Chính trị - Xã hội

Bỗng dưng bị quấy rối, đòi nợ

08:33, 17/09/2022 (GMT+7)

Mặc dù không vay tiền của bất kỳ ai, không quen biết với người đi vay nhưng nhiều người vẫn bị nhắn tin đe dọa, uy hiếp, liên tục bị nháy máy, thậm chí gọi điện thoại xuyên đêm để đòi nợ.

Ngày 12-9, anh L.V.M (lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố) đăng tải lên mạng xã hội dòng trạng thái bức xúc khi bị quấy rối, khủng bố đòi nợ theo kiểu xã hội đen. Anh L.V.M viết: “Đề nghị Công ty Mcredit kiểm tra lại các nhân viên của Mcredit, tôi và các bạn cấp quản lý SB không liên quan đến bất kỳ khách hàng nào vay của Mcredit, vui lòng kiểm tra lại hệ thống và gỡ bỏ hàng trăm cuộc gọi quấy rối bằng robot-call và tấn công fb (facebook- PV) cá nhân”.

Qua chia sẻ của anh L.V.M, 3 ngày gần đây, anh nhận được hàng trăm cuộc gọi, nhờ anh bảo một nhân viên cũ của anh (thực chất người này là ai và ở đâu không ai biết - PV) gọi điện cho Mcredit và không nói rõ lý do vì sao, liên quan đến việc gì chỉ nói rằng: “Em không gọi được cho nhân viên của anh, nhờ anh bảo bạn ấy gọi”.

Sau cuộc gọi đó, người gọi để lại một tin nhắn nhờ tôi gọi cho nhân viên cũ của tôi. Điều đáng nói là hàng trăm cuộc gọi nháy máy xuyên đêm. Đỉnh điểm là trưa 12-9, facebook của anh M và một số cán bộ quản lý ở đơn vị bị tấn công và đăng các hình ảnh, comment khủng bố thông tin.

Cũng theo anh M, qua thảo luận với tổng đài Mcredit và các kênh thông tin tổng hợp, anh được biết Mcredit đang đòi nợ một người nào đó mang tên H.T.D., số hợp đồng 1000.3210.10.22.36... Bức xúc với việc không vay, không quen biết người vay, anh M. đã yêu cầu Mcredit chấm dứt các hoạt động quấy rối, khủng bố đến anh và những người không liên quan. Nếu hành vi trên tiếp tục tái diễn anh sẽ báo cáo đến cơ quan chức năng...

Không chỉ anh M, thời gian qua, nhiều người dân cũng phản ánh thông tin về việc thường xuyên bị quấy rối, đe dọa bằng nhiều hình thức như gọi điện thoại, nhắn tin, đưa hình ảnh cá nhân lên mạng… chỉ vì những món nợ “từ trên trời rơi xuống”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (nhà ở phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) cho biết, thời gian qua chị cũng như người thân trong gia đình và bạn bè đã nhận hàng trăm cuộc gọi từ các số điện thoại lạ gọi đến đòi nợ, quấy rối, mặc dù không liên quan đến vay mượn tiền bạc. Tìm hiểu, chị Hạnh mới biết các cuộc gọi đến yêu cầu chị trả khoản vay qua mạng, do vợ của một người làm cùng công ty với chị vay?.

Thấy vô lý, chị Hạnh hỏi người gọi đến đòi nợ là ai vay, vay bao nhiêu tiền thì đầu dây bên kia không trả lời, chỉ nói “hãy trả nợ cho công ty”. Không chỉ chị Hạnh, nhiều người là bạn bè của chị cũng bị gọi quấy rối tương tự. Trường hợp của vợ chồng anh N.T.S (trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) bị đòi món nợ mà họ không vay và không biết cả người vay. Nhưng facebook cá nhân của vợ chồng anh đều bị tấn công, rồi ghép những hình ảnh nhạy cảm vào và đưa hình ảnh vợ anh lên các trang mạng với nội dung rao bán dâm...

Trước tình hình trên, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân một số biện pháp xử lý khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ mặc dù không vay tiền. Trước hết cần bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập.

Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình (nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng). Thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền với nội dung như trên. Sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ.

Đối với các trang facebook cá nhân, có thể khóa các bình luận của người lạ. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: thông tin về giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống...

Theo Điều 156 Bộ Luật hình sự, hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác… có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống. Hành vi trên có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

PHƯƠNG UYÊN

.