Cần phải có giải pháp chuyển dịch kinh tế bền vững hơn, giảm phụ thuộc nhiều vào dịch vụ

.

ĐNO - GRDP thành phố năm 2022 ước tăng 14,05% nhưng chưa đồng đều giữa các khu vực kinh tế. Trải qua Covid-19 cho thấy nền kinh tế thành phố phụ thuộc nhiều vào các ngành dịch vụ đã bộc lộ một số rủi ro, đòi hỏi UBND thành phố cần sớm đề ra các giải pháp căn cơ nhằm chuyển dịch kinh tế bền vững hơn, bảo đảm đúng định hướng. 

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố Phan Thị Tuyết Nhung báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: TRỌNG HUY
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phan Thị Tuyết Nhung báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: TRỌNG HUY

Đây là nhấn mạnh của Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phan Thị Tuyết Nhung tại kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa X, diễn ra sáng 13-12.

Theo báo cáo thẩm tra Ban Kinh tế - Ngân sách về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 cho thấy, thành phố đã thích ứng linh hoạt trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, người dân đã tạo ra nhiều kết quả khởi sắc.

Có 9/11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm xã hội thành phố (GRDP) ước tăng 14,05% so với năm 2021. Đà Nẵng là địa phương đứng thứ 3 trong cả nước về tốc độ tăng trưởng; quy mô GRDP ước đạt 125.218 tỷ đồng, mở rộng quy mô GRDP so với năm 2019 là 14.032 tỷ đồng.

Đây là dấu hiệu tích cực của sự phục hồi và tạo đà thuận lợi để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tạo sức chống chịu với những biến động được dự báo là rất khó lường của năm tới.

Tuy nhiên, theo Ban Kinh tế - Ngân sách, GRDP ước tăng 14,05% nhưng chưa đồng đều giữa các khu vực kinh tế. Khu vực dịch vụ vẫn đóng vai trò trụ đỡ chính cho tăng trưởng, đóng góp đến 13,3 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp - xây dựng ước chỉ đóng góp 1,5 điểm phần trăm trong tổng giá trị tăng thêm (VA).

Tỷ trọng khu vực dịch vụ tiếp tục mở rộng, chiếm 68,4% trong tổng cơ cấu các ngành kinh tế; khu vực công nghiệp - xây dựng bị thu hẹp, chiếm 20,4% trong tổng cơ cấu các ngành kinh tế; thấp hơn định hướng trong cơ cấu nền kinh tế của thành phố theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách, trải qua Covid-19 cho thấy nền kinh tế thành phố phụ thuộc nhiều vào các ngành dịch vụ đã bộc lộ một số rủi ro, đòi hỏi UBND thành phố cần sớm đề ra các giải pháp căn cơ nhằm chuyển dịch kinh tế bền vững hơn, bảo đảm đúng định hướng.

Việc thu hút số ngành trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, công nghệ cao cần có nhiệm vụ, giải pháp phát triển cụ thể, mang tính dài hạn để hướng đến phát triển kinh tế thành phố theo hướng “sâu và bền vững”.

Một trong những giải pháp quan trọng là hình thành quỹ đất để phục vụ ngành công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch và có kế hoạch đầu tư nhưng tiến độ triển khai thực tế còn rất chậm, chưa đáp ứng nhu cầu tiếp cận đất đai, thu hút đầu tư trên địa bàn.

Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND thành phố cần đánh giá các khó khăn, đề ra giải pháp, gắn với tiến độ, trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện.

Ban Kinh tế - Ngân sách cũng chỉ ra tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn chưa ổn định, chưa tương xứng với quy mô kinh tế. Năm 2022, thu ngân sách thành phố đạt cao một phần nhờ vào các khoản thu đột biến, phát sinh; đề nghị UBND thành phố cần phân tích rõ nguyên nhân việc thu ngân sách có dấu hiệu chững lại, rà soát, đánh giá chi tiết các nguồn thu để có định hướng và giải pháp cụ thể hơn trong thời gian tới.

Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt, mạnh mẽ, tuy nhiên kết quả vẫn còn chậm; đề nghị cần rà soát, phân tích và đánh giá kỹ hơn và có giải pháp cụ thể, xác định trách nhiệm của từng đơn vị và giải pháp trong thời gian tới.

Ban Kinh tế - Ngân sách cũng đề nghị UBDN thành phố có sự nghiên cứu, phân tích sâu hơn về lĩnh vực, ngành nghề để có giải pháp, chính sách phù hợp, thúc đẩy hỗ doanh nghiệp duy trì hoạt động và phát triển; đánh giá tình hình, có giải pháp hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực có thể xảy ra trong thời gian tới do tình trạng tăng giá xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, các mặt hàng tiêu dùng; khan hiếm nguồn cung, thiếu đơn hàng sản xuất,...

L.PHƯƠNG - T.HUY - N.PHÚ

;
;
.
.
.
.
.