Chính trị - Xã hội

Kiểm soát giết mổ; mua bán gia súc, gia cầm

13:48, 06/01/2023 (GMT+7)

Trước nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tăng cao dịp giáp Tết, các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố đang tăng cường công suất hoạt động. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành nông nghiệp thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng, các địa phương cùng quản lý, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả các lò mổ cũng như tại các điểm mua, bán.

Ngành nông nghiệp thành phố cần phối hợp với các đơn vị tăng cường quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân vui xuân, đón Tết. Trong ảnh: Tiểu thương và khách hàng mua bán tại chợ Đống Đa, quận Hải Châu. Ảnh: VĂN HOÀNG
Ngành nông nghiệp thành phố cần phối hợp với các đơn vị tăng cường quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân vui xuân, đón Tết. TRONG ẢNH: Tiểu thương và khách hàng mua bán tại chợ Đống Đa, quận Hải Châu. Ảnh: VĂN HOÀNG

Tăng cường kiểm tra

Cuối tháng 12-2022, Phòng Y tế quận Cẩm Lệ phối hợp lực lượng công an kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường và thú y đối với các điểm giết mổ gia cầm trên địa bàn quận. Tại cơ sở của ông N.Đ.Q (trú phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) ở K185 Lê Trọng Tấn, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở không thực hiện đúng quy trình giết mổ động vật theo quy định, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Cụ thể, khu vực làm lòng nằm chung với nơi để thịt; các phế phụ phẩm chứa trong thùng không có nắp đậy… Bên cạnh đó, mẫu xử lý nước thải của lò mổ tại hố ga cuối cùng trước khi thải ra môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 2,21 lần. Công an quận Cẩm Lệ đã ban hành quyết định xử phạt hành chính cơ sở này với tổng số tiền 11 triệu đồng về các vi phạm trên; đồng thời, yêu cầu cơ sở  phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả khắc phục hậu quả trong thời gian quy định.

Theo Phó trưởng phòng Y tế quận Cẩm Lệ Thái Thanh Sơn, trên địa bàn quận có 2 cơ sở giết mổ tại phường Hòa Thọ Tây và Hòa Phát; 6 chợ dân sinh phân bố tại các phường. Phòng Y tế phối hợp Ban quản lý các chợ quận Cẩm Lệ kiểm tra 6 chợ trên địa bàn và yêu cầu các hộ tiểu thương trong chợ, xung quanh chợ ký cam kết thực hiện các quy định về vệ sinh ATTP; qua đó, tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kiến thức về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. “Thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp các lực lượng thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra và giải quyết các ý kiến phản ánh của công dân đối với những vấn đề về vệ sinh ATTP trên địa bàn”, ông Sơn cho hay.

Được biết, toàn thành phố hiện có 8 cơ sở giết mổ động vật do Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp Đà Nẵng (thuộc Chi cục Nông nghiệp) quản lý. Cụ thể gồm: Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Đà Nẵng; Cơ sở giết mổ HTX Hòa Thọ Tây; Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thuộc Công ty TNHH Quyền Chanh; Cơ sở giết mổ Hòa Phong; Cơ sở giết mổ Hòa Tiến; Cơ sở giết mổ của HTX Nông nghiệp Hòa Phước; Cơ sở giết mổ bò Lâm Thị Lệ Thu; Cơ sở giết mổ gia cầm Hà Sính - Kim Anh… 

Bà Lê Thị Kim Loan, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp Đà Nẵng cho biết, các cơ sở giết mổ đang tăng công suất để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Vì vậy trung tâm tăng cường lực lượng thực hiện công tác kiểm soát giết mổ ban đêm; tăng thời gian và số lần kiểm tra tại các cơ sở. Đến nay, tình hình giết mổ gia súc, gia cầm tại các cơ sở vẫn được kiểm soát tốt, việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ trước khi vào các cơ sở được lực lượng thực hiện kỹ càng, chặt chẽ. Ngoài ra, trung tâm đang phối hợp các địa phương, ban, ngành liên quan kiểm tra vệ sinh thú ý, ATTP, đặc biệt là trong và xung quanh các chợ trên địa bàn thành phố.

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo Chi cục Nông nghiệp, để bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và ATTP tại các cơ sở giết mổ, chi cục có văn bản yêu cầu các cơ sở triển khai công tác kiểm tra, rà soát các hạng mục, nhà xưởng tại các sơ sở, nhanh chóng khắc phục các hư hỏng, xuống cấp để bảo đảm ATTP trong quá trình giết mổ. Đặc biệt kiểm tra trang thiết bị, dụng cụ giết mổ và bổ sung đối với: bàn sạp, thùng chứa…; sắp xếp đúng nơi quy định, bảo đảm vệ sinh thú ý và các điều kiện vệ sinh môi trường.

Để bảo đảm ATTP nói chung và đối với sản phẩm thịt, gia súc, gia cầm nói riêng, nhất là trong dịp Tết , Ban Quản lý ATTP  thành phố  triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ thanh tra, kiểm tra đến tuyên truyền bằng nhiều hình thức, ứng dụng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm giai đoạn 1…

Đến nay, ban quản lý đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh số lượng lớn, tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, các mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết . Đồng thời, đề nghị các địa phương, ban quản lý các chợ tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền nhằm bảo đảm ATTP , nhất là đối với mặt hàng tiêu thụ số lượng lớn, nguy cơ cao như thịt gia súc, gia cầm, rượu, bia, bánh, mứt, kẹo…

Đối với các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, Trưởng Ban quản lý ATTP thành phố Nguyễn Tấn Hải khuyến cáo người dân nên chọn mua sản phẩm chất lượng, có dấu kiểm dịch thú y và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở uy tín, đủ điều kiện ATTP, đặc biệt là tại các cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại đã tham gia sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Bên cạnh đó, không sử dụng sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu hư hỏng để bảo đảm sức khỏe của bản thân và gia đình; bảo quản các sản phẩm thịt đúng hướng dẫn của nhà cung cấp và cơ quan chuyên môn để bảo đảm dinh dưỡng và ATTP…

“Ban quản lý sẽ tiếp tục ra quân và phối hợp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chợ đầu mối nông sản, thủy sản, chợ truyền thống. Khi phát hiện các vi phạm về giết mổ, sản xuất, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, người dân có thể phản ánh đến ban quản lý thông qua đường dây nóng hoặc Tổng đài 1022”, ông Nguyễn Tấn Hải thông tin thêm.

Theo số liệu thống kê Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp Đà Nẵng, mỗi ngày các cơ sở giết mổ cung cấp ra thị trường khoảng 1.200-1.300 con heo, 50-55 con bò, 5.000 con gia cầm. Trước nhu cầu sử dụng thịt của người dân tăng mạnh dịp giáp Tết, dự báo số lượng gia súc, gia cầm giết mổ tại các cơ sở sẽ tăng theo, cụ thể cung ứng 1.700-2.000 con heo/ngày; 70-75 con bò/ngày; 5.500-6.000 gia cầm/ngày.

VĂN HOÀNG

.