Tết ấm áp của trẻ em mồ côi

.

“Năm nào cũng vậy, đón Tết ở đây, chúng em không chỉ nhận được quần áo mới, tiền lì xì, bánh mứt, mà ấm áp nhất là tình cảm, yêu thương của một gia đình lớn”. Đó là lời tâm sự của em Trương Thị Ái Phương (SN 2005), trú tại Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) khi nói về niềm vui háo hức khi Tết Quý Mão đang đến.

Các em nhỏ tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh chưng, bánh tét.  Ảnh: X.HẬU
Các em nhỏ tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh chưng, bánh tét. Ảnh: X.HẬU

Thấu hiểu và sẻ chia

Những ngày này, tại Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai, công việc tổng dọn vệ sinh để chuẩn bị đón Tết Quý Mão 2023 tất bật. Các cán bộ, nhân viên phục vụ cùng 30 trẻ em mồ côi đang được nuôi dưỡng ở đây, không ai bảo ai, các em nhỏ ở đây mỗi người một tay, phụ giúp nhau từ giặt giũ, đến lau dọn.

Em Trần Thị Thủy Truyền (SN 2005) vui vẻ chia sẻ: “Chúng em cùng dọn dẹp ngôi nhà chung này để đón năm mới. Cảm giác Tết cận kề khiến mọi người ai cũng phấn khởi, vui tươi, hạnh phúc. Mọi người cùng nhau dọn dẹp, được phụ các cô gói bánh chưng, bánh tét, có mâm cơm tất niên để quây quần bên nhau, được các cô cho đi sắm quần áo mới...”.

Còn với Trương Thị Ái Phương, hơn 12 năm đến với ngôi nhà chung này, em đã quen với không khí Tết đong đầy yêu thương. Ba mất khi em vừa tròn 2 tuổi, một mình mẹ đau ốm, chật vật không thể nuôi được 5 người con nên em được gia đình trao gửi đến vòng tay yêu thương của các cô tại trung tâm.

“Mọi người luôn cho em cảm giác là gia đình, bởi chúng em luôn được quan tâm chăm sóc. Các cô dẫn đến tận nơi để bọn em được lựa chọn áo quần mới. Hơn nữa, các cô còn chuẩn bị những phần quà cho em tranh thủ vài ngày nghỉ Tết về thăm người thân, thắp hương cho bố”, Phương chia sẻ.

Theo Giám đốc Trung tâm Nguyễn Thị Phương Linh, mong muốn của trung tâm không chỉ chăm lo cho các em Tết đủ đầy, mà còn là không khí gia đình, nơi được yêu thương, được tự do bày tỏ điều mình mong muốn. Chị Linh vốn là trẻ mồ côi trưởng thành dưới mái nhà của trung tâm nên luôn thấu hiểu và dành nhiều tình cảm cho nơi này.

“Những ngày này, với những người đi làm, đi học xa quê ai cũng mong muốn được về nhà. Với các em, được trở về mảnh đất “chôn rau, cắt rốn” thắp nén nhang cho bố mẹ, gặp những người thân là niềm vui, niềm động viên rất lớn. Vì vậy, trung tâm luôn chuẩn bị những phần quà và tạo điều kiện để các em được về thăm người thân”, chị Linh nói.

Cảm nhận sự ấm áp của gia đình

Trong khi đó, tại Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), các em nhỏ không giấu nổi cảm xúc vui mừng của mình khi Tết đang cận kề. Em Trần Thu Hà (SN 2006) chia sẻ: “Mỗi lần Tết đến em vui lắm, có mẹ Nhì sắm áo quần mới rồi còn cho em tiền lì xì. Chúng em còn tự tay trang trí trung tâm vào ngày Tết, cùng sum vầy bên nhau ăn liên hoan rồi ca hát, nhảy múa. Vì vậy vơi bớt nỗi nhớ nhà và thực sự rất hạnh phúc khi có các mẹ ở đây. Dẫu vậy, ước mơ của em vẫn muốn được cùng ba, mẹ đón Tết”.

Mẹ Nhì chính là bà Trần Thị Nhì, Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi, người đã dành 22 năm để chăm lo cho các con từng miếng ăn, giấc ngủ, xem các con không khác gì khúc ruột của mình. Hiện nay, trung tâm đang nuôi dưỡng 13 em, các em nằm trong độ tuổi từ sơ sinh đến 16 tuổi.

Chị Trần Thị Chi (xã Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) nhân viên bảo mẫu tại trung tâm với 15 năm đồng hành cùng các em chia sẻ: “Dường như năm nào cũng vậy, tôi luôn ở lại trung tâm từ đêm 30, mồng 1 và mồng 2 Tết để được đón Giao thừa cùng các con. Tôi muốn ở bên các con vào khoảnh khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới để cảm nhận niềm hạnh phúc, sự yêu thương nhân ngày đầu năm mới”.

Bà Trần Thị Nhì cho biết, trong năm nay, trung tâm vận động nhiều đơn vị, các nhà hảo tâm với tổng kinh phí 771 triệu đồng. Với số tiền này, trung tâm trang bị đầy đủ các vật dụng cần thiết cho các em như tã, sữa, áo quần… Trung tâm đã mua sắm quần áo mới, bánh kẹo mang đến cho các em một cái Tết đầy ắp niềm vui.

“Dịp Tết đến, Xuân về là thời điểm mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng mong đợi áo có quần mới, được bố, mẹ đưa đi chơi xuân, về quê chúc Tết ông bà. Những đứa trẻ ở trung tâm không may mắn như vậy, nhưng với tình yêu của một người mẹ, tôi không bao giờ để các con của mình chịu thiệt thòi. Chúng tôi làm một mâm cơm tất niên vào ngày 25 tháng Chạp, cùng nhau trang trí tạo nên không khí ngày Tết để trung tâm nhộn nhịp và thật ấm cúng, giúp các con cảm nhận đây chính là gia đình của mình”, bà Nhì trải lòng.

XUÂN HẬU - THIÊN AN

;
;
.
.
.
.
.