Chính trị - Xã hội
Làm gì để giảm ngập sâu ở trung tâm thành phố?
Thành phố Đà Nẵng vừa trải qua một trận ngập lụt diện rộng. Trong bối cảnh mưa cực đoạn xuất hiện ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu, thành phố cần tiếp tục triển khai các biện pháp chống, giảm ngập hiệu quả hơn, nhất là đối với những khu vực ngập úng sâu.
Hầm chui đường Điện Biên Phủ bị ngập sâu từ tối ngày 14 đến 15-10 và khắc phục trong thời gian lâu do có tác động từ nguồn nước ở sân bay Đà Nẵng chảy ra. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Vào chiều 14-10, khu vực quy hoạch “treo” dự án ga đường sắt Đà Nẵng mới ở khu vực phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) bị ngập sâu khi mưa lớn. Bên cạnh đó, khu vực trũng thấp này còn phải tiếp nhận nước từ nơi khác đổ về nên nước dâng lên rất nhanh và chảy xiết, gây cô lập hoàn toàn 7 tổ dân phố với 1.200 hộ dân. Tại khu vực này, gần 20 năm ảnh hưởng của quy hoạch “treo”, nhiều hộ dân chỉ xây dựng nhà cấp 4, không được nâng tầng nên khi nước dâng cao, phải chạy sang nhà khác.
Việc chậm thực hiện di dời ga Đà Nẵng cùng hệ thống đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố cũng khiến thành phố gặp khó khăn trong việc triển khai đầu tư hoàn thiện, khớp nối cơ sở hạ tầng, nhất là việc đầu tư, khớp nối các tuyến cống thoát nước, đặc biệt là ở quận Thanh Khê. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều khu vực dân cư thấp trũng trong các tuyến kiệt, hẻm ở đường Thái Thị Bôi, Điện Biên Phủ, Trần Cao Vân... bị ngập úng sâu trong ngày 14 và 15-10.
Đặc biệt, khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng vẫn bị ngập sâu và kéo dài, nhất là khu vực dọc theo các hướng thoát nước chính từ sân bay ra, gồm: khu dọc kênh Phần Lăng (quận Thanh Khê), Bàu Gia Hạ và kênh Phong Bắc (quận Cẩm Lệ), dọc tuyến cống tây nam Hòa Cường và từ sân bay Đà Nẵng ra đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu), đường Hà Huy Tập, kiệt 96 Điện Biên Phủ và cả hầm chui Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê)...
Theo người dân ở đường Trưng Nữ Vương, trong khu vực sân bay Đà Nẵng có diện tích hàng trăm héc-ta và có hồ rộng, thay vì được vận hành điều tiết, chống ngập thì các đơn vị quản lý luôn để chảy thẳng ra, gây ngập sâu khu vực dân cư xung quanh sân bay. Mặt khác, đường lăn máy bay có cao trình 10m (rất khó ngập), trong khi cao trình xung quanh thấp hơn 6m nên các khu dân cư lân cận sân bay thường xuyên bị ngập sâu khi phải tiếp nhận trữ lượng nước khổng lồ từ lưu vực rộng hàng trăm héc-ta chảy ra. Vì vậy, cần thiết phải có biện pháp điều tiết nước, chống ngập ngay từ bên trong sân bay Đà Nẵng hoặc thực hiện các giải pháp từ bên ngoài theo hướng chặn hoặc điều tiết nước từ sân bay chảy ra để giảm ngập úng cho khu vực dân cư xung quanh tương tự giải pháp vận hành cửa phai ở hồ Ba Sen Vàng được triển khai hiệu quả mấy năm qua.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà cho rằng, để chống ngập cho các khu vực bị ngập sâu ở trung tâm thành phố, cần chấm dứt quy hoạch “treo” ở khu vực quy hoạch dự án ga đường sắt Đà Nẵng mới thuộc phường Hòa Khánh Nam. Đồng thời, cần sớm triển khai di dời ga Đà Nẵng cùng tuyến đường sắt ở nội đô ra ngoại thành để triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, thoát nước. Cùng với đó, thành phố đề nghị Chính phủ đầu tư giải pháp chống ngập ở khu vực sân bay Đà Nẵng và khu vực lân cận... Ngoài ra, thành phố tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các biện pháp chống ngập tổng thể cũng như ở các khu vực cụ thể.
Mưa cực đoạn xảy ra vào ngày 14-10 với lượng mưa lớn đo được trong một giờ tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố vượt tần suất 0,1%, nghĩa là theo tính toán thì độ lặp lại trận lưa lớn như vậy tương ứng 1.000 năm mới xảy ra một lần. Lượng mưa lớn nhất đo được trong 6 giờ ứng với tần suất 0,2%, nghĩa là 500 năm mới xảy ra một trận mưa lớn như vậy.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố, mưa lớn trên toàn địa bàn thành phố vào thời điểm triều cường đã gây ngập lụt diện rộng trên địa bàn 52/56 phường, xã thuộc 8 quận, huyện và hầu hết các tuyến đường đều bị ngập; nhiều tuyến đường, tầng hầm một số trụ sở công trình quan trọng của Nhà nước, doanh nghiệp và nhà dân ngập sâu, có nơi ngập đến 2m với tổng số nhà bị ngập gần 70.000 nhà (nhiều nhất là quận Liên Chiểu với 27.328 nhà, huyện Hòa Vang 16.040 nhà, quận Hải Châu 12.012 nhà, quận Cẩm Lệ 5.398 nhà, quận Ngũ Hành Sơn 131 nhà và quận Thanh Khê 12.009 nhà).
Sau trận ngập lụt diện rộng lịch sử, thành phố sẽ triển khai rà soát lại phương án chống ngập đô thị, đánh giá lại các hiện trạng và quy hoạch, thoát nước, thoát lũ, đánh giá kỹ các công trình thoát nước hạ tầng kỹ thuật khi xây dựng mới... nhằm có giải pháp tổng thể chống ngập trước mắt và lâu dài như: đầu tư nâng cấp hệ thống công trình thoát cũ, xây dựng mới hệ thống thoát nước (cống, trạm bơm, tuyến tiêu thoát nước,…); nghiên cứu đầu tư, mở rộng các hồ điều tiết, trữ nước; không san lấp sông, suối, ao hồ...
Cùng với đó, xử lý các tình trạng cản trở, chắn ngang các tuyến thoát lũ để có giải pháp khắc phục (như đường ADB5 Hòa Tiến - Hòa Phong, đường Hòa Phước- Hòa Khương, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi...). Các địa phương, các ngành rà soát phương án phòng chống sạt lở đất đá; rà soát lại phương án phòng chống thiên tai nói chung và ngập lụt đô thị, ngập lũ ven sông nói riêng để hoàn thiện; rà soát số lượng, tình hình sử dụng các trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn và đề xuất đầu tư mới; nâng cao kinh nghiệm ứng phó với những trận mưa có tính chất lịch sử và ngập lụt đô thị của các cấp chính quyền và nhân dân...
HOÀNG HIỆP