Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, ngày 4-11, sau khi kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực Xây dựng, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Thông tin Truyền thông và Nội vụ.
Toàn cảnh phiên họp chiều 3-11. |
Phiên chất vấn sẽ tập trung vào các nội dung: Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia; việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác, việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.
Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trong phiên họp buổi chiều 4-11, sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, từ 14 giờ 40 phút đến 17 giờ. Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực nội vụ với nội dung chất vấn gồm:
Một là, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Hai là, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm.
Ba là, nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…). Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học.
Bốn là, giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách…), nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trước đó, trong phiên họp sáng 3-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Buổi chiều Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Sau đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cùng tham gia trả lời chất vấn về những vấn đề có liên quan.
Tại phiên chất vấn đã có 36 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, một đại biểu tranh luận, tập trung vào những nội dung:
Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam nhất là ở các thành phố lớn (nguyên nhân tình trạng ngập úng, tắc nghẽn tại các đô thị; trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị; việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong vấn đề lập quy hoạch; giải pháp đối với những dự án khu đô thị xuống cấp nhưng vẫn chưa được bàn giao; việc quản lý, vận hành nhà chung cư; nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh hiện nay; việc xử lý các hành vi vi phạm trong công tác quy hoạch đô thị, xây dựng sai phép, không phép; nguyên nhân và giải pháp đối với tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch thiếu tầm nhìn; tiến độ xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị; việc phát triển diện tích cây xanh đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội (thực trạng và giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ di dời; việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời).
Quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản (dự báo xu thế phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới; quan điểm của Bộ Xây dựng đối với việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản).
Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn (chính sách phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới; mức hỗ trợ đối với nhà ở xã hội; giải pháp nhằm hạ thấp giá nhà ở xã hội, tháo gỡ bất cập trong thủ tục đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội; nguyên nhân, giải pháp xử lý đối với tình trạng nhà ở tái định cư bỏ hoang; giải pháp tháo gỡ vướng mắc của dự án xây dựng mô hình thiết chế công đoàn; tính khả thi của Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động giai đoạn 2021-2023; trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc chuyển dự án nhà ở xã hội sang dự án nhà ở thương mại).
Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia (trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc tăng giá vật liệu gây ảnh hưởng đến triển khai các dự án; công tác thẩm định, cấp phép các công trình xây dựng; giải pháp để phát triển vật liệu mới, vật liệu thay thế; việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng; giải pháp đối với tình trạng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng chưa theo kịp yêu cầu; việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng).
Theo baotintuc.vn