Chính trị - Xã hội
Cần bổ sung, mở rộng hệ thống thoát nước
Vừa qua, mưa lớn với lượng mưa tập trung trong thời gian ngắn, đặc biệt là xu hướng mưa cực đoan đã gây ngập cục bộ nhiều đoạn đường và khu vực dân cư. Do đó cần thiết bổ sung, mở rộng các cửa thu nước mưa, cầu, cống thoát nước...
Mưa lớn liên tục từ sáng sớm tới chiều 25-10, khiến nhiều tuyến đường ngập nặng. Ảnh: CHÁNH LÂM |
Sớm khắc phục bất cập thoát nước
Những ngày qua, khi các đơn vị, địa phương lật các đan cống, hố ga, lưới chắn rác tại cửa thu nước mưa lên để nạo vét, khơi thông, nhiều người dân không khỏi bất ngờ khi tận mắt chứng kiến các bất cập của hệ thống thoát nước. Trên đường Hà Huy Tập (quận Thanh Khê), người dân ngạc nhiên khi nhìn thấy cửa thu nước mưa ở mặt đường được đấu nối với hố ga dưới vỉa hè chỉ bằng một ống có đường kính khoảng 20cm, tiết diện ống chưa bằng 1/3 so với tiết diện cửa thu.
Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân khiến đường Hà Huy Tập hay xảy ra ngập cục bộ khi mưa to trong thời gian ngắn. Thậm chí, có vị trí đấu nối ống với hố ga có cao trình cao hơn so với cửa thu nên rất khó thoát nước mưa trên mặt đường, ngoại trừ khi đường bị ngập sâu, nước sẽ “leo dốc” chảy xuống cống.
Mặt khác, có hiện tượng chảy ngược nước từ hố ga gần đầy nước do tắc nghẽn, đầy bùn, đất... xuống cửa thu nước mưa mặt đường. Bà Hồ Thị Thanh Xuân (một người dân ở đường Hà Huy Tập, quận Thanh Khê) cho hay: “Đường Hà Huy Tập hay bị ngập cục bộ dù người dân không bít các cửa thu nước mưa. Vì thế, khi thành phố có chủ trương nạo vét, khơi thông... để thoát nước, người dân rất mừng”.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên tại đường Phan Đăng Lưu, Lê Thanh Nghị, Võ Nguyên Giáp, Đặng Vũ Hỷ..., các cửa thu nước mưa, mương ngang nối từ cửa thu nước mưa đến hố ga đều ngập đầy đất, rác, lá cây... Bên cạnh đó, tiết diện mương, ống dẫn nước từ cửa thu nước mưa trên mặt đường vào hố ga chỉ bằng từ 1/3 đến 2/3 so với tiết diện cửa thu.
Trước xu hướng mưa cực đoan và mưa tập trung trong thời gian ngắn như thời gian qua, rõ ràng đây là một thách thức, đòi hỏi phải tăng khả năng thoát nước từ trên mặt đường xuống cống bằng các giải pháp như: bổ sung thêm hoặc mở rộng ống, mương đấu nối từ cửa thu nước mưa trên mặt đường xuống cống.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà cho biết: “Trong quá trình nạo vét, khơi thông cống thoát nước, chúng tôi chỉ đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng kết hợp khắc phục một số bất cập của hệ thống thoát nước”.
Mương dẫn nước mưa vào hố ga trên vỉa hè đường Lê Thanh Nghị (quận Hải Châu) bị ngập rác dẫn đến thoát nước không kịp. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Tăng khả năng thoát nước ra sông, biển...
Tối 14-10, lần đầu tiên đường Trần Thánh Tông, Vân Đồn, Khúc Hạo, Bùi Dương Lịch, Chu Huy Mân cùng nhiều tuyến đường ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) bị ngập sâu, có nơi ngập gần 1m. Đây là hiện tượng bất thường bởi khu vực này gần sông Hàn và gần âu thuyền Thọ Quang nhưng nước càng lúc càng dâng cao dù đã có 6 cửa xả thoát nước mưa vào âu thuyền, người dân đã lội nước theo dòng chảy và phát hiện bờ tường đá ngăn giữa đường Chu Huy Mân và âu thuyền đang cản trở thoát nước.
Nhiều người dân đã dùng xà-beng, búa... đập phá nhiều vị trí của bờ tường đá này, nước mới thoát nhanh và hết ngập đường từ lúc 23 giờ đêm cùng ngày. Mặt khác, đường Trần Hưng Đạo, bên bờ sông Hàn cũng bị ngập sâu do sát bờ sông có bờ tường thấp làm nước dâng lên vỉa hè khó chảy xuống sông. Trước thực tế này, nhiều người dân cho rằng, tại các khu vực ven sông, kênh, vịnh, âu thuyền... cần tháo dỡ một số vị trí bờ tường thấp để nước khi ngập lên vỉa hè thì có thể thoát nhanh, hoặc tháo dỡ hoàn toàn bờ tường này, thay thế bằng lan can cứng nếu có điều kiện về kinh phí, còn không thì trồng cây xanh làm lan can mềm.
“Đối với bờ tường ngăn âu thuyền Thọ Quang với khu dân cư, người dân kiến nghị các cơ quan chức năng phải mở 2-3 lối thoát nước với mỗi lối rộng từ 2-3m để khi nước dâng cao trên đường thì dễ dàng thoát xuống âu thuyền”, ông Nguyễn Văn Quảng (một người dân ở đường Trần Thánh Tông) đề nghị.
Cùng với đề nghị tăng khả năng thoát nước xuống các cống, kênh, hồ, sông..., nhiều người dân cũng mong muốn thành phố mở rộng khẩu độ các cống, cầu để tăng khả năng thoát nước qua các tuyến đường giao thông.
Ông Huỳnh Tấn Thưởng (người dân ở đường Cù Chính Lan, quận Thanh Khê) bức xúc nói: “Hệ thống thoát nước ở một số khu vực còn trong tình trạng chắp vá. Trữ lượng nước rất lớn từ Sân bay Đà Nẵng chảy ra kênh Phân Lăng bị ùn ứ lại tại cống qua đường Điện Biên Phủ, rồi nước chảy qua hồ Bàu Trảng thoát ra sông Phú Lộc bị ùn ứ tại 2 cống ở tuyến đường sắt được xây dựng đã mấy chục năm. Cống thoát nước qua các tuyến giao thông nhỏ thì nước dâng lên, gây ngập sâu phía thượng lưu là tất yếu. Vì vậy, cần sớm mở rộng khẩu độ các cống qua các tuyến giao thông, trong đó có các cống dọc tuyến kênh Phần Lăng và hồ Bàu Trảng ra sông Phú Lộc”.
Còn ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cho rằng: “Trước đây, cầu Đa Cô ở đường Tôn Đức Thắng rất rộng, thậm chí là có thể chèo ghe đi qua ở bên dưới cầu. Khi nâng cấp, mở rộng đường Tôn Đức Thắng, người dân và chính quyền địa phương đã quyết liệt kiến nghị mở rộng cầu để tăng khả năng thoát nước nhưng rồi vẫn xây dựng có khẩu độ hẹp như hiện nay nên khu vực thượng lưu thường hay bị ngập sâu do bị hạn chế thoát nước qua cầu Đa Cô. Hiện nay, khi mưa lớn, nước tập trung về khu vực cầu Đa Cô rất nhiều nên cần mở rộng cầu để tăng khả năng thoát nước ra sông Phú Lộc và ra biển”.
HOÀNG HIỆP