Phát huy tính ưu việt của mô hình chính quyền đô thị

Bài 2: Bảo đảm dân chủ, kiểm soát quyền lực

.

Thực hiện tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) nhằm hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phục vụ người dân tốt hơn, song vẫn bảo đảm quyền dân chủ của người dân.

Lãnh đạo quận Thanh Khê tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân trước kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Lãnh đạo quận Thanh Khê tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân trước kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Trên cơ sở quy định của việc thực hiện CQĐT, Chủ tịch UBND quận, phường phải định kỳ tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân để lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị, bức xúc của người dân, từ đó có giải pháp, xử lý, giải quyết.

Đối thoại với nhân dân

Chủ tịch UBND phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) Nguyễn Phước Sơn cho biết, UBND phường thực hiện nghiêm túc quy định về đối thoại nhân dân, mở rộng nhiều kênh để tiếp nhận ý kiến của người dân. Qua đó, UBND phường tiếp nhận, xử lý các kiến nghị, bức xúc của người dân thuộc thẩm quyền cũng như tổng hợp, chuyển xử lý các ý kiến thuộc thẩm quyền cấp quận, thành phố, tạo niềm tin và đồng thuận cho nhân dân.

Hằng tháng, UBND phường tổ chức họp ít nhất 1 lần, mời chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội, trưởng ban thanh tra nhân dân, tổ trưởng các tổ dân phố tham dự. Bên cạnh đó, chủ tịch và các phó chủ tịch UBND phường duy trì giao ban hằng tuần để kiểm điểm tình hình, thống nhất chỉ đạo các công tác, xử lý vấn đề nảy sinh, triển khai nhiệm vụ trong tuần.

Năm 2022, quận Thanh Khê ban hành kế hoạch tổ chức đối thoại hai cấp quận, phường giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân. Quận ủy và trực tiếp người đứng đầu là Bí thư Quận ủy định kỳ 2 tuần tổ chức làm việc với các cơ quan liên quan đơn vị, địa phương về công tác giải quyết đơn thư.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, khi thực hiện CQĐT, quyền làm chủ của người dân phải được quan tâm, thực hiện nghiêm túc. Trên cơ sở quy định của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND các cấp phải cụ thể hóa, thực hiện việc đối thoại trực tiếp với người dân để xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại và đóng góp của người dân trong xây dựng Đảng, chính quyền. UBND quận, phường phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tham gia xây dựng chính quyền, như: phân công cán bộ, công chức phường tham gia các cuộc họp của tổ dân phố, thôn để ghi nhận ý kiến; thông qua hòm thư góp ý hoặc sổ góp ý; nghe nhân dân trao đổi, phản ánh ý kiến trực tiếp trong các cuộc họp...

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà Bùi Nguyễn Tấn Phong cho biết, qua giám sát, hầu hết các ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân trên địa bàn quận gửi đến đều được UBND quận tiếp thu, ghi nhận và trả lời dứt điểm trong thẩm quyền cấp quận, phường. Đối với kiến nghị vượt thẩm quyền giải quyết, UBND quận có văn bản kiến nghị lên thành phố để chỉ đạo cấp có thẩm quyền trả lời và xử lý theo quy định.

Nâng cao vai trò giám sát

Trong điều kiện không tổ chức HĐND cấp quận, phường, vị thế và vai trò giám sát của Mặt trận, các hội, đoàn thể cấp quận, phường ngày càng nâng lên, đặc biệt phải làm tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân thông qua giám sát và phản biện xã hội. Tháng 8-2021, Mặt trận phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) ban hành kế hoạch và tiến hành giám sát Bí thư Đảng ủy phường trong việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Thọ Tây Trần Thị Bích Liên, nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề trọng tâm như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo về tiếp đảng viên, công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tiếp công dân của Bí thư Đảng ủy phường và kết quả giải quyết.

Qua giám sát cho thấy, Bí thư Đảng ủy phường có xây dựng kế hoạch tiếp công dân năm 2021; có bố trí lịch tiếp công dân vào thứ Năm hằng tuần, phân công cán bộ văn phòng Đảng ủy trực tiếp tiếp công dân, nhận hồ sơ, đơn thư của công dân đầy đủ; có biên bản giải quyết và thông báo kết luận kết quả giải quyết đối với vụ việc cụ thể.

Năm 2022, Mặt trận quận Thanh Khê đưa vào chương trình giám sát hoạt động của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố ứng cử trên địa bàn quận; giám sát việc thực hiện chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, việc đối thoại định kỳ với nhân dân, việc tiếp công dân và kết quả xử lý đơn thư của chủ tịch UBND 10 phường.

