Chính trị - Xã hội
Đề nghị nghiên cứu, đánh giá biến động dòng chảy, lòng dẫn sông Quảng Huế
ĐNO - UBND tỉnh Quảng Nam vừa có Công văn số 7586/UBND-KTN ngày 17-11-2022 đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (công văn cũng được gửi cho Tổng Cục phòng chống thiên tai và UBND thành phố Đà Nẵng) đề nghị nghiên cứu, đánh giá biến động dòng chảy, lòng dẫn khu vực Dự án Chỉnh trị sông Quảng Huế và các ảnh hưởng của những phát sinh mới trên lưu vực sông.
Khu vực bờ sông và đất sản xuất nông nghiệp ở hạ lưu công trình Xử lý bước đầu tại cửa vào sông Quảng Huế đã bị xói lở với diện tích khoảng 3ha. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Theo đó, từ mùa mưa lũ năm 2021, đặc biệt từ cuối tháng 9-2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chịu ảnh hưởng của nhiều đợt thiên tai, trong đó tại trạm thủy văn Ái Nghĩa đã xuất hiện nhiều đợt lũ với đỉnh lũ xấp xỉ và trên mức báo động 3.
Qua các đợt thiên tai từ cuối tháng 9-2022 đến nay, tình hình sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn hạ lưu công trình Xử lý bước đầu tại khu vực cửa vào sông Quảng Huế thuộc Dự án Chỉnh trị sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) tiếp tục diễn ra, làm cuốn trôi đất sản xuất nông nghiệp (khoảng 3ha) và nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân đang sinh sống tại khu vực.
Đồng thời, cũng sạt lở gần sát móng 2 trụ điện đường dây trung thế, có nguy cơ ngã đổ sẽ gây thiệt hại lớn về tài sản và ngưng cung cấp điện diện rộng đối với các xã vùng B của huyện Đại Lộc và vùng lân cận.
Tình trạng sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại và đang tiếp tục gây sạt lở trong phạm vi khoảng 500m.
Trước diễn biến tình hình sạt lở nghiêm trọng bờ sông Quảng Huế trong các đợt mưa lũ vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc tại Quyết định số 2890/QĐ-UBND ngày 26-10-2022 để chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp với tinh thần khẩn trương để ngăn chặn bước đầu nhằm giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra tại thôn Phú Nghĩa.
Dự án Chỉnh trị sông Quảng Huế được thực hiện hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay đã được gần 10 năm và có nhiều vấn đề phát sinh trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn như: việc đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy thủy điện trên thường nguồn lưu vực; diễn biến sạt lở bờ sông, gây biển đổi lòng dẫn và hạ thấp mực nước sông Vu Gia - Thu Bồn; nhu cầu sử dụng nước của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; tình hình xâm nhập mặn trên sông Thu Bồn...
Để bảo đảm ổn định bờ sông Quảng Huế đoạn hạ lưu công trình Xử lý bước đầu tại khu vực cửa vào sông Quảng Huế và ổn định đất sản xuất cũng như công trình hạ tầng kỹ thuật ven sông, đặc biệt là có cơ sở khoa học để đề xuất giải pháp công trình đồng bộ nhằm bảo vệ ổn định lòng dẫn sông, điều tiết hài hòa dòng chảy vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn và ổn định đời sống nhân dân trong khu vực, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai quan tâm, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ sông Quảng Huế, đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc.
Công trình dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng với quy mô đầu tư xây dựng kiên cố lại đoạn kè sông bị sạt lở phía hạ lưu công trình Xử lý bước đầu tại khu vực cửa vào sông Quảng Huế có chiều dài khoảng 500m, nhằm ổn định cuộc sống và sản xuất của hơn 11 hộ dân của thôn Phú Nghĩa, xã Đại An và khôi phục, cải tạo hơn 3ha đất nông nghiệp bị sạt lở.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, sớm tổ chức nghiên cứu, đánh giá biến động dòng chảy, lòng dẫn khu vực sông Quảng Huế và các ảnh hưởng của những phát sinh mới trên lưu vực một cách tổng thể.
Từ đó đề xuất các giải pháp công trình phù hợp nhằm bảo đảm sự ổn định, bền vững; trình cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.
Được biết, trong năm 2021 và 2022, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND thành phố Đà Nẵng và các sở của 2 địa phương đã nhiều lần đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc Bộ nghiên cứu, đánh giá biến động dòng chảy, lòng dẫn, chỉnh trị sông Quảng Huế và khắc phục tình trạng xói lở ở hạ lưu công trình Xử lý bước đầu tại khu vực cửa vào sông Quảng Huế để ổn định đất sản xuất cũng như lòng dẫn sông, điều tiết hài hòa dòng chảy vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn...
HOÀNG HIỆP