Chính trị - Xã hội
Khai thác vật liệu phục vụ các công trình, dự án
Để khắc phục tình trạng thiếu đất san lấp các công trình, dự án, UBND thành phố cho phép các chủ đầu tư, ban quản lý dự án điều phối đất thừa trong nội bộ dự án hoặc từ dự án khác về để san lấp. Hiện các đơn vị, địa phương đang tiếp tục đề nghị UBND thành phố có giải pháp bảo đảm nguồn vật liệu san lấp phục vụ thi công các công trình, dự án trọng điểm.
Mỏ đá Trường Bản (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) đang được khai thác đá và đất ở tầng phủ để bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án của thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Đất dư thừa được vận chuyển đi san lấp các công trình
Theo một số ban quản lý dự án, từ cuối năm 2021 đến nay, nhiều công trình, dự án đã được UBND thành phố cấp phép khai thác khoáng sản (đất) ở các công trình khác để điều phối lượng đất thừa về phục vụ san lấp. Theo đó, có hơn 159.500m3 đất thừa khi thi công công trình Cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý (quận Hải Châu) làm vật liệu san lấp dự án Khu tái định cư phục vụ giải tỏa tuyến đường vành đai phía tây tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. UBND thành phố cho phép vận chuyển gần 133.450m3 đất đồi dư thừa từ lý trình Km17+027,47 đến Km17+373,47 thuộc công trình tuyến đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) và điều phối đất thừa trong nội bộ công trình đủ đắp nền đường vành đai phía tây 2...
Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất UBND thành phố cấp phép cho các đơn vị vận chuyển đất thừa trong quá trình san nền, thi công đường số 16, 18 ở Khu Công nghệ cao Đà Nẵng về đắp nền cho Khu tái định cư Tân Ninh mở rộng giai đoạn 1 với khối lượng 193.440m3 đất; vận chuyển 262.886m3 đất thừa trong quá trình thi công dự án Hạ tầng kỹ thuật nhà máy xử lý rác thải tại khu vực bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) và khai thác, vận chuyển khoảng 200.000m3 đất thừa tại công trình Khu bãi tập kết thiết bị, máy móc (ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) về phục vụ san lấp tại Khu tái định cư phía tây nam Khu đô thị Dragon City Park (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Đồng thời, vận chuyển cát thừa trong quá trình thi công hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn (tại các phường Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) phục vụ san nền công trình xây dựng Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân (giai đoạn 3) với khối lượng 136.087m3 đất.
Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng Nguyễn Minh Huy thông tin: “Đơn vị đã báo cáo lãnh đạo thành phố giải quyết riêng nguồn vật liệu đất đắp cho công trình đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan (200.000m3 đất) trong năm 2022 và đã được cung cấp đủ đất. Hiện công trình này đang hoàn thiện phần hạ tầng, đơn vị thi công đã thảm bê-tông nhựa mặt đường gần hết rồi. Công trình này thi công sẽ xong trong năm 2022”.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Huy, ban quản lý đã đề nghị Sở Xây dựng và UBND thành phố giải quyết nhu cầu đất đắp cho 4 công trình, dự án từ cuối năm 2022 đến giữa năm 2023 với tổng trữ lượng đến 674.500m3 đất. “Sắp tới, đơn vị cũng khởi động khu tái định cư Hòa Bắc giai đoạn 2 và một số dự án, nhưng nguồn vật liệu (đất) đắp cho các dự án đang hạn chế. Ban quản lý đã đề nghị thành phố sớm cho phép khai thác các mỏ để bảo đảm nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án”, ông Nguyễn Minh Huy đề nghị.
Quy hoạch, khai thác hơn 71 triệu m3 đất
Theo UBND huyện Hòa Vang, hiện trên địa bàn thành phố có rất nhiều dự án đang triển khai và đang có nhu cầu trữ lượng đất rất lớn để san lấp mặt bằng tại các dự án. Tuy nhiên, các mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động rất ít và không đáp ứng được so với nhu cầu. Mặt khác, cũng vì nhu cầu đất san lấp lớn nên phát sinh nạn trộm cắp khoáng sản vào ban đêm và các dịp nghỉ lễ... Việc này cũng phát sinh và tạo áp lực lớn, khó khăn trong công tác quản lý về khoáng sản trên địa bàn huyện. Do đó, UBND huyện Hòa Vang đã đề nghị UBND thành phố nghiên cứu cho đấu thầu mở rộng khai thác các mỏ khoáng sản trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu thực tế về đất san lấp.
“Huyện đề nghị thành phố có giải pháp căn cơ giải quyết nhu cầu về vật liệu xây dựng cho các công trình, nhất là các công trình đã gần hoàn thành nhưng không có đất để san nền”, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn đề nghị.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, theo tổng hợp nhu cầu đất phục vụ thi công các công trình, dự án từ nay đến hết năm 2023 (do một số ban quản lý dự án gửi lên) là hơn 1,7 triệu m3 đất. Để đáp ứng nhu cầu đất san lấp nói trên cho các công trình, dự án, thành phố đã và đang gia hạn khai thác mỏ đất đồi ở thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh; đồng thời, tiếp tục cho phép các chủ mỏ đá đang khai thác tiến hành bóc đất tầng phủ các mỏ đá như: mỏ Hố Mùn, Hố Bạc, Trường Bản, Sơn Phước... Đồng thời, cấp phép khai thác đất dư thừa trong quá trình các dự án, công trình và vận chuyển về những vị trí cần san lấp. Trên cơ sở quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các ban quản lý dự án lựa chọn các khu vực nằm trong quy hoạch phù hợp để lập hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản (không phải qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản) nếu việc khai thác khoáng sản này đáp ứng các quy định của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy đinh chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản. Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, dự báo đến năm 2030, tổng nhu cầu đất san lấp các công trình, dự án đến 40,297 triệu m3 đất. Trong đó, nhu cầu đất san lấp tại các khu công nghiệp, khu dân cư là hơn 34 triệu m3 đất; nhu cầu đất san lấp các công trình giao thông là hơn 6,275 triệu m3. Sở đã khoanh định thêm các khu vực có tiềm năng về vật liệu xây dựng để tích hợp vào Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Thời gian tới, thành phố sẽ quy hoạch và đưa vào khai thác đất san lấp tại 8 khu vực với tổng diện tích 714ha, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo quy hoạch là hơn 71 triệu m3 đất. Chúng tôi nhận thấy, với trữ lượng đất như vậy được quy hoạch bảo đảm phục vụ nhu cầu trong thời gian tới”, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Quang Vinh nói.
HOÀNG HIỆP