Tháng 5-2022, Mặt trận quận Thanh Khê xây dựng kế hoạch và lập đoàn giám sát việc lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 đối với Đảng ủy phường Chính Gián và Vĩnh Trung. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê Huỳnh Sơn Hải cho biết, qua giám sát cho thấy, Đảng ủy các phường Chính Gián, Vĩnh Trung đã chỉ đạo công khai, minh bạch những nội dung cần công khai; phân công trách nhiệm, quy định rõ nội dung, hình thức, phạm vi, thời gian, địa điểm công khai để nhân dân dễ biết, dễ hiểu, dễ giám sát; luôn tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân giám sát, góp ý đối với Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên dưới nhiều hình thức khác nhau như thông qua Mặt trận và các đoàn thể, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, đơn thư phản ánh...

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm, 6 tháng đầu năm, Mặt trận các cấp thành phố đã chủ trì 115 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp 1.023 ý kiến, kiến nghị, trong đó: 114 nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, 653 ý kiến cử tri thuộc thẩm quyền thành phố và 246 ý kiến cử tri thuộc thẩm quyền cấp quận.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã thực hiện 7 báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, HĐND, UBND thành phố theo quy định. Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã xây dựng, trình và được Thường trực Thành ủy thống nhất 12 chuyên đề giám sát của Mặt trận và 5 tổ chức chính trị - xã hội thành phố trong năm 2022 (trong đó, Mặt trận thành phố chủ trì 5 chuyên đề, các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì 7 chuyên đề).

Bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực

Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn Nguyễn Thị Anh Thi cho rằng, việc triển khai CQĐT trên địa bàn quận thời gian qua thông suốt, hiệu quả. Việc thực hiện theo chế độ thủ trưởng, chủ tịch UBND quận và chủ tịch UBND các phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND quận, phường không làm ảnh hưởng đến sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Theo bà Thi, bản thân các chủ tịch UBND quận, phường đều thuộc thường trực cấp ủy cùng cấp, với vai trò phó bí thư và làm việc theo quy chế, quy định của cấp ủy. “Hằng tuần, Thường trực Quận ủy đều tổ chức hội ý. Đối với các nhiệm vụ cụ thể, thông qua quy chế, phó bí thư Quận ủy, chủ tịch UBND quận đều có báo cáo cho Thường trực Quận ủy. Do đó, các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng được bảo đảm thực thi nghiêm túc trong triển khai các nhiệm vụ chính trị của địa phương khi thực hiện CQĐT”, bà Thi nhấn mạnh.

Bí thư Quận ủy Sơn Trà Trần Thắng Lợi cho rằng, quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ quận nêu rõ sự lãnh đạo toàn diện của Quận ủy từ công tác Đảng đến lãnh đạo chính quyền địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật; đồng thời xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn.

Mặt khác, với vai trò là phó bí thư quận ủy, chủ tịch UBND quận chịu trách nhiệm trước Quận ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Quận ủy, Bí thư Quận ủy về toàn bộ hoạt động của UBND quận. Do đó, cơ chế kiểm soát quyền lực được bảo đảm khi thực hiện chế độ thủ trưởng đối với Chủ tịch UBND quận. Tương tự, tại cấp hành chính phường cũng có các quy chế, quy định trong quan hệ UBND phường với cấp ủy cùng cấp.

Theo ông Lợi, để phát huy, nâng cao vai trò giám sát của Mặt trận và các hội, đoàn thể khi triển khai CQĐT, nội dung giám sát của Mặt trận và các hội, đoàn thể được Ban Thường vụ Quận ủy xem xét, cho ý kiến. Từ đó tạo hành lang về mặt cơ chế lãnh đạo của Đảng để Mặt trận và các hội, đoàn thể triển khai thực hiện. Sau giám sát, các kiến nghị giám sát đều được cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát trả lời cho Mặt trận và các đoàn thể; đồng thời báo cáo kết quả giám sát cho Thường trực Quận ủy.

Theo kết quả tổng hợp, qua 1 năm thực hiện thí điểm tổ chức CQĐT, UBND của 6 quận đã tiếp nhận 89 ý kiến, đề xuất của người dân, UBND của 45 phường đã tiếp nhận 2.043 kiến nghị, đề xuất của người dân và tỷ lệ giải quyết trên 95%. Chủ tịch UBND quận đã tổ chức 21 cuộc đối thoại với 1.799 người tham gia (cả trực tiếp và trực tuyến), chủ tịch UBND phường đã tổ chức 70 cuộc đối thoại với 4.252 người tham gia. Nguồn: UBND thành phố

TRỌNG HUY - LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.