Chính trị - Xã hội

Không khí lạnh gây rét đậm tại trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ

14:22, 13/02/2023 (GMT+7)

Đề cập đến các hình thái thời tiết trong nửa cuối tháng 2-2023, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) cho biết, nửa cuối tháng 2-2023, không khí lạnh có cường độ mạnh hơn và có khả năng gây những đợt rét, rét đậm ở các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, đề phòng khả năng xảy ra băng giá tại khu vực vùng núi cao.

Theo dự báo, nửa cuối tháng 2/2023, không khí lạnh có cường độ mạnh hơn và có khả năng gây những đợt rét, rét đậm ở các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Ảnh: TTXVN
Theo dự báo, nửa cuối tháng 2-2023, không khí lạnh có cường độ mạnh hơn và có khả năng gây những đợt rét, rét đậm ở các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, từ đêm 13 và ngày 14-2, Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế trời chuyển rét, vùng núi có nơi rét đậm. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 14-17 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 10-13 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 8 độ C; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế phổ biến 16-19 độ C. Từ ngày 18-22-2, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa nhỏ rải rác. Trời rét, riêng ngày 19-2 đêm và sáng trời rét.

Ngoài ra, mưa trái mùa đã xuất hiện tại các địa phương phía Nam gây nhiều khó khăn cho người dân nơi đây.

Trong những ngày vừa qua, những cơn mưa lớn trái mùa xuất hiện liên tiếp tại tỉnh Bạc Liêu, khiến nhiều người dân đối mặt với nguy cơ “trắng tay”. Vì vậy, người dân mong muốn các ngành chức năng tìm giải pháp hỗ trợ để tiếp tục duy trì và phát triển nghề truyền thống của địa phương.

Mưa trái mùa cũng đã xuất hiện tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh làm ảnh hưởng tới sản xuất trên địa bàn các tỉnh, thành phố, gây khó khăn trong việc lưu thông, di chuyển của người dân, giao thông ùn ứ tại một số tuyến đường.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tại khu vực phía Nam, rãnh áp thấp xích đạo vẫn tiếp tục có khả năng hoạt động và mưa có xu hướng gia tăng trong những ngày tới  tại các tỉnh, thành phố.

Cùng với đó, trong tháng 2, khu vực ven biển Trung Bộ (các tỉnh từ Phú Yên trở vào phía Nam) và ven biển Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện nước dâng do gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh (độ cao nước dâng do gió mùa khoảng 0,15 - 0,25m với xác suất khoảng 70%).

Trên biển, từ đêm 13-2, do ảnh hưởng của không khí lạnh, vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển khu vực Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Từ đêm 14-2, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực giữa Biển đông và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây khu vực Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9.

Các đợt không khí lạnh từ tháng 2 đến 3-2023 có khả năng gây sóng cao 3-5 m cho toàn bộ vùng biển từ Bắc vào Nam, riêng vùng biển Cà Mau - Kiên Giang sóng biển phổ biến dao động trong khoảng 1-2m.

Để chủ động ứng phó với rét, rét đậm, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo để thông báo, hướng dẫn kịp thời; không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người như tại một số địa phương trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm; hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản; che phủ, che chắn, tưới nước, bón phân, giữ ẩm đối với sản xuất lúa, rau màu, cây cảnh, cây lâu năm.

Ngoài ra, các địa phương chủ động thông báo, hướng dẫn cho khách du lịch, tăng cường cảnh báo trên các tuyến đường có khả năng xảy ra băng giá, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông,...

Theo TTXVN

.