Chính trị - Xã hội
Chấn chỉnh hoạt động khai thác đất đồi trồng cây
ĐNO - Do địa hình đồi núi gập ghềnh, nhiều hộ dân có đất rừng, đất trồng cây hằng năm ở huyện Hòa Vang xin cải tạo đất để trồng các loại cây phát triển sản xuất. Tuy nhiên, lợi dụng việc xin cải tạo đất, một số trường hợp xúc đất đồi núi đi bán, khiến dư luận bức xúc.
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn (bên trái) kiểm tra hiện trường vụ xúc đất đồi ở đèo Ông Gấm (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang). Ảnh: N.Q |
Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, ở công trình san gạt, cải tạo đất tại đèo ông Gấm, thôn Tùng Sơn, xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) của ông Hoàng Ngọc Hùng và bà Nguyễn Thị Minh Luận (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) thường xuyên diễn ra tình trạng xe ben đến chở đất đi san lấp các công trình trên địa bàn thành phố vào ban đêm.
Trong những ngày tháng 9 và 10, chúng tôi ghi nhận tại hiện trường, khoảng 20 giờ đêm, hàng loạt xe ben đến công trình cải tạo đất này vận chuyển đi san lấp. Dù việc cải tạo đất chỉ thực hiện tại chỗ, không được chở đất đi nơi khác, tuy nhiên, hoạt động khai thác đất rầm rộ này không bị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ngăn chặn.
Qua tìm hiểu, ngày 27-5, UBND huyện Hòa Vang cho phép hộ ông Hoàng Ngọc Hùng và bà Nguyễn Thị Minh Luận cải tạo, san gạt mặt bằng tại chỗ trên khu đất gần 5.000 m2 vì đất có mặt bằng lồi lõm. Thời gian cải tạo, san gạt là 20 ngày. Thế nhưng, tại hiện trường, một khu đồi núi rộng lớn đã bị san gạt, đồng thời chở đất đi tiêu thụ trong thời gian gần đây.
Ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, do hoạt động khai thác vận chuyển đất diễn ra vào ban đêm và rạng sáng nên chính quyền địa phương khó phát hiện. Theo ông Phương, sau khi phát hiện vụ việc vận chuyển đất, UBND xã Hòa Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Hoạt động khi thác đất “đội lốt” cải tạo trồng cây không chỉ diễn ra ở địa bàn xã Hòa Sơn mà còn diễn ra ở địa bàn xã Hòa Ninh, Hòa Phú... Trên cơ sở đề án cải tạo đất đồi để trồng cây của bà Võ Thị Thảo ở thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), ngày 13-8-2020, UBND thành phố có Công văn số 5369/UBND-ĐTĐT cho phép bà Thảo được cải tạo vùng đồi núi ở thôn Đông Sơn (xã Hòa Ninh) diện tích 2 ha để chuyển đổi cây trồng, đồng thời tận dụng đất dư thừa làm vật liệu thông thường với trữ lượng 94.920m3, thời gian cải tạo 9 tháng.
Dự án cải tạo trồng cây của hộ bà Võ Thị Thảo (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) xúc đất bán gây nham nhở, nhưng hiện nay vẫn không trồng cây. Ảnh: H.K |
Sau khi được UBND thành phố cho phép, bà Thảo hợp đồng các đơn vị thi công tiến hành cải tạo, vận chuyển đất đi tiêu thụ. Điều lạ là, sau khi hoàn thành việc cải tạo, vận chuyển đất thừa đi tiêu thụ, đến nay bà Thảo vẫn không hề có động thái trồng cây như trong đề án đã nêu. Ghi nhận tại hiện trường, cả một khu đồi núi rộng lớn bị xúc lởm chởm, ước tính có hàng trăm nghìn mét khối đất được vận chuyển đi tiêu thụ. Đáng chú ý, các vị trí xúc đất cũng sai mốc giới được cơ quan chức năng cắm trước đó. Dù vậy, theo tìm hiểu, hiện nay chủ đất đang tiến hành các thủ tục xin “cải tạo” đất để tiếp tục trồng cây!
Trước thực trạng “biến tướng” cải tạo đất đồi trồng cây để khai thác đất, chiều 14-10, ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cùng lãnh đạo các phòng chuyên môn của huyện đến kiểm tra hiện trường. Tại dự án cải tạo của hộ ông Hoàng Ngọc Hùng và bà Nguyễn Thị Minh Luận (xã Hòa Sơn), ông Tôn yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm.
Đối với dự án cải tạo của Võ Thị Thảo ở thôn Đông Sơn (xã Hòa Ninh), ông Phan Văn Tôn yêu cầu ông Trương Tấn Mạnh, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hòa Vang dừng ngay các thủ tục xin gia hạn cải tạo đất. “Người ta xin cải tạo trồng cây nhưng thực tế xúc đất nham nhở chở đi tiêu thụ, có trồng cây nào đâu. Cái này cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương phải giám sát, sao để thế này?”, ông Tôn nói. Ngoài ra, ông Phan Văn Tôn cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện tạm dừng tham mưu cấp phép, rà soát chấn chỉnh các hoạt động cải tạo đất đồi để trồng cây trên địa bàn.
H.K - N.Q