Tất niên xóm gắn kết cộng đồng

.

Cuối năm, gia đình nào cũng làm một mâm cơm thịnh soạn trước để cúng tổ tiên, sau con cháu gặp gỡ sum vầy tiễn năm cũ, đón năm mới cầu mong phúc lộc đầy nhà. Những năm trở lại đây, cúng tất niên xóm đang trở thành một nét đẹp văn hóa về tình làng nghĩa xóm mỗi khi Tết đến, xuân về.

Một mâm cúng tất niên tại một khu chung cư thuộc phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). Ảnh: TRỌNG HUY
Một mâm cúng tất niên tại một khu chung cư thuộc phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). Ảnh: TRỌNG HUY

Trưởng thôn Quang Châu, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) Trần Văn Trọng chia sẻ, mỗi “xóm” gồm những người quần sinh trong một khu vực nhất định, thường chọn khu vực có các miếu âm linh của xóm (nếu có) làm tâm điểm. Việc góp lễ cũng hoàn toàn tự nguyện, tự giác nhưng có hẳn một ban của xóm phụ trách công tác tổ chức lễ và các việc liên quan khác. Những người đứng ra cúng lễ thường là các vị cao niên có uy tín trong xóm.

Làng cổ Quang Châu có tuổi đời khoảng 500 năm, có hơn  1.200 hộ, là thôn có số hộ cấp thôn, tổ đông nhất thành phố. Về làng quê này dịp cuối năm, cảm nhận rất rõ không khí an bình, lòng người chộn rộn đón chờ năm mới sắp đến. Cả năm lo làm ăn, ít có dịp mọi người ngồi lại với nhau. Tất niên xóm, vừa là nét văn hóa nhớ ơn tiền nhân khai khẩn lập làng nơi mình đang cư trú, vừa là dịp tổ chức bữa cơm đoàn kết cuối năm của cả xóm.

Theo tinh thần tự nguyện, ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, hộ khó khăn thì bà con không cho góp nhưng yêu cầu phải tham gia. “Cúng xong, mọi người trong xóm quây quần bên mâm cơm, ôn cố tri tân, chúc nhau năm mới bình an, may mắn. Bà con chúng tôi cũng có dịp nhắc nhở con cháu luôn gìn giữ nếp làng, thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, không vi phạm pháp luật”, ông Trọng nói.

Bí thư thôn Lệ Sơn Bắc, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) Nguyễn Thị Nhất chia sẻ, dịp tất niên xóm là để mọi người cúng tạ đất đai, các bậc bề trên phù hộ một năm mưa thuận, gió hòa, bà con lối xóm sống hòa thuận. Dịp để mọi người gặp gỡ, bày tỏ tình cảm, tình thân, đoàn kết xóm làng với nhau. Nhất là trong điều kiện đô thị hóa mạnh mẽ và sự tác động quan hệ ảo qua mạng internet ảnh hưởng có phần tiêu cực lên lớp trẻ.

Mỗi độ xuân về, xóm Nại Hưng (khu vực Nại Hưng 1A, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) lại tất tả lo cho công tác lễ cúng tất niên xóm. Đây là xóm mới được hình thành gần 20 năm nay, sau khi công tác quy hoạch gần như toàn diện phường Nại Hiên Đông hoàn thành. Ông Lê Thanh Dũng, một người dân ở tổ dân phố 37 khu vực này cho biết, ngày mới thành lập xóm, người ở còn thưa thớt, nên các hộ cùng nhau cúng xóm về một mối. Nay người về ở đã đông dần lên, nên các xóm nhỏ đã thống nhất chia theo tuyến đường chính của xóm để cúng tất niên. Việc tách ra theo từng xóm nhỏ hơn cũng thuận lợi, gọn gàng và phù hợp trong tình hình mới.

Đi khắp các vùng quê, khu dân cư trên địa bàn thành phố những ngày này, không khí chuẩn bị cúng tất niên xóm cứ rộn ràng khi cận những ngày giáp Tết Nguyên đán. Nhìn những cụ ông trong khăn đóng, áo dài nghiêm trang, chắp tay thành kính hướng về mâm lễ cúng tất niên xóm, họ như gánh hết niềm tin gửi gắm của cả dân làng ở phía sau lên các bậc tiền nhân, bậc bề trên để mong sao các vị phù hộ dân làng, xóm mới, xóm cũ một năm bình an, thuận hòa trên dưới đồng lòng.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân cho biết, theo lệ, cúng xóm thường tổ chức hai lần trong năm, vào lễ tất niên và lễ tế xuân sau Tết. Cúng xóm thể hiện tín ngưỡng dân gian thờ thần, mang bản sắc tâm linh nhưng mục tiêu hướng đến là cuộc sống thế tục rất đỗi bình dị, nhân văn. Lệ này hiện nay đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, từ vùng quê cho đến phố thị.

Lễ cúng xóm trước tiên là cúng đất để tạ ơn thổ địa, thần hoàng, các vị tiền nhân có công khai đất, lập làng, sau đó là tưởng nhớ các chiến sĩ trận vong và những người đã khuất... Đối với mục đích mang sắc thái tâm linh, là họ xin các thế lực bề trên (siêu nhiên) phù hộ cho gia đình, con cái được mạnh khỏe, hạnh phúc, các hộ trong xóm làm ăn phát đạt, đoàn kết, yêu thương quý trọng nhau. Xa hơn nữa, là cầu mong cho mọi gia đình, mọi người được quốc thái, dân an.

“Ngày nay có nhiều xóm mới không có miếu Thần hoàng, nhưng vẫn đều đặn cúng một năm hai lần. Cúng xóm ngày nay không phải và không hề là một hình thức mê tín. Nó không ép buộc ai tham gia, mà là nhu cầu tự thân của mỗi người, mỗi nhà trong đời sống tín ngưỡng của họ. Ngày cúng xóm thực sự là ngày hội của xóm, xóa bỏ mọi ranh giới, khoảng cách. Đó là nét đẹp văn hóa giàu tính nhân văn, giúp cho việc gìn giữ văn hóa làng xưa của người Việt, bất kể ở nông thôn hay ở phố thị”, ông Tân nói.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.