Chính trị - Xã hội

55 năm Đặc Khu ủy Quảng Đà: Giá trị lịch sử trường tồn

07:01, 18/10/2022 (GMT+7)

Việc thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà là nhằm thống nhất đầu mối chỉ đạo trong chiến tranh; là thắng lợi của công tác tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy phù hợp với bối cảnh tình hình cụ thể, tạo thành sức mạnh tổng hợp với mục tiêu tất cả cho đô thị Đà Nẵng, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Quảng Đà.

Đồng chí Hồ Nghinh (hàng đầu, thứ 5, trái sang) cùng các lãnh đạo Tỉnh ủy gặp gỡ cán bộ hoạt động nội thành Đà Nẵng trước 1975. (Ảnh tư liệu)
Đồng chí Hồ Nghinh (hàng đầu, thứ 5, trái sang) cùng các lãnh đạo Tỉnh ủy gặp gỡ cán bộ hoạt động nội thành Đà Nẵng trước 1975. (Ảnh tư liệu)

Tính chiến lược của việc thành lập Đặc khu Quảng Đà

Ngày 8-3-1965, đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ lên bãi biển Phú Lộc - Xuân Thiều (Đà Nẵng), đánh dấu chính thức việc tham chiến của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà nhận định: “Chúng ta có nhiệm vụ đánh Mỹ trước tiên bằng hai chân ba mũi giáp công, để đóng góp kinh nghiệm cho toàn miền và góp phần đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ”, mở đường cho sự hình thành nên các “vành đai diệt Mỹ” tại chiến trường Quảng Đà. Cùng lúc, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống Mỹ - ngụy của nhân dân Đà Nẵng nổ ra mạnh mẽ, rộng rãi, tiêu biểu là sự kiện 76 ngày đêm làm chủ thành phố Đà Nẵng năm 1966 (11-3-1966 - 25-5-1966), có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phong trào đô thị tại miền Nam.

Trong bối cảnh đó, tháng 10-1967, Khu 5 quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà. Đồng chí Hồ Nghinh được Thường vụ Khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư Đặc Khu ủy, đồng chí Trần Thận làm Phó Bí thư. Việc thành lập Đặc khu Quảng Đà là vấn đề có tính chiến lược nhằm kết hợp chặt chẽ và phát huy cao độ sự hỗ trợ giữa 3 vùng chiến lược đô thị - nông thôn đồng bằng - miền núi; giữa 3 thứ quân bộ đội chủ lực - bộ đội địa phương - dân quân du kích; giữa 3 mũi giáp công chính trị - quân sự - binh địch vận, trong đó tập trung chủ yếu cho Đà Nẵng là thành phố lớn thứ hai ở miền Nam, trực tiếp là phục vụ cho Xuân Mậu Thân 1968 theo chủ trương của Trung ương Đảng.

Lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Sau khi Đặc Khu ủy Quảng Đà được thành lập, công tác chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy rất khẩn trương. Trước Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Thường vụ Khu ủy 5 ­­­­­­­­­­­­­cử đồng chí Trương Chí Cương, Phó Bí thư Khu ủy, trực tiếp làm Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà.

Lúc 2 giờ 20 phút ngày 31-1-1968, ta pháo kích vào sân bay Đà Nẵng và sân bay Nước Mặn, phát lệnh tiến công và nổi dậy. Mặc dù xét tổng thể, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 chưa đạt so với yêu cầu, song quân và dân Quảng Đà đã góp phần cùng toàn miền Nam và cả nước giáng một đòn nặng nề vào chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Tiếp đó, Đặc Khu ủy Quảng Đà lãnh đạo chiến dịch Hè X1 và Thu X2, đòn chính nhằm vào đô thị, nông thôn là chiến trường quan trọng, thành phố là chiến trường trọng điểm; tiến hành tiến công và nổi dậy đồng loạt trên các chiến trường phối hợp, trong đó thành phố Đà Nẵng đã tập trung giành thắng lợi nổi bật.

Đầu năm 1969, Đặc Khu ủy Quảng Đà tổ chức lãnh đạo, huy động hàng ngàn dân công cùng với bộ đội vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí từ tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn xuống vùng giáp ranh để mở đợt tiến công Xuân 1969, đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực chiến đấu của đối phương. Đến năm 1970, trên chiến trường Quảng Đà, cơ sở chính trị ở vùng ven và nội đô khôi phục dần, lực lượng du kích ở các vùng giáp ranh, các căn cứ lõm hoạt động trở lại; một số nơi, lực lượng vũ trang đã có thể tiến công địch, chuyển mạnh tác chiến vào thành phố và phong trào miền núi.

Năm 1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định xúc tiến việc chuẩn bị mở cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972 trên toàn miền Nam, trong đó Quảng Đà là chiến trường phối hợp quan trọng ở đồng bằng Khu 5. Đặc Khu ủy Quảng Đà lãnh đạo các ngành, các giới tích cực chuẩn bị chiến dịch, lực lượng vũ trang đêm ngày huấn luyện nâng cao chất lượng, sẵn sàng chiến đấu. Đến cuối năm 1972, chiến dịch phối hợp với cuộc tiến công chiến lược của toàn miền kết thúc thắng lợi, góp phần quan trọng vào việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Giai đoạn 1968-1972 là thời kỳ khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Quảng Đà.

