Chính trị - Xã hội

Đẩy mạnh sử dụng túi thân thiện môi trường

13:33, 13/08/2022 (GMT+7)

Để ngăn ngừa ô nhiễm do rác thải là túi nilon, nhiều chiến dịch khuyến khích sử dụng túi, bao bì thân thiện môi trường đã được triển khai trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ở các khu chợ dân sinh, loại túi thân thiện với môi trường không được người tiêu dùng sử dụng nhiều.

Việc hạn chế sử dụng túi nilon góp phần bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu).Ảnh: CHIẾN THẮNG
Việc hạn chế sử dụng túi nilon góp phần bảo vệ môi trường. TRONG ẢNH: Người dân mua hàng tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu). Ảnh: CHIẾN THẮNG

Chưa có thói quen sử dụng?

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (tiểu thương tại chợ Đống Đa) cho biết, trước đây, chị có hưởng ứng hoạt động sử dụng bao, bì tái chế để thay thế túi nilon nhưng thực tế sau một thời gian thấy khó sử dụng và rất bất tiện.

“Hồi trước lá sen, lá chuối... cũng được sử dụng để gói thực phẩm ở chợ nhưng mất nhiều thời gian, tiền bạc khiến tiểu thương không mặn mà. Dạo trước, cũng có nhiều đoàn tới tặng những chiếc túi tái chế rồi tới nay không còn nữa. Nếu bảo tiểu thương chúng tôi nhập về để bán thì rất khó vì muốn nhập về bán thì phải tăng giá sản phẩm lên, mà điều đó thì chắc chắn khách hàng sẽ không thích”, chị Nguyệt bộc bạch.

Qua ghi nhận, không khó để nhìn ra tại các khu chợ, túi nilon vẫn được dùng phổ biến và túi tái chế, lá sen, lá chuối chưa thể thay thế triệt để cho túi nilon. Trong quan niệm tiêu dùng của nhiều người dân, sẽ rất khó để tìm được một sản phẩm nào thay thế cho túi nilon khi ngoài sự tiện lợi, giá thành của những những chiếc túi này rất rẻ.

Chị Phan Thị Mỹ Hạnh (trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cho biết, mỗi khi đi chợ, người bán hàng thường cho thêm túi nilon lớn, nhỏ tùy vào mặt hàng. Thời gian gói đồ cũng nhanh, xách theo cũng tiện lợi. “Có lúc đi chợ người ta dùng lá để gói đồ, nhưng sau tôi cũng phải xin thêm túi nilon vì không thể cầm trên tay mãi được. Tôi cũng từng mua túi tái chế về để đi chợ song để nhớ mang theo nó mỗi lần đi chợ là rất khó, cộng thêm việc phải vệ sinh mỗi lần dùng khiến tôi ngần ngại không muốn sử dụng. Cuối cùng, tôi vẫn lựa chọn sử dụng túi nilon”, chị Hạnh nói.

Ông Ngô Lê Quảng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Urenco miền Trung cho biết, lượng bao nilon tại địa bàn quận Liên Chiểu trong ngày là rất nhiều, rất khó để ước tính. Chỉ biết là khối lượng đang tăng dần theo thời gian, một phần từ việc gia tăng dân số, phần khác do người dân đã quen với sự xuất hiện của sản phẩm này. Số lượng bao, bì, túi nilon ngày càng gia tăng khiến khối lượng công việc của các công nhân vệ sinh ngày càng lớn, việc này đòi hỏi phía công ty phải tăng cường đẩy mạnh việc bổ sung phương tiện, thiết bị, nhân công để giải quyết rác thải.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Thông qua các hình thức tuyên truyền, nhiều địa phương vẫn đang cố gắng vận động tiểu thương nâng cao ý thức trách nhiệm đối với môi trường bằng việc hạn chế chất thải nhựa, túi nilon trong lúc đi chợ, sinh hoạt gia đình.

Bà Mai Thị Lai, Tổ trưởng tổ 94, phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) bày tỏ: “Các chị em trong tổ thường dặn nhau nếu mua thịt cá thì để trong hộp, rau thì để ngoài giỏ hay túi tái chế, tuyệt đối hạn chế tối đa túi nilon. Mỗi lúc đi chợ, các chị em luôn chuẩn bị giỏ xách, túi tái chế, hộp đựng, tùy theo thực phẩm mà lựa chọn hiệu quả vật dụng để đựng, trường hợp bất đắc dĩ sử dụng túi nilon thì phải tái chế lại nó sau khi sử dụng và phân loại một cách hợp lý nhằm giảm thiểu rác thải ra môi trường”.

Theo ông Phan Tất Tỉnh, Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà), thời gian qua, để động viên mọi người tham gia và triển khai mô hình hiệu quả, cán bộ cùng các đơn vị nòng cốt đã tích cực tuyên truyền sâu rộng đến người dân, các tiểu thương để họ hiểu và biết về tác hại của túi nilon đối với sức khỏe, môi trường sống. Đồng thời vận động người dân cùng các tiểu thương ở chợ Phước Mỹ hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon khi đi chợ, thay vào đó là nên dùng làn, hộp nhựa, túi tái chế khi đi chợ; khuyến khích người dân thực hiện tốt việc phân loại rác thải, tái sử dụng túi nilon.

“Để người dân thay thế việc sử dụng túi nilon bằng những sản phẩm khác thân thiện môi trường trong ngày một, ngày hai là điều không thể. Nếu muốn nhận thức người dân thay đổi thì cần tạo cho họ một nếp sống văn minh”, ông Tỉnh nói thêm.

Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, việc thay đổi quan niệm sử dụng túi nilon bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường của người tiêu dùng tại các chợ là việc mà thành phố đang hướng đến. Để đạt được hiệu quả, cần phối hợp nhiều giải pháp như tuyên truyền đến từng gia đình, từng chủ cửa hàng về ảnh hưởng, hậu quả của túi nilon và rác thải nhựa tới môi trường vì một mục đích chung là từng bước loại bỏ túi nilon ra khỏi những gian hàng, khu chợ.

CHIẾN THẮNG

.