Chính trị - Xã hội

Đà Nẵng kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn và khơi thông nguồn lực để phát triển

19:50, 02/08/2022 (GMT+7)

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 220/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Đà Nẵng, ngày 26/6/2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Đà Nẵng, ngày 26-6-2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo văn bản, bên cạnh kết quả đạt được, thành phố Đà Nẵng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và đối mặt với khó khăn, thách thức. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chỉ chiếm 1,5% so với cả nước; thu ngân sách chỉ chiếm 1,45% tổng thu ngân sách cả nước; tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng và chưa thực sự bứt phá; tốc độ phục hồi lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vai trò đầu tàu, hạt nhân phát triển, liên kết, hợp tác với khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn hạn chế.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình trong nước và thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ tới đất nước ta nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Để thích ứng với tình hình mới, nhanh chóng khắc phục hậu quả đại dịch, khôi phục và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục quán triệt các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ngày 1-12-2021; đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm.

Thủ tướng yêu cầu cán bộ, quân và dân thành phố tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, thống nhất, đổi mới, sáng tạo, tự lực, tự cường; vươn lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, từ con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử của Đà Nẵng; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá; tận dụng hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội.

Thành phố Đà Nẵng cần cụ thể hóa và tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXII; Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội; các Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 01-11-2016 và số 40/2022/NĐ-CP ngày 20-6-2022 của Chính phủ...

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý; nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên cần được tiếp tục coi trọng, song song với quá trình xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Về một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị thành phố Đà Nẵng tiếp tục phòng, chống, kiểm soát tốt dịch Covid-19 theo phương châm chủ động, linh hoạt, thích ứng an toàn nhưng không được chủ quan, lơ là trong tổ chức thực hiện; tập trung, thần tốc, quyết liệt hơn nữa trong việc tổ chức tiêm vaccine cho tất cả các đối tượng theo quy định của Chính phủ và Bộ Y tế; đẩy mạnh việc đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế theo quy định, đảm bảo việc khám chữa bệnh cho nhân dân với phương châm sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Thành phố Đà Nẵng cần phát huy tiềm năng sẵn có và tạo ra động lực mới, cơ hội mới, không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt một cách nghiêm túc, bài bản; quản lý tốt quy hoạch, đảm bảo tính ổn định.

Bên cạnh đó, thành phố cần xem xét chặt chẽ các dự án có yếu tố nước ngoài tác động đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm giữ vững thế trận phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của các đơn vị đóng quân trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn thực hiện tốt việc quy hoạch phát triển, xây dựng dự án, công trình dân sinh kết hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh; phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc trong tình hình mới.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và ba chương trình mục tiêu quốc gia cần được tiếp tục triển khai tích cực, hiệu quả trên địa bàn; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, tập trung cho các dự án, công trình trọng điểm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án cao tốc đi qua địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thành phố Đà Nẵng tập trung thực hiện và xử lý dứt điểm các vi phạm theo các kết luận thanh tra, điều tra, kiểm toán và thi hành các bản án với tinh thần: không hợp thức hóa cái sai nhưng phải tìm cơ chế, chính sách để tháo gỡ với cách tiếp cận mới, tư duy mới để xử lý các vấn đề tồn đọng, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn và khơi thông nguồn lực để phát triển.

Song song với việc đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, Đà Nẵng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng miền Trung - Tây Nguyên và thành phố Đà Nẵng; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước; triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh sau đại dịch; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tận dụng có hiệu quả cơ hội do các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại...

Theo TTXVN/Báo Tin tức

.