Ngày 7-9, Đoàn giám sát Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm việc với UBND thành phố về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) giai đoạn 2016-2021 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các biện pháp phòng, chống Covid-19 lĩnh vực lao động, việc làm, BHXH.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết, hơn 2 năm dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch. Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai phương pháp xét nghiệm mẫu gộp và xét nghiệm đại diện hộ gia đình mang lại nhiều hiệu quả trong công tác chống dịch.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, Covid-19 diễn ra bất ngờ và chưa có tiền lệ khiến việc ứng xử chuyên môn cũng như việc mua sắm hàng hóa, bảo đảm hậu cần gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin, hướng dẫn. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn công tác mua sắm, đấu thầu hàng hóa y tế thường xuyên cập nhật, điều chỉnh.
Quy trình mua sắm theo quy định, đặc biệt trong mua sắm theo hình thức đấu thầu yêu cầu tuân thủ về mặt hồ sơ, thời gian thực hiện trong khi yêu cầu mua sắm thường cấp bách theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”…
Chính vì vậy, bên cạnh việc hướng dẫn mua sắm thuốc điều trị bệnh, Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể hơn về công tác mua sắm vật tư y tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm, khám, chữa bệnh tại các bệnh viện…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, trưởng đoàn giám sát, đánh giá, thành phố thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật về BHXH giai đoạn 2016-2021 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các biện pháp phòng, chống Covid-19 lĩnh vực lao động, việc làm, BHXH; đồng thời đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách kịp thời nhằm hỗ trợ người dân cũng như công tác phòng, chống Covid-19 có hiệu quả.
Bên cạnh đó, thành phố đã thực hiện tốt việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong tuyên truyền phòng, chống dịch; phát huy vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng; làm tốt công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 và công tác chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị ứng phó dịch bệnh.
Trong thời gian đến, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tiêm vắc-xin mũi 4 và mũi nhắc lại đối với trẻ em và tiếp tục mở rộng độ bao phủ BHXH, bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của UBND thành phố, thực hiện Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14-8-2021 về chính sách hỗ trợ người dân trong thời gian giãn cách xã hội, thành phố đã triển khai 7 nhóm chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 (các gói hỗ trợ tiền mặt, lương thực, thực phẩm) cho 486.509 đối tượng và 257 đối tượng bảo trợ xã hội nuôi dưỡng tập trung với tổng kinh phí 383 tỷ đồng.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, UBND thành phố đã thực hiện chi hỗ trợ cho 299.991 đối tượng với số tiền hơn 376,2 tỷ đồng...
Tính đến ngày 28-8-2022, thành phố đã triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là 2.981.905 liều. Trong đó, số lượng tiêm vắc-xin mũi 4 cho các đối tượng có chỉ định cộng dồn trên toàn thành phố là 146.962 liều, đạt 46,28%; tiêm vắc-xin mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên là 655.555 liều, đạt 78,8%; tiêm vắc-xin mũi nhắc lại cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi là 31.740 liều, đạt 31,81%; tiêm vắc-xin mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 77.486 liều, đạt 60,38%; tiêm vắc-xin mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 27.165 liều, đạt 21,17%.
NGUYỄN QUANG