Chính trị - Xã hội
4 trận động đất xảy ra tại Kon Tum, người Đà Nẵng có cảm giác rung lắc nhẹ
ĐNO - Chỉ trong vòng 80 phút, từ 14 giờ 08 đến 15 giờ 28 chiều 23-8, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 4 trận động đất, trong đó, trận động đất xảy ra đầu tiên vào lúc 14 giờ 8 phút 4 giây (giờ Hà Nội) có độ lớn 4,7 độ richter, được xác định có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1 và nhiều người ở Đà Nẵng có cảm giác sàn nhà rung lắc nhẹ.
Họa đồ trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum làm nhiều người ở Đà Nẵng có cảm giác sàn nhà bị rung lắc nhẹ. (Nguồn: Viện Vật lý địa cầu) |
Theo thông tin từ Viện Vật lý địa cầu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trận động đất đầu tiên trong ngày xảy ra vào lúc 14 giờ 8 phút 4 giây (giờ Hà Nội) tại vị trí có tọa độ 14,768 độ vĩ bắc, 108,209 độ kinh đông khu vực huyện Kon Plông ở độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2km, có độ lớn 4,7 độ richter. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Trận động đất thứ hai xảy ra lúc 14 giờ 11 phút 36 giây (giờ Hà Nội) có độ lớn 3,6 độ richter tại vị trí có tọa độ 14,796 độ vĩ bắc, 108,252 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km.
Trận thứ ba xảy ra lúc 15 giờ 2 phút 9 giây (giờ Hà Nội) có độ lớn 3,7 độ richter tại vị trí có tọa độ 14,801 độ vĩ bắc, 108,238 độ kinh đông với độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km.
Trận thứ tư xảy ra lúc 15 giờ 27 phút 53 giây (giờ Hà Nội) có độ lớn 2,5 độ richter tại vị trí có tọa độ 14,808 độ vĩ bắc, 108,235 độ kinh đông với độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km.
3 trận động đất xảy ra sau được xác định cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi 4 trận động đất này.
Trước đó, vào ngày 19-4-2022, tại cuộc họp khẩn trực tuyến với các đơn vị, địa phương về ứng phó với động đất liên tiếp trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị Viện Vật lý địa cầu rà soát hệ thống cảnh báo động đất, sóng thần tại các địa phương trong nước, nhất là 54 điểm tự động giám sát và theo dõi động đất, sóng thần.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương tăng cường cung cấp thông tin nhanh chóng khi xảy ra hiện tượng động đất.
Tại cuộc họp khẩn này, đại diện Viện Vật lý địa cầu cho rằng, từ đầu năm 2022 đến nay, tại tỉnh Kon Tum đã xảy ra nhiều trận động đất liên tiếp và được xác định là động đất kích thích.
Khu vực xảy ra động đất nằm trên đới đứt gãy đang hoạt động có tên là Rào Quán - A Lưới, một đới đứt gãy mạnh, kéo dài từ Lào, qua A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đến Quy Nhơn (Bình Định).
Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại một số địa phương, nhất là tại Quảng Nam khi các hồ thủy điện tích nước.
HOÀNG HIỆP