Chính trị - Xã hội

Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á

10:56, 16/11/2022 (GMT+7)

ĐNO - Tại hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức sáng 16-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng có bài tham luận quan trọng. Báo Đà Nẵng xin giới thiệu toàn văn đến bạn đọc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên phải) trao đổi bên lề hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên phải) trao đổi bên lề hội nghị.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng!

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chủ trì hội nghị!

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương!

Kính thưa các vị đại biểu tham dự hội nghị!

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là một văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tư duy và tầm nhìn, định hướng chiến lược của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong chiến lược phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cũng như các địa phương trong vùng.

Qua nghiên cứu, Nghị quyết nêu ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó, thành phố Đà Nẵng có vai trò phát triển trở thành trung tâm của nhiều ngành, lĩnh vực của vùng. Đặc biệt, Nghị quyết đã nêu ra một nhiệm vụ rất quan trọng là xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô cấp vùng. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng đã có bài tham luận gửi Ban Tổ chức hội nghị với chủ đề “Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính cấp vùng” theo định hướng của Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Trong thời gian qua, một số địa phương trong vùng đã được Bộ Chính trị quan tâm ban hành các nghị quyết riêng để thúc đẩy sự phát triển của từng địa phương. Đối với thành phố Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo đó, đã khẳng định Đà Nẵng giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước và xác định mục tiêu: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin…”.

Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để cụ thể hóa các định hướng đã được xác định trong Nghị quyết số 43-NQ/TW. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho phép nghiên cứu, lập Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng Đề án và hiện đang trình Chính phủ xem xét.

Theo đó, Đề án Trung tâm tài chính Đà Nẵng được xây dựng trên cơ sở những lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng như: Có vị trí địa lý và khả năng kết nối thuận lợi; sở hữu nhiều điều kiện tốt về hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản; được định hướng trở thành một Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, có nền tảng và lợi thế về hạ tầng đủ để hình thành một trung tâm công nghệ tài chính (fintech); có quỹ đất sạch khá lớn (6,17 ha) và có khả năng mở rộng lên thành 62 ha được quy hoạch phục vụ cho việc thiết lập khu vực tài chính với các điều kiện về vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của thành phố.

Tuy nhiên, Đề án cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức như: Quy mô kinh tế của thành phố còn nhỏ; thị trường tài chính hạn chế; hạ tầng chưa thực sự hiện đại.

Về việc lựa chọn mô hình phát triển, Đề án đưa ra mô hình phát triển dựa trên 3 chức năng chính, gồm:  cung cấp dịch vụ tài chính hay còn gọi là trung tâm tài chính hải ngoại (offshore); trung tâm công nghệ tài chính (fintech); hoạt động phụ trợ cho hoạt động tài chính và dịch vụ tiện ích.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Đối với nội dung trung tâm tài chính hải ngoại, đây là mô hình có thể áp dụng ngay để tận dụng lợi thế hiện tại của Việt Nam (múi giờ khác biệt so với các trung tâm tài chính khác trên thế giới). Theo đó, vừa có thể triển khai vừa nghiên cứu để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn từ việc phát triển trung tâm tài chính, qua đó dần hướng đến xây dựng một trung tâm tài chính quy mô khu vực và quốc tế.

Đối với Trung tâm Fintech, Đề án đã chỉ ra được các điểm mạnh và điểm yếu của hệ sinh thái fintech tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu so sánh với các trung tâm tài chính khác lân cận như Singapore và Thượng Hải thì các yếu tố cấu thành fintech ở Việt Nam như quy mô thị trường, cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực… còn ở mức thấp hơn hẳn.

Đối với các hoạt động dịch vụ tiện ích, Đề án đề xuất các dự án đầu tư bất động sản, dịch vụ tiện ích, vui chơi giải trí trong Trung tâm tài chính, coi đây là các yếu tố để nâng cao dịch vụ và chất lượng sống (đây là nội dung được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm).

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Đề án đề xuất cần có sự đột phá mạnh mẽ về cơ chế, chính sách; hình thành khung pháp lý đồng bộ, có tính hấp dẫn cao, phù hợp với thông lệ quốc tế; có lộ trình triển khai phù hợp; phát triển trung tâm tài chính vị thế khu vực và thế giới dưới hình thức không gian mềm và có sự quản lý tập trung.

