Chính trị - Xã hội
Tạo đồng thuận trong giải phóng mặt bằng
Trên địa bàn quận Liên Chiểu hiện có hàng chục công trình, dự án trọng điểm với gần 2.000 hồ sơ trong khu vực cần giải tỏa. Do đó, công tác giải phóng mặt bằng được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng, được lãnh đạo quận đặc biệt quan tâm.
Địa bàn quận Liên Chiểu đang có gần 2.000 hồ sơ nằm trong khu vực cần giải tỏa phục vụ các dự án. Ảnh: XUÂN SƠN |
Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền trong công tác giải phóng mặt bằng, lãnh đạo quận Liên Chiểu chủ động vận động, thuyết phục, tháo gỡ vướng mắc của người dân, giám sát quá trình thực hiện giải tỏa; trường hợp vượt thẩm quyền thì sẽ báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết.
* Hiện nay, tại quận Liên Chiểu có bao nhiêu dự án, công trình trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thưa ông?
- Địa bàn quận Liên Chiểu hiện có các dự án, công trình trọng điểm của thành phố đang triển khai, như dự án: Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu, Kênh thoát nước vệt cây xanh cách ly, Ký túc xá sinh viên tập trung phía tây Khu công nghiệp Hòa Khánh, Nút giao thông trục I Tây Bắc, Tuyến đường trục I Tây Bắc (đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đến nút giao thông quốc lộ 1A), Cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam, Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân, Khu du lịch sinh thái Nam Ô, Cảng biển Liên Chiểu và đường ven biển nối Cảng Liên Chiểu.
Ngoài ra, UBND quận cũng đang tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua phường Hòa Hiệp Bắc; dự án đường dây 220KV Hòa Khánh - Hải Châu giai đoạn 2 (từ điểm VT14 đến trạm biến áp Hòa Khánh); tuyến đường cấp bách chiến lượt quốc phòng phục vụ quân sự và dân sinh quận Liên Chiểu; Trường Tiểu học khu vực Trung Nghĩa...
Với gần 2.000 hồ sơ cần giải tỏa, lãnh đạo UBND quận tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, tiếp dân, vận động nhân dân nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng, phấn đấu đến ngày 31-12-2022 hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với 6 dự án thuộc nhóm 1-2018 và 8 dự án thuộc nhóm 1-2022. Ngoài ra, tập trung hoàn thiện hồ sơ pháp lý của các dự án trọng điểm, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng.
* Theo ông, đâu là nguyên nhân gây tình trạng chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên?
- Công tác giải phóng mặt bằng vô cùng khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian bởi tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Nguyên nhân chậm trễ có thể kể đến như người dân không tự nguyện chấp hành bàn giao mặt bằng, công tác đền bù tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu, mong muốn của người dân…
Còn một số nguyên nhân chính như vướng mắc do xây dựng nhà trên đất không phải đất ở, không đủ điều kiện bố trí tái định cư, bởi theo quy định, hộ làm nhà trên đất không phải đất ở sau ngày 1-7-2004 không được bồi thường đất ở, không bố trí tái định cư. Đa số các hộ này đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không chấp hành bàn giao mặt bằng.
Ngoài ra, không ít trường hợp chống đối khi nhận giá trị bồi thường đất thấp, không đủ tiền nộp tiền sử dụng đất cho lô đất tái định cư hoặc tiền đền bù nhà cửa, vật kiến trúc không đủ xây lại nhà mới sau giải tỏa. Trong khi đó, chính sách cho nợ tiền sử dụng đất theo Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26-10-2019 của Chính phủ chỉ hỗ trợ đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo...
* Địa phương đã có những giải pháp gì giúp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, tạo sự đồng thuận trong dân?
- Ngoài đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý và các thủ tục liên quan, UBND quận tăng cường tiếp dân, kiểm tra, giám sát, báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết đối với các kiến nghị hợp tình, hợp lý.
Cụ thể, quận đang tập trung rà soát để trình UBND thành phố xem xét, hỗ trợ trượt giá đối với một số hồ sơ nằm trong dự án kéo dài; tích cực phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Các nội dung kiến nghị của người dân và từng hồ sơ giải tỏa đều được xem xét kỹ lưỡng, giải quyết trên tinh thần bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, thực hiện tốt an sinh xã hội và đúng quy định của pháp luật.
* UBND quận Liên Chiểu đã và đang huy động cả hệ thống chính trị vào công tác giải phóng mặt bằng?
- Đúng vậy. Chúng tôi huy động sự tham gia của các cấp, ngành, Mặt trận, hội, đoàn thể vào công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, vừa góp phần tuyên truyền cho người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách liên quan công tác đền bù giải tỏa, vừa giám sát, phản biện chính sách, quyết định của chính quyền.
Bên cạnh đó, UBND quận cũng tăng cường quản lý trật tự đô thị, kiên quyết xử lý tình trạng xây dựng trái phép, không phép trong khu dân cư, nhất là trong các dự án đã công bố quy hoạch. Lãnh đạo UBND quận thường xuyên tổ chức kiểm tra thực tế hiện trạng từng dự án để có cơ sở xem xét, giải quyết kiến nghị của người dân; chỉ đạo UBND các phường phân công cán bộ phụ trách, vận động hộ dân bàn giao mặt bằng.
Đối với các kiến nghị vượt thẩm quyền, Hội đồng Bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư sẽ kiểm tra, đánh giá toàn diện để có cơ sở kiến nghị, đề xuất thành phố xem xét, giải quyết.
* Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả công tác đối thoại, lấy ý kiến người dân trước khi triển khai dự án?
- Theo quy trình, trước khi triển khai dự án, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với UBND các phường, tổ dân phố thông tin, lấy ý kiến người dân về nội dung quy hoạch và tiến hành xác minh quá trình sử dụng đất, thời điểm có nhà ở thực sự. Đây là cơ sở quan trọng để xét mức bồi thường nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân.
Sau khi niêm yết công khai kết quả giải quyết của UBND các cấp, Hội đồng Bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư, cán bộ phụ trách dự án tiếp tục gặp gỡ, thu thập kiến nghị của hộ dân liên quan công tác giải phóng mặt bằng, triển khai dự án.
Nhìn chung, hoạt động tiếp dân, lấy ý kiến khu dân cư, đối thoại, trả lời cử tri được Hội đồng Bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư tổ chức đa dạng hình thức, có nhiều thành phần tham dự, giải quyết được nhiều bức xúc, vướng mắc và tạo sự đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng.
HUỲNH LÊ