Chính trị - Xã hội
Những trưởng thôn "dân vận khéo"
Trong chuyến công tác về các xã của huyện Hòa Vang, chúng tôi được gặp, trò chuyện với một số bí thư chi bộ, trưởng thôn và cảm nhận được ở họ sự cần mẫn, trách nhiệm với công việc chung. Những người vinh dự được “Dân tin - Đảng cử” này đang từng ngày phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới cho quê hương.
Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phò Nam (xã Hòa Bắc) Nguyễn Sinh (bên trái) cùng người dân hiến đất tiến hành kiểm tra việc thi công tuyến đường nội đồng ở thôn Phò Nam. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Đến thôn Phò Nam (xã Hòa Bắc) vào một ngày cuối tháng 8, chúng tôi ấn tượng bởi những con đường bê-tông trải dài sạch đẹp, diện mạo thôn trung tâm của xã Hòa Bắc ngày càng “thay da đổi thịt”. Đây là kết quả của sự quyết tâm của tập thể Chi ủy, Ban công tác Mặt trận và các chi hội, đoàn thể trong thôn; trong đó có vai trò của ông Nguyễn Sinh, Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phò Nam.
Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho hay: “Tuy anh Sinh mới đảm nhận nhiệm vụ trưởng thôn Phò Nam từ năm 2021, nhưng bản thân anh là người dám nghĩ, dám làm và luôn gương mẫu, đi đầu vận động bà con hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, đường giao thông của thôn đã được bê-tông hóa hơn 90%; trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ việc hiến đất, tiền của, ngày công của người dân trong thôn qua các cuộc vận động của anh Sinh”.
Dẫn chúng tôi đi thăm con đường nội đồng có chiều dài hơn 200m đang thi công, ông Sinh cho biết, tuyến đường này được huyện đầu tư ngân sách làm với chiều rộng 3,5m nhưng tôi đã vận động nhân dân hai bên đường hiến thêm nửa mét cùng vật liệu xây dựng để mở rộng chiều rộng tuyến đường lên 4m thông thoáng hơn.
“Việc vận động người dân tham gia các chương trình xây dựng nông thôn mới của xã, của huyện tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không làm bài bản sẽ trở nên phức tạp. Quan trọng nhất là phải giải quyết dứt điểm vướng mắc từ cơ sở không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp”, ông Sinh cho hay.
Tương tự, khi đến thôn Bắc An (xã Hòa Tiến), ai nấy đều không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo mới với những con đường bê-tông rộng thênh thang. Hai bên đường được lắp đèn điện chiếu sáng và trồng hoa, cây cảnh chạy dọc theo những con đường. Ông Nguyễn Văn Trình, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bắc An cho biết, từ năm 2017 Chi bộ thôn đã bàn họp về cách thức xây dựng thôn kiểu mẫu.
Cụ thể, cấp ủy chi bộ, ban công tác Mặt trận, ban nhân dân thôn phân công nhau đi vận động những người con quê hương Bắc An đang làm ăn sinh sống trên địa bàn Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam ủng hộ kinh phí để xây dựng thôn kiểu mẫu. Kết quả đã vận động được 2,2 tỷ đồng. Nhân dân thôn đóng góp gần 1.000 ngày công để xây dựng các hạng mục công trình trong thôn.
“Lúc đầu, việc thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tiêu chí môi trường. Vì cảnh quan, môi trường là một tiêu chí khó và làm lâu dài mới thành công”, ông Trình nói.
Cũng nhờ làm tốt công tác dân vận nên nhiều hộ gia đình tại xã Hòa Ninh đã sẵn sàng chặt cây, hiến đất để mở rộng đường nông thôn. Đơn cử như tuyến đường liên thôn Mỹ Sơn-Sơn Phước của xã đã xuống cấp hư hỏng nặng.
Tại thôn Mỹ Sơn, chiều rộng của con đường chỉ khoảng 2,5m nên các phương tiện như xe chở nông sản phục vụ sản xuất đều không thể đi vào các thôn… Đặc biệt, nhiều trường hợp người dân đau ốm phải nằm cáng để khiêng bộ một đoạn xa mới đến đường lớn bởi xe cứu thương cũng không thể đi vào thôn.
Ông Nguyễn Phú Kiểm, Trưởng thôn Mỹ Sơn cho biết, trước đây tuyến đường này vào mùa mưa bùn lầy lội, mùa nắng thì bụi mịt mù, người dân đi lại khó khăn, nguy hiểm, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì vậy, sau khi vận động bà con nhân dân trong thôn đã sẵn sàng hiến đất, tháo dỡ công trình phụ, chuồng trại…để mở rộng đường.
Còn tại thôn Sơn Phước, để có được tuyến đường liên thôn rộng rãi, khang trang như hiện nay, từ bí thư chi bộ, trưởng thôn cùng chi hội trưởng các đoàn thể xuống từng nhà tuyên truyền, phân tích để người dân hiểu được lợi ích thiết thực của việc làm đường. “Tôi nghĩ rằng mỗi người nên có ý thức trong việc tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, vì mục đích cuối cùng cũng chỉ là phục vụ cho nhân dân thuận tiện hơn, đời sống tốt hơn”, ông Lê Thanh Đượm, Trưởng thôn Sơn Phước cho hay.
Ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, sau khi chính quyền địa phương thống nhất với người dân nâng cấp mở rộng đường giao thông liên thôn Mỹ Sơn-Sơn Phước theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”: Nhà nước sẽ đầu tư nguyên vật liệu, nhân dân tự tháo dỡ các công trình như tường rào, cổng ngõ, cây cối và hiến đất. Trong quá trình thi công con đường liên thôn, cán bộ xã và thôn sẽ vận động các mạnh thường quân ủng hộ đóng góp tiền để thuê nhân công.
“Chúng tôi đi từng nhà vận động phân tích những chủ trương quy định của Nhà nước hiến đất mở đường, lợi ích khi tách thửa, các tiêu chí hạ tầng kèm theo bởi người dân nếu không nhận thấy được lợi ích được hưởng sau hiến đất làm đường, nó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề quản lý đất đai”, ông Thương chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai từ năm 2011. Trong đó, công tác tuyên truyền vận động người dân được triển khai khá bài bản, xuất phát điểm từ xã Hòa Phước, phong trào hiến đất làm đường nay đã lan tỏa nhiều xã trên địa bàn, trong đó có xã Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Tiến, Hòa Sơn…
“Nhiều người dân ý thức được việc hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới là xây dựng cho cộng đồng và cho chính bản thân gia đình nên nhiều cá nhân sẵn sàng hiến đất để làm đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thông cũng như cảnh quan mới cho nông thôn.
Tuy nhiên, trong thành tích chung đó có sự góp sức không nhỏ của đội ngũ người “vác tù và hàng tổng”. Họ là những nhân tố tích cực tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương”, ông Dũng nhấn mạnh.
TRỌNG HÙNG