Chính trị - Xã hội
Chiến thắng Gò Hà trong ký ức những cựu chiến binh R20
Đã gần 60 năm trôi qua, kể từ đêm 31-10-1965, trong ký ức những cựu binh còn sống, trận đánh Gò Hà vẫn còn nguyên vẹn những cảm xúc xen lẫn niềm tự hào. Báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Đà tại Đại hội Đảng bộ tỉnh tháng 8-1971 khẳng định: “Chiến thắng Gò Hà là một cái mốc đánh dấu khả năng tiêu diệt lớn quân Mỹ trong công sự kiên cố của quân và dân ta”.
Ông Trần Văn Sang (bên phải, ngoài cùng, đứng hàng thứ 3 sau cùng) chụp ảnh lưu niệm với các đồng đội vượt ngục thành công ở nhà tù Phú Quốc năm 1971. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Những ngày cuối tháng 4, nắng vàng trải khắp trên những cánh đồng lúa đang vào vụ chín rộ. Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ ở thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang), cựu chiến binh Trần Văn Sang (72 tuổi) bồi hồi nhớ lại trận đánh lịch sử tại cứ điểm Gò Hà (thôn Gò Hà, xã Hòa Khương) diễn ra cách đây 57 năm, khi ông chỉ mới là anh lính 15 tuổi, vừa nhập ngũ vào Tiểu đoàn bộ binh - BB1, “Phiên hiệu R20” của tỉnh.
“Vào đơn vị được mấy tháng, tôi được tham gia trận đánh lịch sử Gò Hà. Mãi sau trận đánh gần cả tuần, anh em mới biết thắng lợi cụ thể ra sao qua báo cáo kiểm điểm, rút kinh nghiệm của cấp trên phổ biến cho đại đội, khi đã rút quân an toàn về vùng hậu cứ ở Duy Xuyên. Trước khi tham gia trận đánh cả tháng, đơn vị đã được huấn thị, diễn tập kịch bản tấn công ra sao, xác định tư tưởng như thế nào đều được quán triệt rất kỹ”, ông Sang nhớ lại.
Gò Hà là một đồi trọc, là điểm cao có giá trị về chiến thuật quân sự, khống chế khu Tây Hòa Vang và Tây - Bắc Điện Bàn. Tại đây, quân Mỹ xây dựng một cứ điểm phòng thủ kiên cố, do một đại đội lính thủy đánh bộ đóng giữ, có hai xe bọc thép M.113 và nhiều vũ khí khác. Cấu trúc bên trong gồm hàng chục lô cốt, hệ thống giao thông hào, trận địa hỏa lực. Bên ngoài có hai lớp rào, bố trí nhiều lựu đạn, mìn các loại. Để hỗ trợ cho căn cứ Gò Hà, địch có một hệ thống cứ điểm gồm quận lỵ Hiếu Đức, thị trấn Túy Loan, Miếu Trắng, Gò Cà, An Trạch và được sự phối hợp của các trận địa pháo ở Hòa Cầm, Cẩm Hà, Ái Nghĩa sẵn sàng chi viện khi bị tấn công.
Được lệnh của Tỉnh ủy và Ban chỉ huy tỉnh đội, lực lượng vũ trang ta tiến công tiêu diệt cứ điểm Gò Hà. Tham gia trận đánh Gò Hà gồm Tiểu đoàn bộ binh R20 của tỉnh, một trung đội bộ đội địa phương huyện Điện Bàn, một tiểu đội đặc công của huyện đội Hòa Vang, cùng với du kích, dân công các xã Hòa Lương, Hòa Hưng, Điện Tiến, Điện Hòa phối hợp và phục vụ chiến đấu.
Ông Trần Văn Sang nhớ lại trận đánh Gò Hà. Ảnh: MINH SƠN |
Ông Sang nhớ lại, đêm 30-10-1965, toàn đơn vị thực hành chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công. Khi Đại đội 1 của Tiểu đoàn R20 và Trung đội 1 của huyện đội Điện Bàn đảm nhiệm tấn công hướng chủ yếu, bắt đầu khắc phục vật cản, các tổ chiến đấu lần lượt lọt vào trong hàng rào.
