chính sách hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, thiết bị giám sát hành trình và máy, trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm và khai thác thủy sản theo Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND ngày 11-7-2019 của HĐND thành phố về Quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2025…

Theo Chi cục Thủy sản, cần có chính sách, cơ chế thu hút sinh viên tham gia đào tạo chuyên ngành về lĩnh vực thủy sản (khai thác thủy sản, bảo quản sản phẩm) để phát triển nguồn nhân lực (về số lượng, chất lượng), đặc biệt là chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực được đào tạo chuyên ngành về thủy sản làm việc trực tiếp trên tàu cá.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố nhìn nhận, nghề khai thác, đánh bắt thủy sản phải được xem là ngành công nghiệp hiện đại để phát triển kinh tế. Ngành công nghiệp này không chỉ đòi hỏi công cụ, phương tiện sản xuất hiện đại mà còn cần nguồn nhân lực được đào tạo chất lượng cao, đáp ứng về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, việc đào tạo của ngành trên thực tế còn hạn chế, hầu như không có trường đào tạo. Đa phần, người theo nghề đều có trình độ văn hóa không cao, theo truyền thống “cha truyền con nối”...

Chính phủ cần có chiến lược, quy hoạch đầy đủ và toàn diện để phát triển nghề; đặc biệt, cần đặt ngành công nghiệp khai thác thủy sản xứng tầm với tiềm năng và vị thế của quốc gia. Mặt khác, cần có cuộc điều tra để xác định chiến lược phát triển, kết hợp với định hướng khai thác bền vững, bảo đảm hệ sinh thái tự nhiên, ổn định đời sống kinh tế cho ngư dân; cần đặt ra những định lượng khai thác phù hợp với từng vùng, từng mùa để bảo đảm tính bền vững trong hoạt động khai thác thủy sản và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Từ đó, có những chính sách hợp lý về đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng phương tiện, kỹ thuật khai thác, đánh bắt hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.

6 tháng đầu năm, số lượt tàu và sản lượng hàng hóa qua cảng cá đều giảm
Ông Nguyễn Lại, Phó Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, so với cùng kỳ năm 2021, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 8.567 lượt tàu cá qua cảng (giảm 16%); 10.755 lượt tàu cá hoạt động theo các ngành nghề lưới cản, lưới vây, lưới quét, lưới kéo… và hậu cần nghề cá (giảm 16%) ; sản lượng hàng hóa tàu cá qua cảng đạt 31.783 tấn (giảm 27%)…

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.