Nâng cao chất lượng "tự soi, tự sửa" - Bài 2: Xây dựng quy định chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp

.

Một số cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ huyện Hòa Vang chủ động lãnh đạo xây dựng quy định chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức trong thực thi công vụ gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính.

Cán bộ tại bộ phận “Một cửa” xã Hòa Sơn thực hiện có hiệu quả mô hình “5 không, 4 biết”. Ảnh: TRỌNG HUY
Cán bộ tại bộ phận “Một cửa” xã Hòa Sơn thực hiện có hiệu quả mô hình “5 không, 4 biết”. Ảnh: TRỌNG HUY

Nhiều mô hình hay

Quá trình triển khai thực hiện “tự soi, tự sửa”, nhiều mô hình điển hình tiên tiến trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được ghi nhận và tạo sức lan tỏa trong xã hội. Từ đó, góp phần đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn huyện Hòa Vang đạt nhiều kết quả quan trọng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp.

Có thể kể đến mô hình “Giảm lời nói, tăng hành động; giảm lý do, tăng biện pháp; giảm phàn nàn, tăng nhiệt huyết” của Đảng bộ Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang; mô hình “5 không, 4 biết” của Đảng bộ xã Hòa Sơn; mô hình “4 xin, 4 luôn” của Đảng bộ xã Hòa Phước; mô hình “3 nắm, 3 biết” của Đảng bộ các cơ quan Đảng; mô hình “4 với” trong thực hiện văn hóa công sở của cán bộ, công chức xã Hòa Phong; mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” với phương châm tiếp đón ân cần, niềm nở, thân thiện, hướng dẫn hồ sơ tận tình, chu đáo, giải quyết hồ sơ nhanh chóng, chính xác của cán bộ, công chức xã Hòa Châu; mô hình “3 C” của Chi bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện…

Được triển khai từ năm 2017, mô hình “3 C” (cười, chào, cảm ơn) của Chi bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang thực sự đã tạo bước chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động của đơn vị.

Bí thư chi bộ, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Ông Văn Quyện nhìn nhận, mô hình “3 C” được cụ thể hóa, khi thấy khách hàng là cười, chào khách hàng khi đến giao dịch và cảm ơn khi khách hàng giao dịch xong. Qua triển khai mô hình, nhằm tạo môi trường làm việc lịch sự, văn hóa, chất lượng và gây thiện cảm, ấn tượng tốt đối với khách hàng.

Đến năm 2021, mô hình này được lồng ghép vào mô hình “Người cán bộ Agribank tận tụy với công việc, phục vụ nhân dân gắn với cuộc vận động đoàn viên, người lao động nói không với tiêu cực”. Mô hình nhằm tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, người lao động về thực hiện hiệu quả nội dung đột phá, nhiệm vụ trọng tâm gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

“Thực tế, xây dựng và hình thành giá trị chuẩn mực trong cán bộ, đảng viên, người lao động tại đơn vị là nhiệm vụ thường xuyên và mang tính “sống còn” vì nó còn gắn liền với hiệu quả kinh doanh. Do đó, trong các cuộc sinh hoạt chi bộ, chúng tôi đều phổ biến, lồng ghép các nội dung, chương trình về thực hiện “tự soi, tự sửa” của Huyện ủy để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; thường xuyên trao đổi, đánh giá cán bộ, đảng viên để từ đó phát huy điểm mạnh, đưa ra giải pháp khắc phục những hạn chế yếu kém, làm cho đội ngũ ngày càng trong sạch, có bản lĩnh chính trị vững vàng và nâng cao trình độ chuyên môn”, ông Quyện nói.

Bên cạnh mô hình “3 C”, Chi bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang còn triển khai mô hình “Đóng góp kinh phí bằng tiền tiết kiệm chi tiêu hằng tháng của mỗi cá nhân” (cán bộ 30.000 đồng, người lao động 15.000 đồng) có hiệu quả, để tạo nguồn kinh phí tài trợ cho trẻ em nghèo vượt khó thông qua quỹ bảo trợ trẻ em, nạn nhân chất độc da cam, người nghèo…

Không thất hứa với dân

Tại xã Hòa Sơn, mô hình “5 không, 4 biết” ra đời từ năm 2017. Trong đó, 5 không: không thất hứa với dân; không vi phạm giờ giấc làm việc; không giải quyết công việc theo lối ban ơn, nhận trả ơn; không gây khó dễ, đùn đẩy trách nhiệm và không sử dụng rượu, bia trong giờ hành chính khi giải quyết công việc, tiếp xúc với nhân dân; “4 biết”: biết vui vẻ khi tiếp xúc với dân, biết cảm ơn khi được nhân dân góp ý, biết nghe dân nói, nói dân nghe, dân hiểu và biết nhận lỗi, xin lỗi khi mình sai sót.

Đến năm 2019, mô hình được hoàn thiện, nâng cao, triển khai xuyên suốt trong hệ thống chính trị của xã. Hằng năm, xã đều có sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm đối với những hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục. Đến nay, 100% cán bộ, đảng viên thực hiện bảo đảm thời gian đúng hoặc sớm hẹn với người dân, nhận thức sâu sắc việc giải quyết công việc cho nhân dân là bổn phận, trách nhiệm của mình; thực hiện đúng nội quy, quy chế của cơ quan về thời gian làm việc.

Cán bộ xã nắm rõ chức trách, quyền hạn, không gây phiền hà, khó dễ cho dân, không đùn đẩy trách nhiệm khi giải quyết công việc; 100% cán bộ không sử dụng rượu, bia trong giờ hành chính, trưa những ngày làm việc... Đối với “4 biết”, tất cả cán bộ được giao nhiệm vụ, đến nay đều thực hiện nghiêm túc, tạo hiệu ứng lan tỏa, niềm tin trong nhân dân.

“Thực ra, quá trình làm việc, giao tiếp với nhân dân, vẫn có trường hợp giữa hai bên chưa hiểu nhau, dẫn đến vướng mắc. Khi đó, cán bộ xử lý phải chủ động xin lỗi, tập trung giải thích, làm rõ vướng mắc để cho người dân hiểu, thông cảm và làm theo quy trình thủ tục quy định. Chính sự lý giải tận tình này đã tạo được niềm tin và thân thiện từ người dân khi đến giao dịch”, ông Ngô Minh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn chia sẻ.

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với cán bộ bộ phận “Một cửa” của xã Hòa Sơn cho thấy, 100% người dân đánh giá hài lòng. Năm 2021, trong tổng số 13.017 hồ sơ tiếp nhận theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đã giải quyết 100% sớm và đúng hẹn. Tính đến đầu tháng 11-2022, xã Hòa Sơn tiếp nhận 13.376 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 1.097 hồ sơ sớm hạn, 2 hồ sơ đang trong thời gian giải quyết, còn lại tất cả đều đúng hạn. Đặc biệt, có nhiều hồ sơ trả sớm hạn 1-3 ngày so với quy định. Xã cũng đã xây dựng đội tình nguyện để hướng dẫn, hỗ trợ công dân làm thủ tục nộp hồ sơ trực tuyến (mức độ 3, 4). Đến nay, Hòa Sơn là xã đạt 85% số hồ sơ trực tuyến so với quy định của thành phố là 60-70%.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Sơn Nguyễn Thị Huệ cho biết, việc thực hiện mô hình “5 không, 4 biết” có hiệu quả đã tạo nên đội ngũ cán bộ, đảng viên có chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo ra nét đẹp văn hóa nơi công sở, xây dựng hình ảnh người cán bộ kiểu mẫu…

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.