Gần về sáng, Đại đội 3 Tiểu đoàn R20 đã tấn công tiêu diệt địch đóng tại Ba ra An Trạch và chốt Miếu Trắng (Hòa Tiến). Đại đội 2 của Tiểu đoàn R20 do phải vòng tránh địch nên bị lạc hướng, đến lúc này vẫn chưa tiếp cận được mục tiêu. Trước tình huống này, khi đội hình Đại đội 1 đã lọt vào hàng rào, nằm sát mục tiêu địch, quyết định chờ Đại đội 2 vào mới tiến đánh.
2 giờ ngày 31-10-1965, Tiểu đoàn phó Võ Xuân Lâm yêu cầu cắt dây điện thoại liên lạc của địch và ra lệnh tấn công. Lập tức, bộc phá trên các cửa mở nổ vang. Hỏa lực tiểu đoàn bắn cấp tập vào khu vực chỉ huy, trận địa hỏa lực, xe bọc thép và các cửa mở. Hỏa lực đi cùng của các đại đội bắn chế áp vào các lô cốt ở tiền duyên, chi viện cho bộc phá viên mở cửa.
Ông Lê Công Thạnh, ở thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), chiến sĩ R20 lúc ấy nhớ lại, Tiểu đoàn đồng loạt nổ súng tiến công mãnh liệt, sau hơn 30 phút chiến đấu, quân ta đã nhanh chóng chiếm được các mục tiêu trọng yếu, làm chủ trận địa. Trong trận này, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 tên Mỹ, bắn cháy 3 xe bọc thép, thu nhiều chiến lợi phẩm và là trận đầu tiên trên chiến trường miền Nam một tiểu đoàn bộ đội địa phương tấn công tiêu diệt một đại đội Mỹ tăng cường trong công sự vững chắc.
Trong trận này, ông Thạnh bị thương, bị địch bắt giữ, đưa đi điều trị, rồi giam giữ tại đồn Non Nước. Đến năm 1968, ông Thạnh được đưa ra giam giữ ở đảo Phú Quốc. Qua 5 năm tù đày, bị địch tra tấn dã man nhưng ông vẫn một mực kiên cường, trung thành với Tổ quốc. Năm 1973, sau Hiệp định Paris, địch trao trả, ông Thạnh xin về lại Quảng Đà, tiếp tục tham gia chiến đấu đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bia chiến tích Gò Hà. Ảnh: MINH SƠN |
Còn ông Sang, sau trận Gò Hà, tiếp tục chiến đấu trong Tiểu đoàn R20, cho đến chiến dịch Mậu Thân 1968, ông bị thương, rồi bị địch bắt, đưa ra Phú Quốc giam giữ. Năm 1971, ông cùng 25 đồng chí của mình đã tổ chức vượt ngục thành công, trở về hoạt động cách mạng. Năm 1972, ông Sang được cử sang Camphuchia học tập, rồi trở lại đảo Phú Quốc hoạt động trong đơn vị đặc công nước để tiếp ứng các đồng chí trong tù vượt ngục. Cho đến cuối năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký, đơn vị của ông Sang cũng giải thể. Ông tham gia chiến đấu tại Sư 1 thuộc Quân khu 9 cho đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước rồi về lại Quân khu 5, công tác tại tỉnh đội Quảng Đà đến năm 1981 xuất ngũ, trở về công tác tại địa phương.
Hiện nay, ông Thạnh là hội viên Tù yêu nước thành phố. Còn ông Sang là chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh của thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương. Trong tâm thức của 2 ông, những ký ức về trận đánh Gò Hà năm 1965 vẫn còn như mới ngày hôm qua, khi được ai đó nhắc đến.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang Lê Văn Hùng Vương cho biết, Huyện ủy đã giao cho Ban Tuyên giáo chủ trì sưu tầm, hoàn thiện tài liệu về diễn biến, kết quả, ý nghĩa, bài học từ trận đánh Gò Hà để phục vụ thuyết minh cho các đoàn tham quan công viên bia chiến tích Gò Hà. “Huyện xác định đây là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, các sự kiện lớn của huyện, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau này”, ông Vương chia sẻ.
MINH SƠN