Chính trị - Xã hội

Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Chủ động đấu tranh với tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu

14:57, 15/09/2022 (GMT+7)

Tiếp tục Phiên họp thứ 15, sáng 15-9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tình hình tội phạm về ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch COVID-19

Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 (từ ngày 1-10-2021 - 31-7-2022), thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nói chung, công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật nói riêng. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đa dạng hóa phương thức và tăng thời lượng công tác tuyên truyền cho nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng internet; phê phán những hành vi vi phạm pháp luật. Các lực lượng chức năng, nhất là Công an đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, tập trung làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở, tập trung nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao.

Theo đó, 29.169 vụ phạm tội về trật tự xã hội đã được điều tra, khám phá, đạt 86,57%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 94,61%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,45%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; đã triệt phá 631 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực; bắt và vận động đầu thú 4.919 đối tượng truy nã, trong đó có 1.452 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm...

Toàn quốc xảy ra 33.693 vụ phạm tội về trật tự xã hội (giảm 9,75%). Về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm. Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp.

Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (giảm 38,61%), 396 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng 33,33%). Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu; dùng “quân xanh, quân đỏ” để thao túng giá trúng thầu, mua bán “lòng vòng” để nâng giá nhiều lần, tội phạm, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại ngày càng lớn.

Báo cáo cũng nêu rõ về tình hình, kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, theo đó, thời gian qua có 20.496 vụ, 32.415 đối tượng phạm tội về ma túy đã được phát hiện; khởi tố 19.778 vụ, 27.173 bị can; thu giữ 556,84kg heroin, 1.588kg và hơn 2,2 triệu viên ma túy tổng hợp... Công tác tấn công trấn áp tội phạm ma túy đạt nhiều kết quả nổi bật, nhất là đã triệt phá được nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, thu giữ số lượng ma túy lớn.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch COVID-19; phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua tuyến đường bộ (chủ yếu từ hướng Lào, Campuchia), đường hàng không, chuyển phát nhanh (từ một số nước châu Âu). Tình trạng các đối tượng lợi dụng cơ sở đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, dịch vụ nhạy cảm, nhà chung cư... để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tình trạng trồng cây cần sa trái phép còn xảy ra tại một số địa phương.

Tập trung nguồn lực giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của các tòa án tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cho thấy, thời gian qua, chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục được đảm bảo. Từ ngày 1-10-2021 - 31-7-2022, các Tòa án đã thụ lý 514.233 vụ việc, đã giải quyết được 365.499 vụ việc (đạt 71,07%). Số vụ việc đã thụ lý tăng 3.305 vụ việc, đã giải quyết tăng 1.972 vụ việc. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,88%, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao phải giải quyết là 11.646 đơn/vụ; đã giải quyết được 4.836 đơn/vụ; đạt 41,5%. Trong đó, Tòa án nhân dân tối cao giải quyết được 1.644/3.060 đơn/vụ (đạt 53,7%); các Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết được 3.192/8.586 đơn/vụ (đạt 37,2%).

Trong tổng số 4.836 đơn/vụ đã giải quyết, Tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 4.540 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 296 đơn/vụ. Về cơ bản, chất lượng trả lời đơn được bảo đảm, đã khắc phục triệt để tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó lại kháng nghị. Việc kháng nghị, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, có căn cứ, đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, các Tòa án đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, triển khai các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các đơn khiếu nại, tố cáo chủ yếu là trong lĩnh vực dân sự, thường là các vụ án tranh chấp về đất đai, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, yêu cầu khảo sát, định giá lại đất đang tranh chấp…

Các đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán đều được các Tòa án quan tâm giải quyết kịp thời trong quá trình giải quyết vụ án nên việc giải quyết đối với loại đơn này luôn đạt tỷ lệ cao.

Các Đề án về nhiệm vụ cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến 2045 được hoàn thành đảm bảo chất lượng, song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho toàn hệ thống Tòa án nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động của các Tòa án còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót. Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả hoạt động, các giải pháp cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới được Tòa án nhân dân tối cao xác định gồm: Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức; kiện toàn đội ngũ công chức của các Tòa án; xây dựng, hoàn thiện thể chế; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực chuyên môn; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện các mặt công tác của Tòa án.

Theo Baotintuc.vn

.