Qua hơn một năm thi hành Hiệp định Paris, từ chỗ đánh địch lấn chiếm có tính chất tự vệ, ta tiến lên mở chiến dịch tấn công tổng hợp. Phát huy thắng lợi đã có, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chủ trương tiến công tiêu diệt một số cụm cứ điểm, chi khu quận lỵ, đánh thủng từng mảng hệ thống phòng ngự cơ bản của địch ở vùng giáp ranh, đồng bằng, hỗ trợ cho lực lượng vũ trang cơ sở và quần chúng tổ chức tấn công, nổi dậy phá vỡ hệ thống kìm kẹp của địch ở nông thôn đồng bằng. Chiến thắng dồn dập của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam cuối năm 1974, đầu năm 1975 làm cho quân địch suy sụp, thế và lực của ta mạnh lên gấp nhiều lần, tạo thời cơ chiến lược để Trung ương Đảng quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Từ tháng 3-1975, Đặc Khu ủy Quảng Đà chỉ đạo các quận, huyện, thị đẩy mạnh 3 mũi giáp công, mở ra từng khu vực, chuẩn bị thực lực giành thắng lợi lớn khi thời cơ đến. Ngày 24-3-1975, tại cuộc họp ở căn cứ Hòn Tàu (Duy Xuyên), Thường vụ Đặc Khu uỷ Quảng Đà chủ trương dốc toàn bộ lực lượng vũ trang và chính trị của Quảng Đà dồn sức giải phóng Đà Nẵng, với tư tưởng “5 nhất” (kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất, chắc thắng nhất) và phương châm “tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”. Trưa ngày 29-3-1975, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phất phới tung bay trên nóc Tòa thị chính, chính thức báo hiệu thành phố Đà Nẵng được giải phóng. Đánh giá về vị trí, tầm vóc của cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng năm 1975, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng sớm ngoài kế hoạch, Đà Nẵng là căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất, mạnh nhất của địch mà bị ta đánh sập, có ý nghĩa quyết định và báo hiệu Sài Gòn sẽ bị sụp đổ không còn lâu nữa”.

Ngay sau khi giải phóng, Đặc Khu ủy Quảng Đà chỉ đạo tốt an ninh trật tự, nhanh chóng ổn định tình hình để không xảy ra nạn đói, cướp bóc; làm tốt việc đăng ký, quản lý, giáo dục ngụy quân, ngụy quyền, các đảng phái chính trị phản động; chỉ đạo tốt việc cung cấp nhân tài vật lực phục vụ tiếp việc tấn công giải phóng các tỉnh phía Nam và thành phố Sài Gòn - Gia Định, thống nhất đất nước.

Giá trị lịch sử trường tồn

Việc thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà năm 1967 là nhằm thống nhất đầu mối chỉ đạo trong chiến tranh tại huyện Duy Xuyên và các địa phương thuộc bờ bắc sông Thu Bồn, trọng điểm là Đà Nẵng, trước mắt là chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968; là thắng lợi của công tác tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy phù hợp với bối cảnh tình hình cụ thể, tạo thành sức mạnh tổng hợp với mục tiêu tất cả cho đô thị Đà Nẵng, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Quảng Đà. Điều này để lại bài học về sự sáng tạo, về việc xác định vị trí chiến lược của thành phố Đà Nẵng, về việc mạnh dạn đề xuất với Trung ương để có sự thay đổi cần thiết hoặc cho chủ trương để thực hiện. Quá trình kiến nghị để thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như hiện nay chính là phát huy từ bài học này của Đặc khu Quảng Đà.

Quảng Đà là chiến trường ác liệt nhất trong chiến tranh chống Mỹ tại miền Nam Việt Nam, nhưng chúng ta đã vượt qua được mọi thử thách khắc nghiệt để cùng cả nước giành thắng lợi, chính là nhờ tinh thần yêu nước, đoàn kết, đùm bọc, che chở và tin tưởng của nhân dân dành cho cách mạng. Sức mạnh lòng dân là rất lớn, xuất phát từ lòng tin của quần chúng vào lãnh đạo và ngược lại người lãnh đạo tin tưởng vào nhân dân để bám trụ chiến đấu. Trong chiến tranh, lãnh đạo Đặc Khu ủy đã lắng nghe, tạo niềm tin, cảm hứng cho quần chúng đi theo, ủng hộ cách mạng. Điều này thể hiện rõ trong phương châm: “Đảng bám dân, dân bám đất, lực lượng vũ trang bám địch, cấp trên bám cấp dưới” của Đặc Khu ủy Quảng Đà. Quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng sau chiến tranh, bài học “được lòng dân” đóng vai trò nền tảng cho sự đi lên của thành phố, cho mọi sự thành công của các chủ trương, chính sách do Đảng bộ và chính quyền Đà Nẵng vạch ra mà chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” đã thể hiện rõ tinh thần này.

Trong kháng chiến chống Mỹ, tại Quảng Đà, phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí trong Đảng bộ là một vấn đề có tính cốt lõi. Điều này thể hiện rõ ràng nhất là sự phát triển của thành phố Đà Nẵng sau khi trực thuộc Trung ương, từ đoàn kết, thống nhất, đã tạo điều kiện cho Đảng bộ thành phố tinh thần dám nghĩ, dám làm, đạt được những thành tựu đột phá, có dấu ấn, có thương hiệu quốc gia.

VÕ HÀ

.