Khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu tới đại biểu Quốc hội trước kỳ họp

.

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 8-9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Hội nghị thảo luận về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Quy định cụ thể hơn trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trình, tiếp thu, giải trình

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình tóm tắt về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình tóm tắt về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Trình bày Tờ trình tóm tắt về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Dự thảo Nội quy gồm 3 chương với 57 điều, quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục cho việc tiến hành kỳ họp Quốc hội; quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể tiến hành một số thủ tục tại kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, dự thảo Nội quy dành một điều quy định dẫn chiếu các luật, nghị quyết đã quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành các nội dung tại kỳ họp Quốc hội, bao gồm: xem xét, thông qua luật, nghị quyết; giám sát tối cao, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quyết định trưng cầu ý dân; tiếp công dân.

Đáng chú ý, tại Chương III của dự thảo Nội quy đã bỏ quy định về việc thảo luận trước khi biểu quyết thông qua các dự thảo nghị quyết tại để thống nhất với quy định về việc không thảo luận luật, nghị quyết tại phiên biểu quyết thông qua tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, dự thảo Nội quy cũng đổi quy định trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội theo hướng giao Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, dự thảo Nội quy cũng quy định cụ thể hơn trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trình, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ và trình nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước; lược bớt thủ tục trong trình tự phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh tại Điều 38 của Nội quy năm 2015 (nay là Điều 43 của dự thảo).

Nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về việc phát hành tài liệu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tại Hội nghị, đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt một số ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội; tán thành với mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo Nội quy kỳ họp được nêu trong dự thảo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc sửa đổi Nội quy kỳ họp với 32 nhóm vấn đề mới như Ban soạn thảo trình đã cơ bản đáp ứng mục đích, yêu cầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ sự tán thành với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Nội quy kỳ họp và đánh giá, hồ sơ do Ban soạn thảo chuẩn bị cơ bản đầy đủ theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022).

Ngoài ra, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành nội dung của điểm a khoản 2 Điều 7 quy định "Tài liệu chính thức được lưu hành bằng hình thức bản điện tử, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước" vì đây là nội dung cải tiến, đổi mới trong việc tổ chức kỳ họp Quốc hội, đã được thực tiễn kiểm nghiệm có hiệu quả từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, qua thực tiễn tổ chức kỳ họp thứ nhất tại một số nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy còn có sự lúng túng trong việc xác định tài liệu tại kỳ họp thứ nhất do cơ quan của nhiệm kỳ cũ hay nhiệm kỳ mới phát hành và trình Quốc hội (ví dụ như hồ sơ dự thảo nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm tiếp theo). Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về việc phát hành tài liệu tại kỳ họp thứ nhất để có cơ sở thực hiện ổn định, thống nhất.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với việc bổ sung quy định về việc Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thể linh hoạt rút ngắn hoặc kéo dài thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội, thời gian giải trình của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong một số trường hợp sau khi xin ý kiến và được sự đồng ý của Quốc hội theo quy định tại khoản 4 Điều 18. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc xác định rõ hơn thứ tự ưu tiên áp dụng các biện pháp linh hoạt trong trường hợp thời gian còn lại của phiên họp không đủ để tất cả các đại biểu Quốc hội đã đăng ký được phát biểu, tranh luận.

Có chế tài nhằm hạn chế tình trạng chậm gửi tài liệu

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Thảo luận tại Hội nghị, đa số ý kiến bày tỏ sự tán thành cao với Tờ trình và Báo cáo được cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra trình bày. Tại Điều 7 của dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi) có quy định về tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nhất trí với hình thức chế tài để khắc phục tình trạng các cơ quan chậm gửi tài liệu theo hướng công khai danh sách và lý do gửi chậm.

Tuy nhiên, theo đại biểu, cần quy định rõ hơn thời hạn gửi tài liệu chính thức của kỳ họp đến đại biểu Quốc hội, ví dụ như thời hạn gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc đối với kỳ họp thường lệ và chậm nhất là 5 ngày trước ngày khai mạc đối với kỳ họp bất thường, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc quy định như vậy sẽ hạn chế tình trạng gửi tài liệu chậm, đại biểu không có thời gian nghiên cứu sâu, kỹ, nên chất lượng tham gia thảo luận đối với các nội dung liên quan tại kỳ họp có phần bị hạn chế.

Bày tỏ sự tán thành cao đối với việc quy định một số phiên họp bắt buộc phải phát thanh, truyền hình trực tiếp trên đài phát thanh quốc gia và đài truyền hình quốc gia như tại khoản 6 Điều 6 và khoản 3 Điều 9 của dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng, việc quy định như vậy phù hợp với sự đổi mới đã được thực hiện trong thời gian qua, tạo sự linh hoạt trong tổ chức, điều hành kỳ họp cũng như tăng cường vai trò chủ trì của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, việc phát hành kỷ yếu của kỳ họp do Văn phòng Quốc hội ấn hành và phát hành dưới dạng điện tử quy định tại khoản 5 Điều 9 của dự thảo Nội quy là phù hợp, qua đó bảo đảm phục vụ tốt hơn nhu cầu theo dõi, giám sát của cử tri và nhân dân đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội, giúp cho hoạt động của Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Lê Hoàng Anh phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Lê Hoàng Anh phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Góp ý kiến tại Hội nghị, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đánh giá cao dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi) đã được chỉnh lý kỹ lưỡng, chu đáo, góp phần đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng của kỳ họp Quốc hội. Cùng quan tâm với đại biểu Nguyễn Đại Thắng về vấn đề chậm gửi tài liệu, đại biểu Lê Hoàng Anh nhấn mạnh: Khoản 3 Điều 7 của dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi) có quy định danh sách các tài liệu chính thức của các cơ quan, cá nhân gửi chậm thì được công khai đến các đại biểu Quốc hội, điều này rất tốt. Tuy nhiên, thực tế các kỳ họp vừa qua, các đại biểu Quốc hội đều đã biết những cơ quan chậm gửi tài liệu. Do đó, đại biểu cho rằng vấn đề này nên được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội chứ không chỉ gửi đến các đại biểu Quốc hội để góp phần khắc phục tình trạng này.

"Thời gian qua, theo phản ánh của nhiều đại biểu Quốc hội, có tình trạng tài liệu gửi rất chậm, ví dụ sáng hôm sau thảo luận nhưng12 giờ đêm, 1 giờ sáng mới nhận được, đại biểu không có đủ thời gian nghiên cứu. Tôi cho rằng tài liệu cần gửi sớm và công khai", đại biểu nêu rõ.

Cũng theo đại biểu Lê Hoàng Anh, không nên quy định như tại điểm b khoản 4 Điều 18 về việc cho phép kéo dài thời gian phát biểu của mỗi đại biểu Quốc hội là chuyên gia lên không quá 15 phút. Ông Lê Hoàng Anh cho rằng, đại biểu Quốc hội là chuyên gia có thể phát biểu với tư cách là chuyên gia ở các hội nghị tham vấn các chuyên gia. Đại biểu Quốc hội có quyền hạn và nghĩa vụ như nhau, do đó nên có quyền phát biểu với thời gian giống nhau.

Theo baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.