Thơm thảo tấm lòng phụ nữ ở vùng quê

.

Làm việc tốt, việc thiện không hề khó, chỉ cần chúng ta làm hết mình, cống hiến hết mình dù bất kỳ công việc có khó khăn, gian khổ đến đâu. Đó là trải lòng của nhiều phụ nữ đang sinh sống tại vùng nông thôn xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Ở đó, người góp gạo, người góp công, hỗ trợ học bổng... để chăm lo đến hộ gia đình nghèo, hộ gia đình khó khăn...

Cụ bà Huỳnh Thị Ngân luôn thương yêu con trẻ và 10 năm qua tài trợ nhiều học bổng cho trẻ em nghèo có cơ hội học tập, lập nghiệp.
Cụ bà Huỳnh Thị Ngân luôn thương yêu con trẻ và 10 năm qua tài trợ nhiều học bổng cho trẻ em nghèo có cơ hội học tập, lập nghiệp. Ảnh: C.CHIẾN

Người dân ở xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) dành tình cảm chân thành khi nói về chị Phan Thị Minh Nguyệt, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Nhơn Thọ 2 và bà Huỳnh Thị Ngân, 85 tuổi ở thôn Giáng Nam 2. Bởi, bằng những việc làm, hành động ý nghĩa, nhân văn của hai người phụ nữ này đã mang lại niềm hy vọng cho nhiều hoàn cảnh.  

Hơn 5 năm qua, đều đặn hai ngày một lần, chị Phan Thị Minh Nguyệt tranh thủ thời gian để đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình bà Võ Thị Trưng nay đã 66 tuổi ở cùng thôn. Chồng bà Trưng là ông Nguyễn Văn Phiên (68 tuổi), bị tai biến nằm một chỗ hơn 20 năm qua, bản thân bà bị tai biến không tự sinh hoạt, đi lại suốt 8 năm qua. Hai phận đời, hai con người cao tuổi chỉ trông chờ vào người con trai duy nhất là anh Nguyễn Văn Hiếu 30 tuổi. Nhưng trớ trêu, người con trai này vừa trải  qua cơn bạo bệnh, điều trị tại bệnh viện suốt 3 tháng trời.

Ngôi nhà không có bàn tay của người phụ nữ, chị Nguyệt tự nguyện đến quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo, lau chùi, tắm rửa cho bà Trưng. Có đồ ăn thức uống tươi ngon cũng dành phần nhiều mang đến cho gia đình bà Trưng.

Chị Nguyệt cho biết, giúp đỡ gia đình bà Trưng không riêng mỗi mình chị mà Chi hội Phụ nữ thôn Nhơn Thọ 2 cũng hỗ trợ 300.000 đồng và 30kg gạo hằng tháng từ nguồn quỹ tiết kiệm của chi hội. Để tạo điều kiện cho người con trai bà Trưng có sinh kế, chị Nguyệt vận động hội viên chi hội phụ nữ coi nhà ai có công việc gì nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của anh Hiếu đến phụ giúp để có tiền trang trải cuộc sống. Hằng ngày, anh Hiếu đi cắt cây lá thuốc nam mọc hoang dại quanh thôn; mang về nhà chặt nhỏ, phơi khô. Nguồn cây lá thuốc nam này sau đó chị Nguyệt đến nhà thu gom rồi mang đi bán giúp để anh có thêm tiền chi tiêu cho gia đình.

Chị Nguyệt nói trong xúc động: “Nhìn gia cảnh của bà Trưng rất khó khăn mà bản thân tôi cũng khó khăn nhưng tôi giúp được gì thì tôi giúp hết mình, tôi chỉ có công sức, còn chuyện tiền bạc thì tôi đi vận động hội viên thông qua mô hình nuôi heo đất, thu gom ve chai”.

Cũng ở xã Hòa Phước, em Nguyễn Tiểu My ở thôn Tân Hạnh dù hiện làm điều dưỡng viên tại Bệnh viện Gia Đình nhưng hoàn cảnh gia đình rất đáng thương. Chưa đầy một năm mà cả ba và mẹ em qua đời vì bạo bệnh. Thấu cảm hoàn cảnh đó, bằng những suất học bổng từ sự chắt bóp bản thân, bà Huỳnh Thị Ngân âm thầm hỗ trợ cho chị em My học nghề. Sau khi Tiểu My ra trường, bà Ngân một lần nữa dang tay giúp đỡ, xin cho My vào làm việc tại Bệnh viện Gia Đình. Nguyễn Tiểu My chỉ là một trong số hàng chục trường hợp có gia cảnh khó khăn đã vươn lên nghịch cảnh từ tấm lòng nhân hậu của người phụ nữ đức độ này.

Chị Phan Thị Minh Nguyệt (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nhơn Thọ 2, xã Hòa Phước) tận tụy chăm sóc người già trong thôn bị bệnh dù không phải là người thân của gia đình. Ảnh: C.CHIẾN
Chị Phan Thị Minh Nguyệt (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nhơn Thọ 2, xã Hòa Phước) tận tụy chăm sóc người già trong thôn bị bệnh dù không phải là người thân của gia đình. Ảnh: C.CHIẾN

Gia đình các chị Phạm Thị Ràng và Nguyễn Thị Lưỡng ở cùng thôn Giáng Nam 2, không thể quên được cái ngày bà Ngân đích thân tìm đến tận nhà đặt vấn đề hỗ trợ cho mỗi trường hợp 20 triệu đồng để sửa chữa lại căn nhà dột nát. Đây là số tiền bà Ngân vận động từ các con của mình hỗ trợ xây tặng. Rồi gia đình ông Trần Hoan (64 tuổi), người cùng thôn rơi vào bế tắc khi vợ mất sớm, cảnh gà trống nuôi con suốt hơn 30 năm nay. Thế nhưng người con trai thứ 3 có vợ, lại vừa mới mất do bạo bệnh, để lại hai đứa con gái thơ dại. Bản thân ông bị ung thư giai đoạn cuối.

Bà Huỳnh Thị Ngân lại tìm đến giúp đỡ, khi thì lương thực, thực phẩm thiết yếu, khi thì quần áo, sách vở và hỗ trợ học bổng suốt đời cho 2 đứa cháu nội ông Hoan là Trần Hoàn Nhã Nhi, Trần Hoàn Hoàng Vi được tiếp tục đến trường. Không dừng lại ở đó, mới đây, nhân dịp lễ mừng thọ của mình, bà Ngân bảo các con lấy toàn bộ số tiền mừng tuổi 30 triệu đồng để lập 100 suất quà, mang đến tặng cho người nghèo, các cháu thiếu niên nhi đồng là nạn nhân chất độc da cam.

Nói về việc làm của mình với người nghèo, nhất là đối với các trường hợp bất hạnh trước cuộc sống, bà Huỳnh Thị Ngân trải lòng: “Ở tuổi 85, cuộc đời đã cho tôi nhiều thứ. Đáng quý nhất là tôi có một gia đình, mà ở đó các con đều hiếu thuận, giỏi giang, đóng góp tài, sức cho xã hội ở nhiều vị trí khác nhau. Với tôi, đó là sự ân huệ của số phận. Vì vậy, tôi nguyện san sẻ niềm hạnh phúc đó cho hết thảy mọi người, nhất là người nghèo”.

CÔNG CHIẾN

;
;
.
.
.
.
.