Chính trị - Xã hội

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan (25-9-1952 - 25-9-2022)

Trận tiến công Đồn Nhất - biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng

08:36, 21/09/2022 (GMT+7)

Đã 70 năm qua, chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan (25-9-1952 - 25-9-2022) trong chiến dịch Hè Thu năm 1952 vẫn còn nguyên giá trị về tình “quân dân cá nước”, về sự gan dạ, dũng cảm của “Bộ đội cụ Hồ”, góp phần mở rộng vùng du kích của Liên khu V đến vùng ven thành phố Đà Nẵng, đánh dấu phong trào Bắc Quảng Nam ngày một lên cao và phát triển liên tục cho đến khi Hiệp định Genève được ký kết. Thắng lợi của chiến dịch đã tạo điều kiện củng cố thực lực về mọi mặt, bảo đảm nhu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng và Liên khu V nói chung.

Chiến thắng Đồn Nhất là kết quả của một quá trình chuẩn bị trước đó một cách công phu, khoa học, với ý chí tiến công cách mạng cao độ về xây dựng, chuẩn bị lực lượng. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố kiểm tra công trình tu bổ, phục hồi Di tích chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan ngày 14-9, nhằm chuẩn bị cho hội thảo khoa học kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan. Ảnh: HOÀNG TUẤN
Chiến thắng Đồn Nhất là kết quả của một quá trình chuẩn bị trước đó một cách công phu, khoa học, với ý chí tiến công cách mạng cao độ về xây dựng, chuẩn bị lực lượng. TRONG ẢNH: Lãnh đạo thành phố kiểm tra công trình tu bổ, phục hồi Di tích chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan ngày 14-9, nhằm chuẩn bị cho hội thảo khoa học kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan. Ảnh: HOÀNG TUẤN

Bước vào đầu năm 1952, mặc dù chúng ta đã giành những thắng lợi cơ bản trong chiến dịch Hè năm 1951, nhưng ở chiến trường Liên khu V nói chung, Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng, thực dân Pháp vẫn tiếp tục đẩy mạnh chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”, nhất là ở các vùng tạm bị chiếm và vùng du kích, gây cho ta nhiều khó khăn.

Thời gian này, tại Liên khu V, thực dân Pháp tăng cường đánh phá, đẩy mạnh chiêu an dồn dân, gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất. Phong trào cách mạng vùng Bắc sông Thu Bồn ra đèo Hải Vân gặp nhiều khó khăn: cơ sở vùng tạm bị chiếm bị thu hẹp, khu du kích Điện Bàn bị uy hiếp nặng, nhiều vùng trước đây tương đối an toàn cũng bị địch lập tề, phong trào chững lại và giảm sút ở nhiều nơi.

Trước diễn biến của tình hình trên, Liên Khu ủy V quyết định dùng Trung đoàn 803 kết hợp với lực lượng dân quân du kích ở Quảng Nam - Đà Nẵng mở chiến dịch Hè Thu 1952 nhằm phá thế uy hiếp của địch giành lại vùng du kích, tiêu diệt một bộ phận sinh lực của địch, phát triển cơ sở vùng tạm bị chiếm, bảo vệ mùa màng. Đây là đợt hoạt động toàn diện, do đó, Đảng ủy Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng(1) chủ trương phải nắm vững phương châm tác chiến “đánh điểm diệt viện, nhưng phải nặng về diệt viện”. Đây cũng chính là bối cảnh tạo ra chiến thắng Đồn Nhất trong giai đoạn này.

Thực hiện Nghị quyết quân sự của hội nghị Liên khu ủy V lần thứ hai (tháng 2-1952), Đảng ủy Bộ Tư lệnh Liên khu V chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang, nâng cao chất lượng bộ đội, ra chỉ thị chỉnh huấn toàn quân thuộc Liên khu kéo dài 4 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 3-1952 đến cuối tháng 6-1952.

Các lớp chỉnh huấn ngắn hạn được tổ chức liên tiếp ở toàn Liên khu, các trung đoàn, trong đó có Trung đoàn 803 đã học tài liệu quan trọng nhất: “Kháng chiến lâu dài nhưng nhất định thắng lợi”(2). Với khí thế trên, Liên Khu ủy V chủ trương mở lại chiến dịch Hè Thu năm 1952 từ tháng 6-1952 đến tháng 9-1952 để tranh thủ thời gian phá âm mưu của địch trên chiến trường liên khu.

