Chính trị - Xã hội
Cần đầu tư nhà máy tái chế, xử lý bùn thải tiên tiến
Bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để khởi công các nhà máy có công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến, các nhà quản lý, chuyên gia và nhà khoa học cho rằng Đà Nẵng cần sớm đầu tư các nhà máy tái chế, xử lý các loại chất thải khác, đặc biệt là bùn thải và phân bùn bể phốt.
Vận hành hệ thống ép khô bùn thải tại Trạm xử lý nước rỉ rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Hiện mỗi ngày, các trạm xử lý nước thải và trạm xử lý nước rỉ rác trên địa bàn thành phố phát sinh khối lượng bùn thải (ướt) hơn 20 tấn/ngày. Khối lượng bùn thải này được các trạm xử lý thô bằng cách ép và làm khô để giảm khối lượng, rồi vận chuyển lên bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) chôn lấp.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng Nguyễn Đăng Huy thông tin: “Mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận hơn 10 tấn bùn thải khô để xử lý. Về tương lai, thành phố có quy hoạch để kêu gọi đầu tư một nhà máy xử lý bùn thải, phân bùn bể phốt nhằm tái chế, tái sử dụng loại chất thải này, đặc biệt là tách các chất khoáng, vi lượng có lợi để sử dụng”.
Vấn đề xử lý các loại bùn thải phát sinh ở đô thị bằng công nghệ tiên tiến thay thế chôn lấp truyền thống là điều cần thiết bởi diện tích chôn lấp rác ở thành phố ngày càng thu hẹp, khó khăn. Năm 2019, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) hợp tác với Tập đoàn Mikuniya (Nhật Bản) lắp đặt tại trường 1 hệ thống thiết bị xử lý rác bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải ở Đà Nẵng bằng công nghệ Mishimax có công suất 50kg/ngày (Mishimax MK50).
Ngày 30-8 vừa qua, nhà trường phối hợp Tập đoàn Mikuniya tổ chức hội thảo về xử lý bùn thải và sinh khối đô thị bằng công nghệ Mishimax sau 3 năm nghiên cứu thử nghiệm xử lý bùn thải bằng công nghệ nói trên. Qua đó thống nhất một số kết quả nghiên cứu khả quan ban đầu, đặc biệt là tỷ lệ giảm khối lượng của bùn thải sau xử lý từ 85-90%.
Sản phẩm sau xử lý ổn định và có tiềm năng cao, cung cấp nhiều khoáng chất cho cây trồng, mảng xanh của đô thị..., không phải đem đi chôn lấp như ở nước ta hiện nay và không phải đem đi đốt như ở các nước tiến tiến, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính phát sinh do quá trình đốt.
PGS.TS Trần Văn Quang, giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Bách khoa Đà Nẵng nhìn nhận: “Hiện nay, các địa phương đang có nhu cầu cao về xử lý bùn thải cũng như xử lý, tái sử dụng rác cây xanh. Sản phẩm sau xử lý bùn thải bằng công nghệ này được sử dụng làm đất sạch phục vụ trồng cây”. Còn ông Makoto Tokuoka, Giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật phân hủy và lên men thuộc Tập đoàn Mikuniya bày tỏ: “Chúng tôi rất mong muốn được chuyển giao công nghệ Mishimax, đầu tư một nhà máy xử lý bùn thải tại Đà Nẵng để bảo đảm môi trường cho thành phố trong tương lai”.
Theo các chuyên gia và nhà quản lý, việc chôn lấp các loại bùn thải và phân bùn bể phốt có giá thành rẻ nhưng về lâu dài sẽ tốn nhiều diện tích đất để chôn lấp. Trong điều kiện quỹ đất chôn lấp rác của thành phố Đà Nẵng có nhiều hạn chế thì việc đầu tư nhà máy tái chế, xử lý các loại bùn thải và phân bùn bể phốt là cần thiết.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị Thành ủy, UBND thành phố cấp thiết có chủ trương nghiên cứu quy hoạch mở rộng khu xử lý chất thải rắn tại khu vực Khánh Sơn, làm cơ sở để thành phố có thể bố trí, kêu gọi đầu tư đối với các dự án nhà máy xử lý các chất thải khác như: bùn thải và phân bùn bể phốt, chất thải nguy hại, phế thải xây dựng... Việc này cũng nhằm làm giảm áp lực về diện tích đất chôn lấp rác, đáp ứng yêu cầu lâu dài về công tác xử lý rác thải của thành phố.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Đặng Quang Vinh cho rằng: “Hiện nay, toàn bộ bùn thải, rác hữu cơ và rác cây xanh hầu như phải chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn với khối lượng lớn, đặc biệt là bùn thải.
Trong khu vực quy hoạch Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn, thành phố đã dành một khoảng diện tích để quy hoạch xây dựng một nhà máy xử lý bùn thải và phân bùn bể phốt và đang kêu gọi đầu tư nhà máy này. Sau khi tham quan một số nhà máy xử lý bùn thải trong nước, muốn có hiệu quả và thành công thì sản phẩm sau xử lý bùn thải phải là đất sạch để trồng cây”.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng cũng khẳng định: “Thành phố rất cần có nhà máy tái chế, xử lý các loại bùn thải nên đang triển khai kêu gọi đầu tư tổ hợp xử lý rác nguy hại và xử lý bùn thải, phân bùn bể phốt”.
HOÀNG HIỆP