Theo đó, Đề án đề xuất các nhóm ngành nghề hoạt động trong Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng bao gồm: nhóm các ngành, nghề trực tiếp liên quan đến tài chính - ngân hàng như dịch vụ tài chính truyền thông và công nghệ tài chính fintech; nhóm các ngành nghề phụ trợ và các hoạt động dịch vụ tiện ích như kiểm toán, kế toán, dịch vụ pháp lý, giải quyết tranh chấp…

Trên cơ sở đó, Đề án đã đề xuất các chính sách ưu đãi và đặc thù như: Cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng và phát triển trung tâm tài chính tại Đà Nẵng; ưu đãi dành cho tổ chức kinh tế thành lập trong trung tâm tài chính; ưu đãi về thuế.

Cơ chế huy động vốn của các tổ chức trong nước thông qua Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng. Khuyến khích các tổ chức tín dụng thành lập chi nhánh riêng tại trung tâm tài chính; cung cấp dịch vụ ngoại hối cho người không cư trú và các tổ chức kinh tế tại các trung tâm tài chính khác; chính sách về ngoại hối; phát triển công nghệ tài chính (Fintech).

Ngoài ra là các chính sách khác như chính sách xuất nhập cảnh và chính sách về giải quyết tranh chấp.

Thành phố đề xuất kế hoạch triển khai cụ thể như sau: Giai đoạn 2022 - 2023: Hoàn thiện Đề án trình Chính phủ phê duyệt; báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương, định hướng, trên cơ sở đó trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

- Giai đoạn 2023 - 2024: lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phát triển trung tâm tài chính tại Đà Nẵng (bao gồm lựa chọn nhà đầu tư, quy hoạch phân khu trung tâm tài chính, quy hoạch chi tiết…); đề xuất cơ chế thành lập Hội đồng phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam để thực hiện chức năng quản lý, giám sát.

- Giai đoạn 2024 - 2030: phát triển cơ sở hạ tầng trung tâm tài chính Đà Nẵng bao gồm hạ tầng cứng như văn phòng, khu phức hợp… và hạ tầng mềm như hạ tầng tài chính, công nghệ thông tin…; thu hút các định chế tài chính quốc tế và công ty công nghệ có ảnh hưởng trên thế giới, triển khai dần các hoạt động của một trung tâm tài chính offshore; phát triển các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và không gian hoạt động cho fintech; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện và sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý có liên quan.

- Giai đoạn sau 2030: chuyển đổi mô hình Trung tâm tài chính để cung cấp các dịch vụ tài chính trong nước và một số quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hướng đến trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực và trung tâm fintech của quốc gia vào năm 2045.

Việc cho phép phát triển mô hình trung tâm tài chính ở Việt Nam là một vấn đề rất mới, đặt ra những thách thức lớn cả về yêu cầu hoàn thiện thể chế, khung pháp lý và cả về mặt quản lý nhà nước để đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động an toàn và quản lý rủi ro trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Vì vậy, cần xác định đây là vấn đề mang tầm quốc gia, không phải của riêng Đà Nẵng hay bất kỳ địa phương nào.

Trong thời gian tới, thành phố xác định một số nhiệm vụ trọng tâm là: Thứ nhất, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Đề án theo chỉ đạo của Chính phủ, làm việc với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để nghiên cứu và tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn của các trung tâm tài chính trên thế giới; đánh giá khả năng thu hút đầu tư khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Đà Nẵng.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại theo mô hình đô thị thông minh, đột phá là hạ tầng giao thông kết nối trong nước, quốc tế và hạ tầng chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao.

Khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng biển Tiên Sa, xây dựng Cảng biển Liên Chiểu và các hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, tạo sự năng động về kinh tế gắn với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc gia, quốc tế.

Thứ ba, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, khuyến khích cho hoạt động đầu tư, nhất là đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; đồng thời, hình thành các hoạt động dịch vụ chất lượng cao về y tế, văn hóa, giáo dục, các trung tâm hội nghị, khu phi thuế quan, khu nghỉ dưỡng giải trí đẳng cấp, gia tăng chất lượng sống của đô thị để hình thành hệ sinh thái, các không gian sống và làm việc thỏa mãn các nhà đầu tư tài chính quốc tế và khu vực.

Để sớm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW, kính đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm, ủng hộ chủ trương và chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét các kiến nghị của thành phố về các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo cơ sở chính trị, pháp luật cho việc xây dựng và sớm hình thành các dịch vụ tài chính chất lượng cao tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Kính đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương tích cực hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW; trong đó, quan tâm, xem xét, ủng hộ những đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn lực đột phá cho các địa phương trong vùng nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêg.

Một lần nữa, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, tôi xin trân trọng cảm ơn đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương đã quan tâm ban hành một Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ với nhiều định hướng quan trọng mang tính đột phá chiến lược.

Xin kính chúc đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. 

Xin trân trọng cảm ơn!

.