Chính trị - Xã hội
Đại tá, nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng, người con của Đà Nẵng qua đời
Vào lúc 3 giờ 10 phút ngày 9-2-2023 (nhằm ngày 19 tháng Giêng năm Quý Mão), tại nhà riêng số 2 đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Đại tá, nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng đã ra đi về cõi vô cùng, thọ 94 tuổi.
Ông Bùi Văn Tùng (bên trái) - Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 cùng nhà báo Borries Gallasch (Đức) tại sân Dinh Độc Lập, Sài Gòn trưa 30-4-1975. Ảnh tư liệu, chụp lại |
Bùi Văn Tùng sinh ngày 4-2-1930 tại làng Nại Hiên Tây nay thuộc phường Bình Hiên, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là cựu học sinh Trường Trung học Chấn Thanh - một trường trung học tư thục ở Tourane do nhà giáo Phan Bá Lân, con trai chí sĩ Phan Thành Tài thành lập vào đầu thập niên 1940. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hòa cùng khí thế cách mạng của nhân dân thành phố Thái Phiên, Bùi Văn Tùng hăng hái tham gia hoạt động tự vệ địa phương và sớm trở thành một người con của Đà Nẵng xa quê khi xung phong vào bộ đội từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.
Là người lính Cụ Hồ đồng hành với Tổ quốc và nhân dân suốt hai cuộc trường chinh gian lao mà anh dũng để giành độc lập tự do, mãi đến năm 1975, cùng với những chiếc xe tăng và những người lính xe tăng của Lữ đoàn 203 xe tăng Quân Giải phóng thuộc Quân đoàn 2 thần tốc tiến vào giải phóng Đà Nẵng, nhanh chóng đập tan căn cứ quân sự lớn thứ nhì của đối phương, Trung tá Bùi Văn Tùng, trên cương vị Chính ủy Lữ đoàn, mới trở lại thành phố quê hương chôn nhau cắt rốn vào ngày-hăm-chín-tháng-ba sau mấy mươi năm xa cách, và ngay sau đó đã phải tiếp tục cùng đồng đội rong ruổi cuộc trường chinh tiến về Sài Gòn - và chỉ hơn ba mươi ngày sau đã kịp thời có mặt trước cổng Dinh Độc Lập, đúng vào thời điểm 11 giờ 30 phút ngày-ba-mươi-tháng-tư, để rồi đường hoàng bước vào phòng khánh tiết trong Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, vinh dự trở thành chứng nhân lịch sử.
Nhân danh các đơn vị quân đội cách mạng tấn công Dinh Độc Lập, Chính ủy Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 cũng thuộc Quân đoàn 2 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, buộc Tổng thống, Đại tướng Dương Văn Minh đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn; rồi cũng chính người Đà Nẵng dạn dày chiến trận này đã thảo và đích thân đọc lời tiếp nhận sự đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh: “Tôi, Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203, đại diện lực lượng quân giải phóng miền Nam, đơn vị chiếm Dinh Độc Lập long trọng tuyên bố: thành phố Sài Gòn đã được hoàn toàn giải phóng. Chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn”. Ngày 16-5-1975, khi Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đến Dinh Độc Lập để thăm năm cánh quân đánh chiếm Sài Gòn, Chính ủy Bùi Văn Tùng vinh dự được thay mặt quân đội báo cáo quá trình tiếp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Dương Văn Minh và được Bác Tôn ôm hôn khen ngợi.
Cuộc đời binh nghiệp của Bùi Văn Tùng hầu như gắn với binh chủng Tăng-Thiết giáp, bởi sau ngày đất nước thống nhất, có thời gian Bùi Văn Tùng được phân công về huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai làm Phó Hiệu trưởng về Chính trị của Trường Hạ sĩ quan xe tăng 1 thuộc Bộ Tư lệnh Tăng-Thiết giáp. Sau khi rời quân ngũ vào năm 1983 với quân hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhiều năm liền người đảng viên lão thành Bùi Văn Tùng vẫn tiếp tục tham gia công tác xây dựng Đảng ở địa phương nơi cư trú, từng đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy rồi Bí thư Đảng ủy phường 6 thuộc quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Bùi Văn Tùng đã được nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, Huân chương Quân công hạng Nhì và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất.
Bài báo này như một nén tâm nhang thành kính thắp lên để tưởng nhớ người con Đà Nẵng xa quê Bùi Văn Tùng, cũng là một nhân chứng lịch sử được tận mắt chứng kiến giây phút cáo chung của chính quyền Sài Gòn vào cuối tháng 4 năm 1975, cũng là phút giây chấm dứt hai mươi năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
BÙI VĂN TIẾNG