Chiến dịch Hè Thu năm 1952 với mục đích tiêu diệt sinh lực dịch, bồi dưỡng lực lượng ta; phát triển du kích chiến tranh, tranh thủ lại các vùng du kích cũ, phá thế uy hiếp của địch. Phạm vi chiến trường là toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trong đó có hai hướng: phía nam sông Cẩm Lệ trở vào và phía bắc sông Cẩm Lệ đến đèo Hải Vân(3), từ tháng 7-1952 đến tháng 9-1952, ta chủ trương dùng Trung đoàn chủ lực 803 kết hợp với lực lượng quân, dân, chính, đảng địa phương hoạt động tiến công địch(4). Lúc này, Trung đoàn 803 sau gần 4 tháng xây dựng, củng cố lực lượng (chỉnh huấn chính trị, huấn luyện quân sự với tư tưởng kỹ thuật mới), ra quân với khí thế phấn khởi, tin tưởng, với tinh thần nâng cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết chiến và quyết thắng.

Chiến dịch Hè Thu 1952 của Liên khu V phát động chia làm 3 đợt(5), riêng trong đợt 3, mở đầu vào đêm 15 rạng ngày 16-9-1952, quân ta đồng loạt tấn công tiêu diệt các đồn Bà Du, tiền đồn Thượng Phước, uy hiếp đồn Giao Thủy (thuộc huyện Đại Lộc), diệt đồn Lệ Sơn (huyện Hòa Vang) rồi liên tiếp diệt một đoàn xe, vây ép các đồn bót địch. Cùng lúc đó, phong trào du kích chiến tranh ở Bắc Quảng Nam, được sự hỗ trợ của lực lượng chủ lực đã phát triển mạnh mẽ (nhất là các huyện Điện Bàn, Hòa Vang, Duy Xuyên), các vùng du kích cũ như Điện Tiến, Hòa Tiến được phục hồi và củng cố. Phạm vi kiểm soát của địch bị thu hẹp, nhiều xã được giải phóng hoàn toàn, tạo ra những căn cứ lõm ngay trong lòng địch.

Đặc biệt, chiến dịch Hè Thu năm 1952 của Liên khu V được kết thúc bằng một trận thắng giòn giã tiêu diệt cứ điểm Đồn Nhất do một trung đội lính Âu - Phi chiếm đóng trên đèo Hải Vân, vào rạng sáng ngày 25-9-1952, được thực hiện trực tiếp bởi Đại đội 6 thuộc Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803(6). Một nội dung có tính bước ngoặt trong chiến dịch lần này là quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng thu được thắng lợi giòn giã nhất và thể hiện rõ ràng nhất bước trưởng thành của lực lượng chủ lực Liên khu V.

Cụ thể là Trung đoàn 803, nhất là Tiểu đoàn 59 về kỹ chiến thuật đánh địch trong công sự vững chắc, với sự vận dụng tư tưởng chiến thuật, kỹ thuật mới. Chiến dịch Hè Thu 1952, lực lượng ta “đã diệt 7 cứ điểm, 5 tháp canh, diệt 1.200 địch, vũ khí thu được đủ trang bị cho 1 tiểu đoàn mạnh”(7); trong đó, cứ điểm Đồn Nhất trên đỉnh đèo Hải Vân có tính chất quyết định kết thúc chiến dịch, đồng thời mở ra một giai đoạn mới của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.

Chiến thắng Đồn Nhất là kết quả của một quá trình chuẩn bị trước đó một cách công phu, khoa học, với ý chí tiến công cách mạng cao độ về xây dựng, chuẩn bị lực lượng; về việc nghiên cứu kỹ bối cảnh và sự phân bổ lực lượng của địch để chọn các hướng đánh khả thi nhất vào từng thời điểm; về hợp đồng tác chiến.

Có thể thấy rõ, như trong đợt 1 sau khi tiêu diệt cứ điểm Văn Ly thì “toàn bộ hệ thống cứ điểm của địch ở 3 xã phía tây Gò Nổi đã bị quét sạch. Địch dùng 2 đại đội có xe bọc thép, phản ứng giải tỏa vùng La Tháp (tây Duy Xuyên) đã bị quân ta chặn đánh”(8). Sau đó, đến đợt 2 thì “hệ thống cứ điểm của địch ở vùng Trung Điện Bàn và phía Tây Hòa Vang bị uy hiếp mạnh”(9). Đồng thời, chiến dịch Hè Thu 1952 nói chung, trận tiến công Đồn Nhất nói riêng là kết quả của sự kết hợp quân - dân, vì trên thực tế “công tác chuẩn bị cho chiến dịch hè Bắc Quảng Nam được Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh cùng Ban cung cấp Liên khu V và Mặt trận tiến hành khẩn trương; huy động thí điểm 1.000 dân công phụ nữ, huy động dân và lương thực trong vùng tạm bị chiếm phục vụ cho chiến dịch”(10).

