Chính trị - Xã hội

Xây dựng đội ngũ người làm báo chuyên nghiệp, bản lĩnh chính trị vững vàng

14:30, 12/11/2022 (GMT+7)

ĐNO - Báo chí phải đi sâu, đi sát các lĩnh vực, đặt quan điểm vì lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu trong tiêu chí hoạt động, trên cơ sở đó triển khai đến người đọc các đề tài báo chí cho phù hợp.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại buổi thảo luận. Ảnh: N.P
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại buổi thảo luận. Ảnh: N.P

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh như vậy tại phiên thảo luận sáng 12-11, trong khuôn khổ hội nghị “Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc”.

Chú trọng xây dựng đội ngũ tinh nhuệ
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, báo chí cách mạng hướng đến mục tiêu cao cả vừa bảo đảm định hướng tuyên truyền, vừa có thế trận, lực lượng để phục vụ người đọc, nhất là nhấn mạnh tính nhân văn trong báo chí.

Vì vậy, báo chí phải đi sâu, đi sát các lĩnh vực, đặt quan điểm vì lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu trong tiêu chí hoạt động, trên cơ sở đó triển khai đến người đọc các đề tài báo chí cho phù hợp.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí cần tiếp tục xây dựng lực lượng báo chí tinh nhuệ, rà soát chất lượng đào tạo báo chí, cũng như quy hoạch sử dụng, bố trí hợp lý nguồn nhân lực này trong thế trận báo chí nước nhà hướng đến hội nhập hiện đại.

Cạnh đó, cần quyết tâm, kiên quyết đấu tranh với những cái xấu, giữ gìn sự trong sáng, không để ngòi bút bị bẻ gãy; quan tâm đến sự hài lòng của nhân dân, thân thiện với doanh nghiệp, không mượn danh tiếng báo Đảng để gây khó dễ cho địa phương, cho người dân, qua đó hoàn thành sứ mệnh cao cả của nền báo chí chung nước nhà.

Cần đổi mới nội dung, hình thức thể hiện
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí, trong đó có cơ quan báo Đảng. Vì vậy, việc đổi mới, sáng tạo là vấn đề cấp bách, bởi nó liên quan đến vị trí, vai trò của báo Đảng trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên công nghệ thông tin.

Ông Trần Thanh Lâm cũng đánh giá cao tính tiên phong của báo Đảng trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và kỷ nguyên số, báo Đảng cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục, như: chưa phát huy được vai trò đi trước mở đường trong thông tin, tuyên truyền; vai trò xung kích chưa được thể hiện rõ; thông tin sự kiện còn chậm, chưa phản ánh được các vấn đề đa chiều, vẫn nặng về thông tin một chiều, tính phản biện chưa cao...

Các đại biểu thảo luận về Đổi mới sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng. Ảnh: N.P
Các đại biểu thảo luận về Đổi mới sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng. Ảnh: N.P

Đặc biệt người làm báo Đảng vẫn còn đi theo lối mòn, chậm đổi mới, độ lan tỏa chưa cao; vẫn còn tình trạng văn bản hóa, báo cáo hóa thông tin. Thực tế này khiến việc thu hút độc giả gặp khó khăn.

Vì vậy, theo ông Trần Thanh Lâm, để giải quyết vấn đề này, các cơ quan báo Đảng cần nỗ lực đổi mới, nâng cao cả về hình thức, nội dung các ấn phẩm; bám sát định hướng của Đảng và Nhà nước về công tác báo chí, qua đó, làm tốt vai trò định hướng thông tin; nâng cao công tác tuyên truyền đấu tranh có hiệu quả với tin xấu, độc.

Tại các phiên thảo luận, đại diện các cơ quan báo Đảng cũng đề ra một số bài học kinh nghiệm cũng như giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của tờ báo.

Theo Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn giải phóng Phạm Văn Trường, báo luôn yêu cầu đối với những người làm báo phải cố gắng nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thể hiện trên mặt báo bằng nhiều hình thức đa dạng, sinh động.

Đặc biệt, trong thực hiện tuyên truyền các Đảng văn (nghị quyết, quyết định, chỉ thị, thông báo… của Đảng) luôn tìm kiếm cách thể hiện mới mẻ, tăng hình ảnh, số liệu, dữ liệu, đồ họa…

Đồng thời, luôn yêu cầu cán bộ, phóng viên, biên tập viên đa dạng, linh hoạt hơn và sâu sát hơn trong nắm bắt thông tin từ thực tiễn cuộc sống; thông tin, vấn đề dư luận xã hội quan tâm… để có góp ý, phản biện, bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế, chính sách, giúp giải quyết được tốt những vấn đề của xã hội, góp phần cho sự ổn định, phục vụ cho sự phát triển của đất nước và thành phố.

NGỌC PHÚ

.