Chính trị - Xã hội

Phản hồi bài viết "Bỏ sổ hộ khẩu, chưa giảm phiền hà": Sớm liên thông được dữ liệu để tạo thuận lợi cho nhân dân

09:12, 27/02/2023 (GMT+7)

Sau bài viết “Bỏ sổ hộ khẩu, chưa giảm phiền hà” đăng ngày 24-2, Báo Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận ý kiến phản hồi xoay quanh vấn đề phát sinh phiền hà khi bỏ sổ hộ khẩu nhưng phải làm thêm xác nhận cư trú.

Người dân đến yêu cầu xác nhận cư trú tại Công an phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu). Ảnh: T.H
Người dân đến yêu cầu xác nhận cư trú tại Công an phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu). Ảnh: T.H

Sớm đẩy nhanh việc liên thông dữ liệu quốc gia về dân cư

Chủ tịch UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) Đinh Hữu Phúc cho rằng, khi không còn sổ hộ khẩu nhưng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương thì việc khai thác, sử dụng vẫn chưa có hiệu quả, dẫn đến người dân muốn thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến sổ hộ khẩu buộc phải có xác nhận cư trú mới bảo đảm thủ tục. Vì vậy, cần phải sớm liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tạo thuận lợi cho nhân dân.

Theo luật, hiện nay sổ hộ khẩu đã hết hiệu lực, do đó không được phép yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu khi thực hiện TTHC liên quan, đồng thời, trong quá trình thực hiện giao dịch liên quan, nhiều người dân đã được cơ quan công an thu hồi sổ hộ khẩu theo quy định. Do đó, để tạo thuận lợi cho người dân, cũng nhằm giảm áp lực cho công an cơ sở, tốt nhất là cần có cách làm mới, làm nhanh trong việc liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ người dân tốt nhất, tránh phát sinh thêm thủ tục phiền hà.

Chưa đồng bộ thì nên duy trì hiệu lực của sổ hộ khẩu

Ở một quan điểm khác, ông Nguyễn Thanh Hà, trú tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cho rằng, nếu sổ hộ khẩu hết hiệu lực, nhưng thẻ căn cước công dân (CCCD) chưa thể thay thế được sổ hộ khẩu ngay thì cần xem xét tiếp tục duy trì hiệu lực của sổ hộ khẩu cho đến khi thực sự đồng bộ, bảo đảm khai thác dữ liệu công dân từ thẻ CCCD. “Khi chưa đồng bộ, cũng nên duy trì một thời gian nhất định để công dân tiện liên hệ và yêu cầu giải quyết các thủ tục cần thiết, bớt gây phiền hà cho công dân”, ông Hà nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, ông Trịnh Quốc Dũng, trú phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) cho biết, để đăng ký khai sinh cho con ông lên phường làm thủ tục, cán bộ tư pháp - hộ tịch của phường yêu cầu phải có xác nhận cư trú mới bảo đảm hồ sơ. Ông qua Công an phường xin xác nhận cư trú và phải đợi đến ngày hôm sau mới có giấy xác nhận hoàn chỉnh. “Như vậy, phải mất đến 2 ngày tôi mới hoàn thiện hồ sơ để có thể đăng ký khai sinh cho con. Trong khi nếu sổ hộ khẩu còn hiệu lực, tôi chỉ cần mang theo sổ và lên làm thủ tục đăng ký ngay tại phường mà không cần xác nhận gì thêm, chắc chắn sẽ không quá một ngày kể cả chờ chữ ký lãnh đạo địa phương”, ông Dũng nói.

Lẽ ra nên thí điểm trước

Ông Hà Văn Thắng, trú tại phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng, bây giờ người dân muốn đi làm TTHC liên quan, nhất thiết phải bỏ túi giấy xác nhận cư trú (có hiệu lực chỉ trong vòng 30 ngày), rất là phiền hà, nhiêu khê. Phía Công an phường cũng áp lực, mệt mỏi vì theo yêu cầu của người dân phải cung cấp giấy xác nhận. “Tôi nghĩ, lẽ ra ngành Công an nên hoàn chỉnh việc kiểm định cơ sở dữ liệu trước. Sau khi thí điểm hoàn thiện, tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm, gỡ các vướng mắc, khắc phục bất cập khi thí điểm để hoàn chỉnh các phương thức. Sau đó, triển khai đồng bộ, đại trà một cách đồng bộ, chính xác rồi mới bỏ sổ hộ khẩu thì sẽ tiện cho cả cơ quan chức năng và người dân hơn rất nhiều”, ông Thắng nói.

Thêm áp lực, phát sinh phiền hà

Ở góc độ công an cơ sở, Thiếu tá Nguyễn Thị Nhung, Phó trưởng Công an phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cho rằng, việc sổ hộ khẩu hết hiệu lực từ ngày 1-1-2023 là theo quy định của Luật Cư trú năm 2020. Bình quân mỗi ngày, Công an phường xác nhận hơn 20 giấy xác nhận cư trú cho công dân. Ngoài cán bộ tiếp nhận hồ sơ, chỉ huy đơn vị cũng phải trực cùng để kiểm tra, đối chiếu và ký xác nhận (bắt buộc). Dù dữ liệu có sẵn trên máy và được đồng bộ vào cơ sở dữ liệu, tuy nhiên, giấy xác nhận cư trú yêu cầu phải có chữ ký tươi của chỉ huy đơn vị mới có hiệu lực.

Do đó, với việc phát sinh thêm thủ tục xác nhận cư trú như hiện nay tạo áp lực đáng kể cho công an địa phương, phát sinh nhiều hệ lụy đi kèm từ tiền bạc (in ấn và các vấn đề liên quan), nguồn nhân lực, thời gian và cả bất tiện và phiền hà cho người dân (tốn thời gian, công sức, tiền của khi đi xác nhận). Chưa kể, nhiều lúc hệ thống mạng bị nghẽn, quá tải, khiến xử lý công việc bị kéo dài, bị đứt quãng, kéo theo giải quyết chậm trễ cho người dân, dẫn đến những bức xúc không cần thiết do không hiểu của người dân.

Đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư

Theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt, chỉ đạo cụ thể các cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết  TTHC không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú.

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, ứng dụng thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng VNeID và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD và tài khoản định danh điện tử để dần thay các loại giấy tờ công dân, trước mắt là việc thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy từ ngày 1-1-2023.

TRỌNG HUY

.