Chính trị - Xã hội
Thiệt hại do bão số 4 được giảm thiểu
Video: HOÀNG HIỆP
Lúc 5 giờ sáng 28-9, ngay khi gió bão vừa giảm mạnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương về ứng phó bão số 4 triệu tập cuộc họp khẩn để nghe báo cáo thiệt hại và chỉ đạo một số công việc triển khai tiếp theo.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh thông tin, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa ghi nhận thiệt hại tính mạng người, một số nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh bị ngã đổ, một đoạn tường rào của một trường học bị ngã...
Các tàu cá đang neo đậu và ngư dân ở khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang an toàn.
Trên địa bàn thành phố có 173 trạm biến áp bị sự cố gây mất điện cho 7.832 khách hàng, ngành điện đã khôi phục 89 trạm biến áp, cấp điện trở lại cho 2.923 khách hàng; đang khôi phục 84 trạm biến áp để sớm cấp điện trở lại cho người dân...
Có 1 trường hợp chuyển dạ trong bão, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố hỗ trợ phương tiện để đưa đi bệnh viện.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn thành phố đã có mưa rất to, gió lớn, giật mạnh; cường độ gió đo được cao nhất từ cấp 9 đến 11.
Lượng mưa đo được lớn nhất tại lưu vực sông Cu Đê là 220mm (xã Hòa Bắc), Liên Chiểu 161mm, Ngũ Hành Sơn 146 mm, Sơn Trà 121mm, Cẩm Lệ 117 mm, Hòa Cường Nam 94,8mm..., gây ngập cục bộ một số tuyến đường.
Hiện mực nước các hồ thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn còn ở mức thấp. Mực nước sông Vu Gia lúc 5 giờ ngày 28-9 tại Ái Nghĩa là 6,8m trên mức báo động 1 là 0,8m; mực nước sông Cẩm Lệ tại cầu Cẩm Lệ là 1,17m, trên báo động 1 là 0,17m.
* Lúc 6 giờ cùng ngày, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai một số biện pháp thu dọn cây xanh để bảo đảm giao thông; triển khai công tác thống kê thiệt hại, dọn vệ sinh môi trường sau bão; tập trung ứng phó mưa lớn, nhất là nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất ở huyện Hòa Vang...
Các địa phương thông tin, tuyên truyền cho người dân không chủ quan, lơ là, sửa chữa nhà cửa, đi ra ngoài trong thời điểm gió còn mạnh để tránh các tai nạn, sự cố đáng tiếc xảy ra...
* Căn cứ vào diễn biến thực tế của bão số 4, đến 20 giờ ngày 27-9, các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đã sơ tán 21.655 hộ dân tương ứng 75.598 nhân khẩu và 13.681 sinh viên, công nhân đang ở các khu nhà trọ đến nơi trú ẩn an toàn. Tổng số người được sơ tán nhiều hơn 7.500 người so với số liệu thống kê, rà soát trước khi triển khai sơ tán.
Tối 27-9, người dân tránh trú bão tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) đã được chính quyền cử cán bộ, nhân viên nấu suất cơm tối. 82 nhân khẩu đã được phân bố chỗ ở, hỗ trợ thức ăn và nước uống đầy đủ. Chị Nguyễn Thị Hằng Nga (SN 1987, trú tại phường Thuận Phước) chia sẻ: “Tối nay chúng tôi được ăn cơm rất ngon. Tôi thực sự rất biết ơn chính quyền địa phương đã bố trí nơi ăn ở chu đáo”.
Ngoài ra, nhiều hộ dân tại các địa phương khác trên địa bàn thành phố cũng được đưa đến nơi tránh trú bão an toàn và được cung cấp mỳ gói, trứng gà, nước suối…để ăn uống.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố tiếp tục đề nghị các đơn vị, địa phương bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các điểm sơ tán và các điều kiện sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, nước uống và an ninh trật tự tại những địa điểm này.
Sở Công Thương cũng đã có phương án cung ứng các mặt hàng thiết yếu hỗ trợ cho nhân dân các vùng bị ảnh hưởng bởi bão số 4 đủ cho 32.248 hộ dân sử dụng 4 mặt hàng trong 3 ngày với định mức hỗ trợ dự kiến 385.000 đồng/hộ (tổng kinh phí dự kiến 12,42 tỷ đồng).
Trao suất cơm tối miễn phí cho người dân tại phường Thuận Phước. Ảnh: BẢO LÂM |
HOÀNG HIỆP - BẢO LÂM