Chính trị - Xã hội
Những người thầy nghệ nhân, nông dân đứng lớp
Với mong muốn lưu giữ nghề truyền thống, nhiều nghệ nhân, nông dân nỗ lực truyền dạy kinh nghiệm ông cha để lại thông qua những lớp học đặc biệt không phấn trắng, bảng đen; giúp học sinh, sinh viên gắn bó làng nghề truyền thống của quê hương.
Các em học sinh được tham quan công đoạn ủ mắm tại làng nước mắm Nam Ô. Ảnh: P.V |
Bà Nguyễn Thị Lự (trú tổ 49, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) luôn tự hào với nghề làm mắm được truyền trong gia đình từ gần 100 năm nay. Dù tuổi ngoài 70, bà vẫn say sưa kể về bí quyết để có được những giọt mắm thơm ngon mỗi khi truyền đạt cho các thế hệ trẻ đến tìm hiểu về làng nghề Nam Ô.
Với bà khi được gặp gỡ, chia sẻ với các em học sinh, sinh viên là góp phần bảo tồn và phát huy nghề làm nước mắm truyền thống của ông cha. Tham gia những lớp học đặc biệt này, các em sẽ được “cô giáo” Lự truyền đạt trực quan với những dụng cụ của nghề và tham quan thực tế từng công đoạn làm nước mắm. Mọi câu hỏi, thắc mắc của các em học sinh đều được bà Lự giải đáp tỉ mỉ.
Theo bà Lự, để có được nước mắm ngon, trước hết nguyên liệu phải tươi, ngon, cá chỉ chọn loại cá cơm than, không quá to hoặc quá nhỏ. Muối ướp cá phải là muối Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) hoặc muối Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Ngãi). Mẻ cá phải được ủ đủ tháng, đủ ngày, đậy nắp thật kín, đưa vào phòng tối, khô ráo, sạch sẽ, kín gió, giữ nhiệt độ vừa phải, khoảng sáu, bảy tháng trộn cá muối lại. Thông thường, người dân nơi đây làm mắm nhiều vào tháng 3 và tháng 7, vì đó là thời gian cá cơm than nhiều và tươi nhất”.
Còn với bà Hồ Thị Quế (SN 1966), nông dân tại Trang trại nông sản Việt - Nhật (xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), được truyền đạt, chia sẻ kiến thức về nông nghiệp cho sinh viên, học sinh đến từ các trường học ở tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng là niềm vui trong cuộc sống. “Các lớp học vào mùa nào thì tôi sẽ dạy các em kiến thức trồng loại cây đó.
Nếu vào mùa thu hoạch đậu, rau, khoai, sắn, bắp,…hay những cây ăn quả như ổi, nhãn, bưởi,… thì các cháu cũng tham gia phụ giúp các bác nông dân thu hoạch. Còn như thời điểm này, các em sẽ được học về tỉa đậu, gieo mè,… Ở đây không có sách vở, người học tham gia làm như những người nông dân thực thụ. Như vậy, mới hiểu hết nỗi vất vả của người nông dân, mới trân quý hơn từng bữa cơm mình ăn”, bà Quế chia sẻ.
Tham gia trải nghiệm lớp học tại làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô, sinh viên Nguyễn Thanh Đào (SN 2003, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) cho hay, qua những lớp học thực tế, sinh viên có thể nhớ, hiểu rõ hơn về làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô.
“Em thường tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, tham quan các làng nghề, tìm hiểu và tích lũy thêm kiến thức để sau này khi đứng trên bục giảng, có thể truyền đạt lại cho học trò. Em cảm thấy rất thú vị khi được tham gia những lớp học của các người thầy là ngư dân, nghệ nhân cầm tay chỉ việc. Để từ đó hiểu rõ hơn những ngành nghề truyền thống mà cha ông ta đã tạo nên”, Đào tâm sự.
Em Nguyễn Thế Tiến, học sinh Trường Tiểu học, THCS & THPT Việt-Nhật, cảm thấy ấn tượng khi được trải nghiệm những giờ học thực tế tại nông trại. “Những buổi học thực tế, hướng nghiệp giúp chúng em có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng mềm. Đồng thời, chúng em thêm hiểu rõ hơn về mỗi ngành nghề của cuộc sống, bản thân cũng xác định được về ngành nghề mà mình muốn theo đuổi. Em rất mong là nhà trường sẽ có thêm nhiều những buổi học trải nghiệm thực tế thú vị như vậy trong tương lai”, Tiến cho biết.
Theo cô Dương Linh Nhâm, Tổ trưởng Tổ hoạt động trải nghiệm Trường Tiểu học, THCS & THPT Việt - Nhật, trong chương trình trải nghiệm thực tế, định hướng nghề nghiệp, nhà trường cũng tổ chức cho học sinh tìm hiểu về các ngành nghề như trải nghiệm thực tế tại nông trại, các xí nghiệp, cơ sở sản xuất.
“Với nhiều học sinh ở thành phố, việc được tham gia các hoạt động nông nghiệp như trồng trọt, thu hoạch sẽ giúp các em có được nhiều kiến thức thú vị của cuộc sống. Qua các buổi trải nghiệm, các em được có thêm nhiều kỹ năng, tầm nhìn bao quát về nghề truyền thống của thế hệ cha ông. Đó là những nét văn hóa đặc trưng cần gìn giữ và phát triển. Nhà trường sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều lớp học mở với người thật, việc thật như vậy để các em được tiếp xúc và phát triển toàn diện hơn”, cô Nhâm chia sẻ.
HẠ TUYÊN