Chính trị - Xã hội
Phòng ngừa tai nạn lao động trên biển
Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật chưa cao, kỹ năng sơ cấp cứu của ngư dân còn hạn chế, việc bảo dưỡng tàu cá chưa có quy trình rõ ràng, thiếu trang thiết bị an toàn kỹ thuật… là những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn, sự cố trên biển. Do đó, ngư dân cần chủ động phòng ngừa, nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn lao động nhằm tạo sự an toàn trong mỗi chuyến đánh bắt.
Cần nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn lao động trên biển cho ngư dân. TRONG ẢNH: Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 đưa ngư dân bị tai nạn lao động vào bờ an toàn (ảnh chụp tháng 7-2022). (Ảnh do DaNang MRCC cung cấp) |
Nhiều sự cố trên biển
Vào tháng 8-2022, trong lúc đang hoạt động trên biển, tàu QB 98196 TS gặp phải sự cố hỏng chân vịt, mất khả năng điều động, trôi dạt nhanh. Trên tàu có 2 ngư dân, xung quanh không có tàu cá khác hỗ trợ; thời tiết chuyển biến xấu do ảnh hưởng của bão, tiềm ẩn nguy cơ gây chìm tàu. Sau khi nhận được tin báo, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (VietNam MRCC) đã điều động tàu SAR 412 (thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2) khẩn trương rời vị trí thường trực thực hiện nhiệm vụ cứu nạn thuyền viên trên tàu. Sau nhiều giờ hành trình vượt sóng với tốc độ nhanh nhất, lực lượng cứu nạn hàng hải đã tiếp cận tàu cá gặp nạn, chuyển ngư dân sang tàu SAR 412 để bảo đảm an toàn và chăm sóc y tế. Đồng thời, thực hiện các biện pháp chống chìm, hỗ trợ cho tàu QB 98196 TS để bảo toàn tài sản cho ngư dân.
Một vụ việc khác vào giữa tháng 8-2022, ngay khi tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp từ tàu ĐNa 90406TS do ông Lê Văn Sơn (trú quận Thanh Khê) làm thuyền trưởng vì có thuyền viên gặp tình trạng nguy kịch về sức khỏe, VietNam MRCC lập tức yêu cầu tàu ngưng hành nghề, hướng dẫn hải trình ngắn nhất để tàu chạy về đất liền, thiết lập phương án cứu nạn; đồng thời phối hợp Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng kết nối thông tin đến Trung tâm Cấp cứu Đà Nẵng để tư vấn y tế từ xa cho tàu.
Qua chẩn đoán sơ bộ, ngư dân trên tàu có các triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa cấp. Ngay lập tức, tàu SAR 412 tại Đà Nẵng đã khẩn trương rời bến, triển khai nhiệm vụ cứu nạn thuyền viên. Sau vài giờ, đơn vị đã tiếp cận được tàu ĐNa 90406TS, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, cấp cứu tại chỗ, chăm sóc y tế tích cực và khẩn trương đưa ngư dân về đất liền để điều trị.
Ông Hồ Xuân Phong, Trưởng phòng Phối hợp cứu nạn Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 (DaNang MRCC) cho hay, bên cạnh nguyên nhân khách quan về thời tiết xấu và va chạm với các bãi ngầm, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của ngư dân khi khai thác, đánh bắt trên biển chưa cao. Nhiều ngư dân “quên” các tín hiệu, báo hiệu khi hoạt động trên biển; các thiết bị cứu sinh không được trang bị đầy đủ. Khi xảy ra sự cố, kỹ năng sơ cấp cứu của ngư dân hạn chế, gây khó khăn trong quá trình xử lý; mặt khác, vấn đề bảo dưỡng, bảo quản tàu cá chưa có quy trình rõ ràng. Nhiều lao động trẻ không mặn mà với nghề khai thác trên biển, nhiều chủ tàu phải thuê những người chưa có kinh nghiệm, không qua đào tạo nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ngoài ra, hoạt động đánh bắt hải sản chủ yếu vào ban đêm khiến nhịp sinh học của ngư dân thay đổi, dẫn đến bị mắc các bệnh như: cao huyết áp, ruột thừa, dạ dày mãn tính…
Nâng cao ý thức phòng tránh cho ngư dân
Ông Hồ Xuân Phong cho biết, hằng năm, DaNang MRCC phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức từ 10-12 buổi tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân về công tác sơ cấp cứu khi gặp sự cố trên biển. “Khi thực hiện tuyên truyền, chúng tôi đều hướng dẫn cụ thể cho ngư dân các kênh báo nạn, cách xác định vị trí để lực lượng dễ dàng khoanh vùng, tiếp cận tàu gặp nạn; qua đó kịp thời bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân”, ông Hồ Xuân Phong nói.
Theo Chi cục phó Chi cục Thủy sản Trịnh Quang Vinh, để bảo đảm an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra khi hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển, công tác tuyên truyền cho ngư dân được chi cục triển khai nhanh chóng, kịp thời với nhiều hình thức. Chi cục luôn thực hiện nghiêm công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp sổ danh bạ thuyền viên tàu cá; cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho tàu khi thỏa mãn các điều kiện theo quy định; yêu cầu chủ tàu duy trì tình trạng kỹ thuật giữa 2 lần kiểm tra; khuyến khích các tàu hoạt động theo tổ đội để dễ dàng hỗ trợ nhau trong sản xuất, xua đuổi nếu gặp tàu nước ngoài vi phạm, khai thác trái phép trong vùng biển Việt Nam. “Thành phố đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân trên địa bàn, trong đó có nhiều chính sách về bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu. Hiện ngành cũng đang tham mưu để HĐND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn gặp thiệt hại do thiên tai khi hoạt động trên biển”, ông Trịnh Quang Vinh thông tin.
Thượng tá Trần Doãn Toản, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sơn Trà cho hay, tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang, trung bình mỗi ngày có 10-15 phương tiện xuất bến. Trước khi tàu cá xuất bến, công tác kiểm tra thủ tục giấy tờ, chứng chỉ, việc trang bị các phương tiện cứu sinh, phòng cháy chữa cháy… được lực lượng thực hiện rất nghiêm ngặt, đầy đủ theo đúng quy định. Lực lượng Biên phòng kiên quyết ngăn chặn, không cho xuất bến đối với các phương tiện chưa đủ điều kiện khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, lực lượng Biên phòng Sơn Trà thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho ngư dân những kỹ năng, kinh nghiệm về bảo đảm an toàn, phát tờ rơi tuyên truyền, áo phao, cờ Tổ quốc…
Theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 (DaNang MRCC), mỗi năm, đơn vị thực hiện xử lý từ 100-150 thông tin báo nạn; điều động từ 20-28 lượt phương tiện tàu chuyên dụng thực hiện cứu nạn trên biển. Tính đến tháng 9-2022, trung tâm đã ghi nhận 51 tin báo cứu nạn, giảm 15% số vụ so với cùng kỳ năm 2021. |
THIÊN NGUYỆN