Như vậy, qua hai đợt đầu của chiến dịch đã tạo vòng kìm siết chặt dần để tiến đến trọng điểm chiến trường chính Quảng Nam - Đà Nẵng và kết thúc bằng trận tiến công Đồn Nhất, với lực lượng chủ yếu của Tiểu đoàn 59 thuộc Trung đoàn 803.

Cũng cần nói thêm rằng, Đồn Nhất do triều Nguyễn xây dựng dưới thời vua Minh Mạng; đến thời Tự Đức được củng cố để kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Đến năm 1946, khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, đã cải tạo Đồn Nhất thành một cứ điểm quân sự kiên cố, với nhiều công sự vững chắc, án ngữ đường độc đạo giữa đỉnh đèo Hải Vân hiểm trở, do 1 trung đội lính Âu - Phi chiếm giữ. Do vậy, việc tiến công vào Đồn Nhất năm 1952 ngoài việc tiêu diệt sinh lực địch, kết thúc chiến dịch Hè Thu 1952 của Liên khu V, còn có ý nghĩa có tính biểu tượng về mặt lịch sử khi ta chiếm hạ thành công một đồn kiên cố của địch ở một vị trí hiểm yếu và có bề dày lịch sử đối với Đà Nẵng nói riêng và Liên khu V nói chung.

Đối với Tiểu đoàn 59, sau khi thành lập vào năm 1950 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, được giao nhiệm vụ hoạt động độc lập trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng; đến tháng 11-1951, Tiểu đoàn được điều động về đội hình Trung đoàn 803 chủ lực cơ động Liên khu V(11). Năm 1952, Liên Khu ủy V đưa Trung đoàn 803 ra hoạt động ở khu vực Bắc Quảng Nam(12) và đơn vị đã tham gia tiến công Đồn Nhất.

Sau Hiệp định Genève (1954), Tiểu đoàn 59 tách khỏi đội hình Trung đoàn 803, về Quảng Ngãi làm nòng cốt xây dựng Trung đoàn 210, để thành lập Sư đoàn 305 (ngày 30-8-1954), là một sư đoàn dù - đặc công chủ lực của Liên khu V để bắt đầu một giai đoạn lịch sử - kháng chiến chống đế quốc Mỹ của quân và dân Liên khu V.

Điểm qua thông tin trên cho thấy, Tiểu đoàn 59 với trận tiến công Đồn Nhất, vừa có ý nghĩa minh chứng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, vừa đánh dấu bước trưởng thành để kết thúc một thời kỳ lịch sử và mở ra một giai đoạn mới của Tiểu đoàn 59.

Trong trận tiến công Đồn Nhất, tinh thần dũng cảm của tập thể và ý chí cá nhân của người chiến sĩ được phát huy tối đa trong chiến đấu, trong những giây phút có tính quyết định lịch sử. Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Dương thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803 đã nêu tấm gương tiêu biểu về tinh thần dũng cảm, sáng tạo, ý chí kiên quyết tấn công, tiêu diệt địch, khi dùng thân mình nối dài thang dưới hỏa lực của địch để mở đường cho bộ đội trèo lên, xung phong vào trận nội, dùng pháo thủ tấn công lô cốt địch, tạo điều kiện cho các mũi xung phong tiêu diệt đồn. Hình ảnh, tấm gương anh dũng hy sinh của Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Dương và các liệt sĩ sống mãi trong lòng nhân dân và đồng đội, là biểu hiện sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu.

Thắng lợi của trận tiến công Đồn Nhất để lại bài học quý giá về cách đánh Pháp, nhất là cách đánh địch trong công sự vững chắc, đánh gần diệt địch, khoét sâu điểm yếu cốt tử của quân đội Pháp lúc bấy giờ khi ỷ lại vào vũ khí, công sự kiên cố mà trước đó đối phương cho là quân ta khó tiếp cận. Mặc dù Đồn Nhất bị tiến công, nhưng các trận địa khác của Pháp đã không thể chi viện, hỗ trợ vì ta đã tạo thành thế gọng kìm và làm suy yếu địch trước đó.

Cùng với đó, với sự kiên cường, kiên quyết tiêu diệt địch của các chiến sĩ Tiểu đoàn 59 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn phó Trần Ngọc Anh, với sự hỗ trợ của du kích xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), chỉ trong vòng chưa đầy 2 giờ chiến đấu, ta đã tiến công được địch, tiêu diệt một trung đội lính Âu - Phi và bắt một số tên, thu toàn bộ vũ khí và quân trang, quân dụng.

