Chính trị - Xã hội
Lập tổ theo dõi, phát hiện, xử lý hành vi đầu cơ, găm hàng trong dịp Tết Quý Mão 2023
ĐNO - Sở Công Thương sẽ tổ chức 18 điểm bán hàng bình ổn giá trong dịp Tết Quý Mão 2023; đồng thời, thành lập các tổ theo dõi diễn biến thị trường, nhất là diễn biến về giá cả, hành vi đầu cơ, găm hàng không phù hợp dẫn đến mất ổn định, tăng giá đột biến. Khi phát hiện sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường để xử lý và ngăn chặn, bảo đảm bình ổn thị trường.
Đó là nội dung trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương tại kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, diễn ra sáng 15-12.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, các Phó Chủ tịch HĐND thành phố Trần Phước Sơn và Nguyễn Thị Anh Thi chủ trì phiên chất vấn sáng 15-12. Ảnh: N.PHÚ |
Trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) Phan Thị Tuyết Nhung, Tổ ĐB quận Thanh Khê về vấn đề kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Quý Mão 2023, Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương cho biết, sở thực hiện nhiệm vụ theo dõi diễn biến giá cả thị trường để chủ động lên phương án bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa bình ổn thị trường.
Sở đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp, đề nghị tăng lượng dự trữ hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm của người dân trong dịp Tết. Qua làm việc, các doanh nghiệp đã cam kết tăng lượng dữ trữ hàng hóa, cố gắng bảo đảm ổn định giá cả.
Sở Công Thương đã ban hành kế hoạch về bình ổn thị trường với các sản phẩm hàng hóa thiết yếu. Bên cạnh đó tổ chức các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm Tết.
Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương trả lời chất vấn. Ảnh: N.PHÚ |
Về sản phẩm OCOP, Sở Công Thương cho biết, hiện có 40 sản phẩm của 36 doanh nghiệp đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 17 sản phẩm đạt 4 sao, 23 sản phẩm đạt 3 sao. Cuối năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đề xuất UBND thành phố công nhận thêm 11 sản phẩm. Nếu được công nhận, toàn thành phố có tổng cộng 51 sản phẩm OCOP.
Trong năm 2022, sở tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm OCOP cho các doanh nghiệp, như: kết nối, hỗ trợ giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại các sự kiện, nhất là cao điểm mùa du lịch để quảng bá đến khách du lịch; đưa sản phẩm đi giới thiệu ở các tỉnh, thành, nước bạn Lào; tổ chức nhiều chương trình kết nối cung cầu, đưa sản phẩm vào các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ.
Đến nay, có 29/40 sản phẩm OCOP được đưa vào phân phối tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị mini, siêu thị đặc sản; có 12 nhóm sản phẩm của 9 doanh nghiệp đã được đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Một số sản phẩm OCOP 4 sao được quảng bá và tiếp cận đến các thị trường lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, một số tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Với thị trường nước ngoài, một số sản phẩm đặc sản như: bánh dừa nướng, bánh khô mè, hải sản khô,… đã xuất khẩu đến các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quô), Lào,…
Về tiến độ đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp phục vụ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương cho biết, dự kiến, tháng 6-2023 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác Cụm công nghiệp Cẩm Lệ; tháng 9-2024 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác Cụm công nghiệp Hòa Nhơn và tháng 12-2024 sẽ hoàn thành Cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam.
Bà Lê Thị Kim Phương cho biết, chỉ có Cụm công nghiệp Cẩm Lệ dự kiến hoàn thành tháng 6-2023, 2 cụm công nghiệp còn lại phải đến cuối năm 2024. Với các cụm công nghiệp khác phải đến năm 2026-2027 mới có thể đưa vào hoạt động để có đủ đất bố trí di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư.
Do đó, trong năm 2023, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND thành phố chỉ đạo rà soát đánh giá lại đầy đủ mức độ ô nhiễm của các cơ sở sản xuất trong khu dân cư để có hướng xử lý, như: chuyển đổi ngành nghề; chuyển đổi công nghệ sản xuất để giảm thiểu ô nhiễm, cuối cùng mới tính đến phương án di dời ra khỏi khu dân cư.
Trên cơ sở các báo cáo của các quận, huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, Sở Công Thương phối hợp để xây dựng kế hoạch di dời tổng thể; đồng thời đề xuất chính sách hỗ trợ bảo đảm không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các cơ sở sản xuất.
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, vấn đề các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư được đông đảo được cử tri quan tâm và bức xúc; đặt câu hỏi liệu việc cam kết tiến độ như trên có khả thi và đề nghị Sở Công Thương cam kết trách nhiệm về vấn đề này.
L.PHƯƠNG - T.HUY - N.PHÚ