Ngày 11-9, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (1962 - 2022) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Tham dự lễ kỷ niệm có Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Cùng tham dự có một số nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, thủ trưởng các ban, bộ, ngành ở Trung ương, lãnh đạo các địa phương cùng đông đảo các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên và sinh viên Học viện.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã gửi lẵng hoa chúc mừng Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Trong Thư chúc mừng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các giảng viên, sinh viên, học viên Học viện. Chủ tịch nước khẳng định trên chặng đường vẻ vang 60 năm xây dựng và trưởng thành, tuy mang những tên gọi khác nhau song Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn là trường đào tạo cán bộ uy tín của Đảng. Các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của Học viện đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, tâm huyết, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, quyết tâm xây dựng Học viện là một trường đảng, một cơ sở giáo dục đại học, sau đại học có tầm vóc, uy tín hàng đầu về đào tạo giảng viên lý luận chính trị và cán bộ tư tưởng, văn hóa, báo chí - truyền thông trong cả nước, đưa Học viện là một địa chỉ đỏ trong hệ thống giáo dục - đào tạo nước nhà.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Đảng ủy - Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh dấu mốc 60 năm xây dựng, trưởng thành là điểm tựa để Học viện Báo chí và Tuyên truyền kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, bề dày kinh nghiệm, quyết tâm phấn đấu xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh; tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò của một trường đảng, trường đại học trọng điểm, là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các ngành tư tưởng - văn hóa, báo chí - truyền thông cho toàn hệ thống chính trị.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu, với ý thức sâu sắc về trọng trách của trường đảng, giảng viên Học viện không chỉ làm nhiệm vụ truyền thụ kiến thức chuyên môn, kỹ năng và nghiệp vụ cho học viên, sinh viên mà còn cần phải thực hiện sứ mệnh tiên phong truyền bá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trách nhiệm trước Đảng, đất nước và dân tộc, cho thế hệ trẻ và toàn xã hội.
Học viện cần ý thức sâu sắc hơn yêu cầu cấp bách về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa áp lực, tác động của thị trường với trách nhiệm chính trị trong hoạt động đào tạo. Theo Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, đây là một thách thức không hề nhỏ đối với Học viện. Bên cạnh đó, Học viện tuyệt đối không để diễn ra chiều hướng thương mại hóa trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời tăng cường gắn kết các chương trình đào tạo với nhu cầu xã hội, giữa nhà trường với không chỉ với các tổ chức trong hệ thống chính trị mà cả với doanh nghiệp để xây dựng một thị trường lao động linh hoạt, tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong mọi điều kiện, Học viện phải luôn gắn giáo dục - đào tạo với thực tiễn cuộc sống, gắn đổi mới, nâng cao chất lượng với giáo dục lý tưởng, nhân cách lối sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học viên, sinh viên và luôn phải đúng với phương châm “học thật, thi thật, nhân tài thật".
Với quan điểm chỉ đạo trên, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng mong muốn Học viện Báo chí và Tuyên truyền phấn đấu để sớm lọt vào danh sách 1.000 trường đại học hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực báo chí và truyền thông.
Nhân dịp này, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nêu một số vấn đề gợi mở, định hướng phát triển cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Theo đó, Học viện phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, tăng cường tính liên thông, liên kết, giảng dạy lý thuyết gắn với tăng cường thực hành, chú trọng đào tạo chuyên môn gắn với giáo dục đạo đức, nhất là đạo đức người làm báo; quan tâm đến đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là các kỹ năng truyền thông mới, hiện đại; đổi mới phương thức đào tạo theo hướng chuẩn hóa, khai thác triệt để ưu điểm của phương thức đào tạo tín chỉ, đẩy mạnh số hóa toàn bộ quy trình quản lý đào tạo… Cùng với đó, Học viện tăng cường công tác nghiên cứu khoa học gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đặc biệt gắn nghiên cứu khoa học với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới…
Trong diễn văn trình bày tại lễ kỷ niệm, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu bật chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của Học viện. Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Trường Tuyên giáo Trung ương trước đây được thành lập ngày 16-1-1962 theo Nghị quyết số 36/NQ-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa III (trên cơ sở hợp nhất 3 trường: Trường Tuyên huấn, Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II và Trường Đại học Nhân dân). Trường do Ban Tuyên giáo Trung ương phụ trách, có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo ở Trung ương và địa phương. Kể từ năm 1962 đến nay, tuy có nhiều lần bổ sung chức năng, nhiệm vụ với nhiều tên gọi khác nhau phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng, song Học viện vẫn luôn là trường Đảng, đồng thời là trường đại học trọng điểm thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Học viện đang tổ chức đào tạo trình độ đại học hệ chính quy với 41 ngành/chuyên ngành (trong đó có 5 chương trình chất lượng cao, 1 chương trình liên kết đào tạo với Đại học Middlessex của Vương quốc Anh) với trên 2.400 sinh viên/năm; đào tạo trình độ Thạc sĩ 20 ngành/chuyên ngành với 450 - 550 học viên/năm; đào tạo 7 ngành trình độ Tiến sỹ với 30 - 50 nghiên cứu sinh/năm. Học viện đã mở được hơn 400 lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, quan hệ công chúng và quảng cáo, ngoại ngữ, tin học... với hơn 10.000 lượt học viên. Học viện hiện có 30 đơn vị trực thuộc, trong đó có 11 đơn vị chức năng và 19 đơn vị giảng dạy, nghiên cứu, thông tin, xuất bản.
Học viện tự hào đã đào tạo cho đất nước trên 70.000 cán bộ có trình độ Cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sỹ trong lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí - truyền thông...
Theo TTXVN