Trận tiến công Đồn Nhất năm 1952 đặt trong tổng thể 3 trận chiến thắng trên đèo Hải Vân trước đó(13) trong kháng chiến chống Pháp (1946 -1954), càng khẳng định ý nghĩa của câu nói: Đèo Hải Vân là “mồ chôn giặc Pháp” hay “Hải Vân cao ngất tầng mây. Giặc đi đến đó bỏ thây không về”. Qua đó, càng khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân xứ Quảng trong công cuộc chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc.

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đồn Nhất (25-9-1952 - 25-9-2022) là dịp chúng ta ôn lại một “Trận đánh trên đỉnh đèo Hải Vân thời Pháp” để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803, Quân khu V nói riêng và toàn quân nói chung hôm nay càng thêm trân quý lịch sử hào hùng, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần xả thân vì dân, vì nước của cha anh; tiếp tục bồi dưỡng niềm tin, phát huy truyền thống quyết chiến, quyết thắng; ra sức luyện giỏi, rèn nghiêm, sẵn sàng chiến đấu, xứng đáng là lực lượng nòng cốt cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân vững chắc tại thành phố Đà Nẵng anh hùng. 

ĐOÀN NGỌC HÙNG ANH, 
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy

 

1. Đảng ủy Mặt trận do đồng chí Nguyễn Bá Phát làm Tư lệnh, đồng chí Bùi San làm Chính ủy.
2. Hoạt động Đông Xuân ở Nam Tây Nguyên 1952, Hồ sơ E-III-43, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.
3. Mệnh lệnh căn bản hoạt động Hè năm 1952 của Bộ Tư lệnh Liên khu V ngày 28-6-1952, Hồ sơ 47, tờ 141, Văn phòng Quân ủy Trung ương.
4. Mệnh lệnh căn bản hoạt động Hè năm 1952 của Bộ Tư lệnh Liên khu V ngày 28-6-1952, đã dẫn.
5. Đợt 1: Trong đêm mở màn (7-1952), lực lượng ta cùng một lúc tiêu diệt cứ điểm Xuân Đài, khu hành chính Phù Kỳ và tháp canh Đông Xuân Đài. Đợt 2: Tấn công, tiêu diệt cứ điểm Túy Loan (8-1952), khu hành chánh Kỳ Lam và tháp canh Kỳ Lam, cùng các tháp canh Thượng Phước, Túy Loan (trong đợt này, lần đầu tiên ta thu một pháo 94 ly nguyên vẹn tại Túy Loan).
6. Trung đoàn 803 cử Đại đội 6 thuộc Tiểu đoàn 59 vì đây là một đơn vị có nhiều kinh nghiệm công đồn, được tôi luyện qua các trận đánh trước đó trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng.
7. Mệnh lệnh căn bản hoạt động Hè năm 1952 của Bộ Tư lệnh Liên khu 5 ngày 28-6-1952, đã dẫn.
8. Hoạt động đông xuân ở Nam Tây Nguyên 1952, đã dẫn.
9. Hoạt động đông xuân ở Nam Tây Nguyên 1952, đã dẫn.
10. Hoạt động đông xuân ở Nam Tây Nguyên 1952, đã dẫn.
11. Ban Liên lạc Tiểu đoàn 59 (2000), Kỷ yếu Lịch sử Tiểu đoàn 59 Trung đoàn chủ lực 803 Liên khu 5, tr. 19-21.
12. Thành ủy Đà Nẵng (1996), Lịch sử Đảng Bộ thành phố Đà Nẵng, tập 1 (1925-1954), Nxb. Đà Nẵng, tr. 209.
13. Trận giao chiến đầu tiên vào ngày 28-2-1947, Tiểu đoàn 19 đã tiêu diệt một đại đội lính Âu - Phi, phá hủy 8 xe quân sự. Trận thứ hai xảy ra sau đó chưa đầy 3 tháng, ngày 25-5-1947, quân ta đã tiêu diệt 100 lính lê dương, hàng chục sĩ quan, trong đó có viên đại tá Roger, chỉ huy quân Pháp ở chiến trường Trung Đông Dương. Chiến thắng Hải Vân lần thứ ba vào ngày 24-1-1949 là một trận phục kích vừa đánh giao thông trên đường bộ và cả đường sắt, vừa đánh diệt viện trên một đường đèo hiểm trở và đã đạt được hiệu quả lớn. Các trận đánh này đều theo lối đánh phục kích.

.