Chính trị - Xã hội

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển kinh tế - xã hội

12:08, 09/12/2022 (GMT+7)

ĐNO - Sáng 9-12, Học viện Chính trị khu vực III tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên”. Hội thảo đã đặt ra vấn đề cần đổi mới nhận thức, mô hình phát triển, cơ chế, chính sách để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: L.P
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: L.P

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III và Tiến sĩ Võ Văn Lợi, Trưởng khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị khu vực III đồng chủ trì hội thảo.

Theo báo cáo đề dẫn hội thảo, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ và lan rộng, mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia trong quá trình phát triển. Trong đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) được xác định không chỉ là nền tảng mà còn là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, là nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.

Những năm qua, các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, phát huy triệt để nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Khoa học và công nghệ được ứng dụng rộng rãi và nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành trong khu vực còn thấp, chưa đồng đều, nhiều điểm “nghẽn” chưa được khai thông, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế…

Do đó, để các địa phương phát triển nhanh, bền vững cần đổi mới mô hình phát triển, đổi mới nhận thức, cơ chế chính sách để khoa học, công nghệ và ĐMST thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội thảo, các đại biểu tham gia thảo luận, chia sẻ làm rõ nội hàm, vai trò của khoa học, công nghệ và ĐMST với tư cách là nền tảng, động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững; giải pháp để khoa học, công nghệ và ĐMST trở thành trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên một cách thực chất và hiệu quả.

Hội thảo cũng làm rõ cách thức để đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và ĐMST tại các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên; giải pháp thúc đẩy hơn nữa và liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái ĐMST với doanh nghiệp, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp,...

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III khẳng định, hội thảo lần này có ý nghĩa cần thiết và cấp thiết cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; nhất là các nghị quyết có liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

LAM PHƯƠNG

.