Hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo

.

Phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, những năm qua, đảng viên người Cơ Tu trên địa bàn huyện Hòa Vang đã đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Anh Lê Văn Hoàng đang chăm sóc đàn heo rừng nuôi. Ảnh: TRỌNG HÙNG
Anh Lê Văn Hoàng đang chăm sóc đàn heo rừng nuôi. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Trang trại tổng hợp trên diện tích gần 10.000m2 của anh Lê Văn Hoàng ở thôn Phúc Túc, xã Hòa Phú là một trong những mô hình kinh tế của đảng viên có hiệu quả và tạo được sức lan tỏa trong nhân dân. Với diện tích vườn đồi của gia đình, anh Hoàng thực hiện mô hình trang trại tổng hợp, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Hiện trang trại của anh Hoàng có hơn 300 cây dừa, 400 cây chanh, mít…và hơn 100 con heo rừng giống và heo thịt.

Theo anh Hoàng, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi gần 200 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 2 lao động là người đồng bào dân tộc Cơ Tu với mức thu nhập ổn định 5 triệu đồng/người/tháng. “Mô hình nuôi heo rừng, trồng cây ăn trái đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo cho gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, kết hợp trang trại làm du lịch cộng đồng để phục vụ du khách", anh Hoàng thông tin.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú Nguyễn Ngọc Hải, anh Hoàng không chỉ sản xuất giỏi, mà còn là đảng viên gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp các hộ gia đình khó khăn trong thôn phát triển kinh tế, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. “Mô hình nuôi heo rừng, trồng cây ăn trái của anh Hoàng hiện nay rất hiệu quả. Các hộ dân thấy như vậy cũng tìm đến để học hỏi kinh nghiệm. Thời gian tới, xã sẽ nhân rộng thêm một số hộ trên địa bàn", ông Hải cho biết. 

Ở xã Hòa Bắc, ông Phan Văn Bền ở thôn Tà Lang được nhiều người biết đến không chỉ vì ông là một đảng viên gương mẫu, mà còn là một trong những người đã gắn bó với nghề trồng keo lá tràm trong gần 10 năm qua để lấy gỗ làm nguyên liệu sản xuất giấy. Từ một gia đình khó khăn, nhờ trồng keo tràm nên đến nay gia đình ông có cuộc sống đủ đầy, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Hiện gia đình ông trồng và chăm sóc, khai thác luân phiên gần 6ha keo lá tràm. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, sau một chu kỳ khoảng 4 năm, gia đình thu lãi 40-50 triệu đồng/1ha.

Theo ông Bền, trồng keo lá tràm nguyên liệu cần ít vốn đầu tư và chỉ vất vả trong giai đoạn hai năm đầu chăm sóc. Bên cạnh đó, nhiều hộ trồng rừng ở đây còn tiến hành trồng xen kẽ các loại cây lấy gỗ nên năm nào cũng có một lượng cây xuất bán, mang lại thu nhập và bảo đảm độ che phủ rừng bền vững.

Bà Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc cho biết, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có các chính sách khuyến khích các hộ dân, tạo điều kiện cấp đất phát triển kinh tế trang trại, các đoàn thể tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây giống; đặc biệt là khâu kết nối các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư trồng keo lá tràm…

Nhờ vậy, nhiều hộ dân ở xã Hòa Bắc, trong đó có không ít người đồng bào dân tộc Cơ Tu đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí, một số hộ có diện tích trồng keo lá tràm lớn đã thu tiền tỷ từ việc bán gỗ nguyên liệu. “Nghề trồng cây keo lá tràm đã giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động ở địa phương. Bà con tập trung mở rộng diện tích trồng với mong muốn có thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống gia đình”, bà Hà nói.

Ông Lê Trung Thắng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hòa Vang cho biết, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, kịp thời có những giải pháp trong chỉ đạo phát triển kinh tế.

Theo đó, bám sát nghị quyết phát triển kinh tế của cấp ủy, chính quyền các cấp, các đảng viên phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tích cực tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập...

Nhờ cách làm này, đến nay nhiều địa phương trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu do đảng viên làm chủ, trong đó có không ít mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của đảng viên là người đồng bào dân tộc Cơ Tu.

“Việc xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả không chỉ từ sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương mà còn nhờ ý chí vươn lên của các đảng viên. Điều đáng mừng là đảng viên làm kinh tế nông nghiệp đã thể hiện bản chất cần cù, chịu khó và mạnh dạn trong đổi mới tư duy, đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Từ sự đi đầu trong chuyển đổi mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt mà đến nay, huyện Hòa Vang đã có hàng trăm nông dân sản xuất giỏi, thu nhập ổn định và tạo việc làm cho lao động địa phương”, ông Thắng nói. 

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.