Chính trị - Xã hội

Hướng tới an sinh xã hội toàn diện

06:09, 03/01/2023 (GMT+7)

Hàng loạt chính sách an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn của thành phố đã được triển khai trong thời gian qua mang lại hiệu quả cao. Hiện thành phố tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách hiện có trên cơ sở kế thừa, phát triển theo hướng ngày càng mở rộng và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, chú trọng đối tượng người có công, đối tượng yếu thế.

Tiếp tục triển khai các chính sách nhân văn

Ban Dân vận Thành ủy trao nhà tình nghĩa cho hộ bà Trần Thị Giỏi, gia đình chính sách tại quận Ngũ Hành Sơn.  Ảnh: NGỌC HÀ
Ban Dân vận Thành ủy trao nhà tình nghĩa cho hộ bà Trần Thị Giỏi, gia đình chính sách tại quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: NGỌC HÀ

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận, đoàn thể, các tổ chức xã hội đã tích cực huy động nguồn lực trợ giúp, chăm lo người có công, người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần bảo đảm các chính sách an sinh, xã hội của thành phố.

Ông Võ Văn Thương (sinh 1965, tổ 32, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) chia sẻ: “Nếu như không có sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể, tôi không có ngôi nhà khang trang hiện nay”. Ông Thương làm nghề xe ôm, nay đã lớn tuổi lại không rành công nghệ nên chạy xe bữa được, bữa không. Vợ và con bỏ đi nhiều năm, một mình ông sống trong ngôi nhà cũ đã xuống cấp. Qua khảo sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thanh Khê Đông vận động các mạnh thương quân 60 triệu đồng xây mới cho ông căn nhà, đoàn thể cũng ủng hộ vật dụng, giúp ông có cuộc sống ổn định.

Tháng 9 vừa qua, hộ bà Trần Thị Giỏi, (trú tổ 51, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), có chồng là liệt sĩ, vui mừng khi được nhận nhà tình nghĩa. Từ số tiền 50 triệu đồng do Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng và 10 triệu đồng do Ban Chỉ huy Quân sự quận Ngũ Hành Sơn hỗ trợ, cùng với sự hỗ trợ của người thân trong gia đình, bà Trần Thị Giỏi có điều kiện xây dựng ngôi nhà mới khang trang, kiên cố. Như vậy, niềm mong ước bấy lâu của gia đình về nơi ở an toàn mỗi mùa mưa bão và nơi thờ cúng liệt sĩ được trang nghiêm, tươm tất đã thành hiện thực.

Trao hỗ trợ kinh phí và quà mừng tân gia cho hộ bà Trần Thị Giỏi, vợ liệt sĩ (trú tổ 51, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: NGỌC HÀ
Trao hỗ trợ kinh phí và quà mừng tân gia cho hộ bà Trần Thị Giỏi, vợ liệt sĩ (trú tổ 51, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: NGỌC HÀ

Theo ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2022, thành phố hoàn thành kế hoạch hỗ trợ sửa chữa, xây mới 732 nhà ở cho người có công với cách mạng với tổng kinh phí 26,85 tỷ đồng; đồng thời tặng quà cho 499/732 hộ sửa chữa, xây mới lần đầu, mỗi hộ 4 triệu đồng.

Đến nay, không còn hộ người có công cách mạng ở nhà tạm, nhà dột nát, 100% hộ gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên so với dân cư nơi cư trú. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người rối nhiễu tâm trí, trẻ tự kỷ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; thành phố còn sửa đổi, nâng mức hỗ trợ cho người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng khó khăn.

Cụ thể, hỗ trợ 20% chi phí khám, chữa bệnh cho người thuộc hộ nghèo chuẩn thành phố, nâng mức hỗ trợ tiền ăn đối với người có công đang được phụng dưỡng tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng từ mức 1.500.000/người/tháng lên mức 2.100.000/người/tháng.

Đặc biệt, triển khai hàng loạt chính sách, giải pháp hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong đó, chính sách hỗ trợ riêng của thành phố cho 95.330 người (gồm nhóm đối tượng đặc thù; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và lao động trong các cơ sở giáo dục công lập) là gần 92 tỷ đồng. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho 98 lượt người sử dụng lao động vay vốn với số tiền hơn 45 tỷ đồng... Ngoài ra, triển khai giai đoạn 1 đề án Xây dựng các khu chung cư xã hội bố trí cho gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2025.

Trên cơ sở định hướng của Trung ương, thành phố ban hành các đề án giảm nghèo theo từng giai đoạn với chuẩn nghèo riêng của thành phố. Trong giai đoạn 2012-2021, thành phố đã 3 lần nâng chuẩn nghèo thành phố cao hơn chuẩn Trung ương quy định; đồng thời ban hành các chính sách đặc thù tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Qua đó, giúp đỡ cho 57.906 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm từ 2% trở lên.

Trong năm 2022, thành phố tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo, rà soát công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố để có kế hoạch định hướng tiếp theo.

Thành phố ban hành các quyết định, nghị quyết triển khai thực hiện, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội, tăng từ 20-30% so với Trung ương, mở rộng các nhóm đối tượng và điều kiện được hưởng. Đặc biệt, ban hành nhiều chính sách đặc thù cho các đối tượng: bộ đội xuất ngũ bị bệnh tâm thần chưa được hưởng chế độ đối với người có công, quân nhân ở các chiến trường B, C, K, người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo thuộc hộ nghèo…

Nâng cao mức sống người dân

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI), thành phố Đà Nẵng đã có nhiều mô hình hay, cách làm tốt, bảo đảm an sinh xã hội. Nổi bật là chương trình “5 không, 3 có”, “thành phố 4 an”… Tiếp nối những thành công này, Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách riêng, mang tính nhân văn, góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo nên thương hiệu Đà Nẵng như: nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội; nâng mức xây mới, sửa chữa nhà ở; mức hỗ trợ bảo hiểm y tế, giáo dục…

Bàn giao nhà đại đoàn kết cho ông Võ Văn Thương (sinh 1965, tổ 32, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê). Ảnh: NGỌC HÀ
Bàn giao nhà đại đoàn kết cho ông Võ Văn Thương (sinh 1965, tổ 32, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê). Ảnh: NGỌC HÀ

Nhằm phát huy nhưng kết quả đạt được, thành phố tiếp tục đưa ra các mục tiêu cụ thể, hướng đến an sinh xã hội toàn diện. Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2030, 100% hộ người có công có mức sống khá trở lên. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 34.000 - 35.000 lao động, đến cuối năm 2025 hạ tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 3%, tỷ lệ việc làm tăng thêm bình quân 4,5 - 5%/năm. Phấn đấu hằng năm giảm 20%/tổng số hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn nghèo đa chiều theo từng giai đoạn; đến cuối năm 2024, không còn gia đình chính sách có công cách mạng thuộc hộ nghèo.

Điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách trợ giúp xã hội, từng bước nâng mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội cao hơn 30-50% so với mức chuẩn Trung ương. Phấn đấu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến năm 2025 đạt 99%, đến năm 2030 đạt 99,5%; tỷ lệ trạm y tế xã, phường thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm đến năm 2025 đạt 100%.

Thành phố sẽ phát triển hệ thống chính sách xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững; tập trung huy động nguồn lực, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia, giám sát, thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, quan tâm đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, y tế; tập trung nguồn lực, kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; tăng cường nguồn lực thực hiện chính sách xã hội, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội.

NGỌC HÀ

.