Tết của xóm chạy thận

.

ĐNO - Những ngày cận Tết Nguyên đán 2023, khắp phố phường Đà Nẵng rực rỡ cờ hoa, người dân nô nức đi mua sắm, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón năm mới. Thế nhưng, trái ngược với không khí bên ngoài, ở “xóm chạy thận” (144/10 Hải Phòng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu), không khí nơi đây vào những ngày cận Tết khá buồn, chỉ thấy những bức tường nhạt màu, những ánh mắt xa xăm cùng với tiếng thở dài, rất khẽ!

Với những người bệnh tại “xóm chạy thận”, Tết là lúc nổi lo nâng lên vài phần. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Tám (phải) và bà Ngô Thị Cúc (trái) nhặt rau chuẩn bị bữa trưa. Ảnh: XD
Với những người bệnh tại “xóm chạy thận”, Tết là lúc nỗi lo nâng lên vài phần. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Tám (phải) và bà Ngô Thị Cúc (trái) nhặt rau chuẩn bị bữa trưa. Ảnh: XD

Với nhiều người, Tết là thời gian sum vầy, gác lại lo toan, nhưng với những người bệnh tại “xóm chạy thận”, Tết là lúc nỗi lo nhiều hơn. Ở đây, có người không thể về đón Tết cùng gia đình vì xa nhà, kinh tế khó khăn và đặc thù căn bệnh phải đến bệnh viện đều đặn 3 lần/tuần để chạy thận. Có chăng, họ cũng chỉ là tranh thủ chút thời gian ít ỏi về nhà được 1-2 ngày rồi phải trở lại Đà Nẵng, không được hưởng trọn một cái Tết đầm ấm bên gia đình, người thân.

Đang chuẩn bị bữa cơm trưa, bà Ngô Thị Cúc (66 tuổi, quê thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cho biết, “xóm chạy thận” có 6 phòng, mỗi phòng vỏn vẹn 15m2 với tổng cộng 17 người sinh sống. Bên cạnh những chiếc giường có sẵn, bệnh nhân còn xếp thêm những tấm nệm để đủ cho 4-5 người ở trong một phòng. Tại đây, người nhỏ tuổi nhất là 34 tuổi, còn người lớn tuổi nhất đã ngoài 83, chủ yếu đều là người Quảng Nam.

Đa phần, những bệnh nhân chạy thận có hoàn cảnh khó khăn. Một người bệnh không thể chi trả tiền phòng 4 triệu đồng/tháng, nên liên hệ với nhau cùng ở ghép để tiết kiệm chi phí. “Bên cạnh tiền trọ, chúng tôi còn phải lo chi phí thuốc thang khoảng 2 triệu) và ăn uống nên rất tốn kém. Trong khi đó, sức khỏe vốn yếu nên chúng tôi không thể làm gì kiếm ra tiền. Vì vậy, tâm lý ai cũng sợ Tết”, bà Cúc chia sẻ.

Những người trong
Những người trong xóm chạy thận tuy không họ hàng thân thiết, nhưng có chung hoàn cảnh nên dễ đồng cảm, gần gũi như người trong gia đình và sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với nhau. Trong ảnh: Người trong xóm trọ giúp đỡ những người lớn tuổi việc ăn uống. Ảnh: XD

Ròng rã 10 năm chạy thận, hơn 3 năm gắn bó với “xóm chạy thận” này, ông Lê Đại Mười (68 tuổi, quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) ngậm ngùi: vợ ở quê cũng đã gần 70 tuổi, còn các con thì ở xa, hoàn cảnh khó khăn. Lâu nay, các khoản chi phí cho chạy thận đã được BHYT hỗ trợ, còn lại, chủ yếu ông chỉ sống nhờ vào sự giúp đỡ của mạnh thường quân và bà con trong xóm.

Năm 2019, trước khi có Covid-19, ông thuê được chỗ ở trong Bệnh viện Đà Nẵng với chi phí rẻ, chỉ 400.000 đồng nên đỡ lo lắng về tiền. Hiện nay, mỗi người dù ở ghép vẫn phải tốn hơn 1 triệu tiền trọ nên đời sống khó khăn hơn, có gì ăn nấy duy trì qua ngày. “Nếu có tiền, chúng tôi dự định 28, 29 Âm lịch sẽ về quê ăn Tết, thắp hương cho tổ tiên. Sau đó, tranh thủ khoảng mồng 1, mồng 2 ra Đà Nẵng lại để chạy thận.

Thực sự, với những người mang căn bệnh này, mong ước được ăn Tết an vui như người bình thường xa xỉ lắm. Tết cũng như ngày thường mà thôi”, ông Mười bày tỏ. Mải miết với những lo cơm áo gạo tiền, cơn đau bệnh tật hành hạ, ý niệm về ngày lễ, Tết của những người tại “xóm chạy thận” khá mờ nhạt.

Thâm niên gần 4 năm sinh sống tại “xóm chạy thận”, bà Nguyễn Thị Tám (48 tuổi, quê huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết, những người ở đây không tổ chức tất niên hay trang trí Tết. Khi các đoàn từ thiện tới, họ biếu bánh chưng, xem như có Tết rồi. Sau mỗi lần chạy thận xong, cơ thể ai cũng mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi nên chẳng thể làm việc gì. Vì vậy, vào thời gian rảnh, những người trong xóm chỉ quây quần, kể chuyện, tâm sự cho nhau nghe. Đồng thời, động viên nhau cố gắng vượt qua bệnh tật.

Bà Tám cho biết, cách đây khoảng 1 tuần, Bệnh viện Đà Nẵng tổ chức chương trình “Xuân yêu thương”, tặng quà cho những bệnh nhân khó khăn, trong đó có bệnh nhân chạy thận. Mỗi phần quà gồm tiền mặt và hiện vật, một số nhu yếu phẩm. “Món quà tuy không lớn nhưng chứa đựng tình cảm, sự quan tâm của bệnh viện đối với chúng tôi. Khi nhận được quà, chúng tôi cảm thấy được an ủi và ấm lòng hơn nhiều trong những ngày Tết đến”, bà Tám chia sẻ.

Mỗi dịp Xuân về, những người trong “xóm chạy thận” đều mong ngóng về quê nhưng ai cũng chạnh lòng vì sức khỏe yếu, khó khăn khi di chuyển và phải quay lại bệnh viện sớm, không thể ăn một cái Tết trọn vẹn. Cùng quê Thăng Bình với bà Nguyễn Thị Tám, ông Lê Tiến (54 tuổi) chia sẻ, những người trong "xóm chạy thận" tuy không họ hàng thân thiết nhưng có chung hoàn cảnh nên dễ đồng cảm, gần gũi như người trong gia đình và sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với nhau. Từ lâu, xóm trọ 144/10 Hải Phòng này đã trở thành mái nhà thứ 2 của những bệnh nhân chạy thận. “Tết đến, chúng tôi chỉ cầu mong duy trì được tình trạng bệnh ổn định. Thế là tốt lắm rồi!”, ông Tiến rưng rưng nói.

THIÊN DUYÊN
;
;
.
.
.
.
.